Mỹ đã vận động các đồng minh châu Âu ủng hộ mức trần 60 USD/thùng khi mua dầu thô của Nga, nhưng Nhật Bản, một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở châu Á, hiện đang mua dầu với giá cao hơn mức giá này.
Nhóm G7 (7 quốc gia có nền kinh tế phát triển lớn nhất thế giới), Liên minh châu Âu (EU) và Úc đã đồng ý mức trần giá 60 USD/thùng đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga nhằm giảm thu nhập của Nga từ việc bán dầu, đồng thời ngăn giá dầu toàn cầu tăng đột biến.
Giá trần cho phép các nước ngoài EU tiếp tục nhập khẩu dầu thô của Nga, nhưng cấm các công ty vận chuyển, bảo hiểm và tái bảo hiểm xử lý các lô hàng dầu thô của Nga trên toàn cầu, trừ khi chúng được bán với giá thấp hơn giá trần.
Ngay cả khi các công ty mua dầu không liên kết với Mỹ, họ vẫn cần sử dụng dịch vụ bảo hiểm và các dịch vụ khác từ các công ty có trụ sở tại Mỹ hoặc một trong những đồng minh của Mỹ.
Các quốc gia đã đưa ra một ngoại lệ đối với dầu thô mà Nhật Bản mua từ dự án Sakhalin-2 ở vùng Viễn Đông của Nga cho đến ngày 30/9, vì quốc gia châu Á không có nguồn nhiên liệu hóa thạch của riêng mình và phải phụ thuộc vào Nga.
Trong khi nhiều quốc gia giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga, Nhật Bản lại tăng cường mua khí đốt tự nhiên của Nga trong năm qua. Quốc gia châu Âu chiếm gần 1/10 lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu của Nhật Bản, phần lớn là từ Sakhalin-2. Lượng khí đốt mà Nhật Bản mua từ khu vực này vào năm 2022 cao hơn 4,6% so với năm trước.
Trong 2 tháng đầu năm nay, Nhật Bản đã mua khoảng 748.000 thùng dầu của Nga với tổng trị giá 6,9 tỷ Yên, theo thống kê thương mại chính thức. Theo tỉ giá hối đoái hiện tại, con số đó có nghĩa là 52 triệu USD, tương đương gần 70 USD/thùng.
Nguyễn Tuyết (Theo WSJ, Fox Business)