Nghe có vẻ bất thường nhưng thực ra hiện tượng này xảy vô cùng thường xuyên, ngay trong những cuộc hội thoại đời thường và chẳng mấy ai nhận ra rằng mình đang cầm dao chĩa vào nạn nhân.
Đó là khi bạn cùng một nhóm bạn trò chuyện về một vụ xâm hại mới xảy ra và một người nhận định rằng: “Nếu không ăn mặc hở hang và đi ra đường vào đêm muộn thì đã không bị hiếp”.
Khi đưa ra những ý kiến này, người nói nghĩ rằng mình đang có cái nhìn khách quan từ nhiều chiều nhưng thực chất nó lại đưa ra kết luận vội vã khi thiếu thông tin. “Cái nhìn khách quan từ nhiều chiều” của những người này hoàn toàn chỉ xoay quanh nạn nhân, họ chỉ quan tâm đến hoàn cảnh, đặc điểm và bản chất của người bị hại và bỏ qua những yếu tố liên quan như đối tượng gây án và những người liên quan rồi nhanh chóng đưa ra những nhận định vô cùng chủ quan. Đây chính là nguyên do cũng là hậu quả của tư tưởng đổi lỗi cho nạn nhân.
Quay lại trường hợp xâm hại tình dục, liệu bây giờ bạn có còn nghĩ “ăn mặc hở hang” và “ra đường muộn” là nguyên nhân dẫn đến sự việc? Những yếu tố này chỉ là tình tiết của vụ án, bản chất của vấn đề là cô gái bị hiếp dâm trong lúc ăn mặc hở hang và ra đường vào đêm muộn.
Phong cách thời trang và thời gian hoạt động của nạn có thể chỉ là một yếu tố dẫn đến sự cố chứ không phải nguyên nhân toàn phần.
Bạn không sai khi chỉ ra một khía cạnh của sự việc, vì không sai nên không ai cấm, vì không ai cấm nên mọi người tự do đưa ra ý kiến. Một ý kiến thì vô hại, nhưng hàng trăm ý kiến tương đồng trở thành một con dao đâm thẳng vào bản chất của sự việc, cắt bỏ đi những yếu tố liên quan, vô tình biến một khía cạnh nhỏ trở thành bản chất của sự việc.
Và rồi nó mang lại điều gì? Bên cạnh việc làm biến chất vấn đề, luồng ý kiến này sẽ dần trở thành một xu hướng, một tư tưởng cắm sâu vào tiềm thức của chúng ta rằng mỗi khi có một sự cố xảy ra thì nạn nhân cũng chính là một kẻ tòng phạm trong chính câu chuyện bất hạnh của mình.
Thử đặt bản thân vào vị trí của người bị hại, liệu bạn có muốn bị hàng ngàn mũi dao chĩa về phía mình sau khi gặp chuyện không may?
Cũng là đặt bản thân vị trí của người bị hại, nhưng bạn lại lựa chọn thời điểm trước khi sự cố xảy ra, bạn cho rằng bản thân sẽ cẩn trọng hơn, sẽ không tự đẩy mình vào những tình thế nguy hiểm: “Nếu là mình, mình sẽ không ăn mặc hở hang”, “Nếu là tôi, tôi sẽ không đeo trang sức đắt tiền”, “Nếu là tớ, tớ sẽ không ra đường vào buổi đêm”,...
Kỳ thực, biến cố xảy ra không chỉ vì một sự sơ suất của bạn mà nó cấu thành từ nhiều nguyên do khác nhau và có hàng trăm biến cố có thể xảy ra chứ không chỉ một.
Thử tưởng tượng mình là một nữ nhân viên tham gia buổi tổng kết cuối năm ở công ty, bạn sẽ muốn mình xuất hiện trong một bộ cánh lung linh quyến rũ làm đồng nghiệp ngạc nhiên hay lại tiếp tục phong cách giản dị, nhàm chán thường ngày?
Giả sử bữa tiệc kéo dài và bạn hơi quá chén bạn sẽ phải làm gì khi ra về vào tối muộn?
Tự mình đi xe về nhà trong tình trạng thiếu tỉnh táo? Biết đâu bạn sẽ gặp tai nạn giao thông?
Bắt Taxi về nhà? Nếu lỡ tài xế là một tên côn đồ đang có ý định xấu với bạn?
Đến nhà đồng nghiệp và ngủ qua đêm? Đâu có thể loại trừ khả năng người đồng nghiệp kia sẽ không gây hại cho bạn?
Bạn có thể phòng tránh tất cả mọi việc được không? Chẳng lẽ bạn muốn sống trong lo âu cả cuộc đời này?
Thật sự nó không dễ chút nào. Vậy thì tại sao chúng ta lại phải khó khăn với người người khác? Chẳng phải bạn cũng ghét bị trách móc mỗi khi mắc sai lầm sao?
Chúng ta nói ta đặt chân vào giày của người khác nhưng chúng ta lại chọn thời điểm khi chiếc giày còn nguyên vẹn để chỉ trích họ không biết gìn giữ nó thay vì đi vào khi chiếc giày rách nát và cảm nhận sự khó chịu mà nó mang lại. Cuối cùng người bị hại vừa phải đi chiếc giày hỏng vừa phải chịu sự chỉ trích từ mọi người.
Những người kém may mắn không xứng đáng bị đối xử như vậy, họ cần tình thương và sự cảm thông. Những lời chỉ trích không phải là sự đồng cảm họ tìm kiếm.
Kể cả khi bạn không trực tiếp nói những lời ấy trước mặt người bị hại thì không có nghĩa là họ không hề hay biết những lời chỉ trích đó. Bạn nói được thì người khác cũng nói được, một ý kiến được tự do thảo luận khắp nơi bằng cách này hay cách khác cũng sẽ đến tai nạn nhân.
Lời nói của bạn vô hại với chính bạn nhưng mang lại những hậu quả vô cùng lớn đối với nạn nhân. Không những phải chịu đựng những mất mát thưởng tổn vốn có, họ sẽ nghĩ rằng lỗi lầm xuất phát bản thân mình và rồi không ngừng trách móc bản thân ngày qua ngày. Nhưng điều ấy sẽ hủy hoại một con người.
Có vẻ như những lời nói vu vơ ấy không còn vô hại nữa đúng không? Vậy tại sao chúng ta không dừng lại?
Hiển nhiên rất khó để có thể thay đổi một tư tưởng, một thói quen trong cách suy nghĩ của mỗi người. Không ai có thể bắt bạn ngừng suy nghĩ ấy ngay lập tức. Về cơ bản những suy nghĩ ấy không hoàn toàn là sai trái, việc bản thân bạn học hỏi từ sai lầm của người khác tự tìm cách để bảo vệ không phải thứ nên thay đổi, nhưng ta chỉ nên ngầm hiểu thôi, không nên nói ra. Thay vì nói rằng “Thật nguy hiểm, cô ấy không nên ăn mặc như vậy” thì chúng ta chỉ dừng lại ở phần “Thật nguy hiểm”, không quá khó khăn phải không nào?
Hãy giảm bớt những ý kiến như đâm dao hướng về người bị hại. Bằng cách kiểm soát lời nói của bản thân, chúng ta sẽ dần thay đổi để trở thành những con người tốt hơn.
Còn nếu như bạn cảm thấy điều này quá nhỏ nhặt không đáng để bận tâm thì đành phải đổ lỗi cho nạn nhân vậy!
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả