Trước năm 1975, không phải Hà Nội chưa biết nước đá là gì, song hồi đó người dân Hà Nội chưa hề có thói quen, hay nói cách khác là chưa bao giờ uống thử một cốc trà đá. Bởi chẳng có nơi nào bán cả. Thành phố này chỉ có những quán bán nước chè chén, thứ chè sao khô được hãm sẵn trong một cái ấm tích đã xỉn màu. Số lượng những quán chè chén như thế ở Hà Nội có đến hàng vạn. Chủ nhân của những quán cóc này thường là những bà cụ nhai trầu bỏm bẻm, bởi chỉ có các cụ mới đủ kiên nhẫn để ngồi thu nhặt từng xu lãi qua những chén trà bốc khói kia.
Bây giờ thì tình hình có đổi khác ít nhiều. Ngồi sau quán nước chè, thay vì là một bà cụ như ta vẫn thấy thuở trước, nay có thể là một cô gái, một anh chàng mặt mũi bặm trợn hay một bà xồn xồn nào đó. Bám rễ một cách chắc chắn vào đời sống của hàng triệu người dân, chè chén (hay còn gọi là trà nóng) đàng hoàng chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống của người dân nơi đây.
Người ta uống trà vào sáng tinh mơ, khi chuẩn bị cho một ngày mới bận rộn. Một tách trà đặc bốc khói nghi ngút tạo cảm giác chu toàn và dễ chịu sau bữa ăn, dù cho đó là một bữa cơm đạm bạc chỉ vài miếng rau dưa của người công nhân bốc vác chẳng hạn. Trong một nhấn nhá của cái thứ hạnh phúc cỏn con, người ta rít một hơi thuốc lá, và chậm rãi chiêu một ngụm trà nóng đặc sánh, để lơ mơ với làn khói mỏng lễnh loãng đang nhè nhẹ tuôn ra từ lỗ mũi, và cảm nhận được vị ngọt kỳ lạ mà chất nước huyền diệu kia đang để lại trên cổ họng.
Chè chén được nhớ đến một cách đặc biệt khi thành phố bước vào ngưỡng cửa của mùa đông lạnh giá. Người ta vồ vập cầm chén trà, vừa nhấp ngay một ngụm vừa xuýt xoa, tưởng như chút nước màu mật ong ấy có thể sưởi nóng tấm thân đang rét cóng. Tiếp theo đó, người ta ôm lấy chén trà bằng cả hai lòng bàn tay rồi uống từng ngụm nhỏ. Khi chén trà đã cạn, người uống có thể ấp cả hai lòng bàn tay lên khuôn mặt mình để hưởng một chút ấm áp của nhiệt truyền từ chén trà sang. Đó là một cảm giác hài lòng và dễ chịu.
Mặc dù đã biết bao thế hệ người dân nơi đây quen với cái thú uống trà nóng, song chè chén tại Hà Nội vẫn chỉ là thức uống bình dân, tạo thành một văn hóa trà bình dân mà thôi. Không nghiêm khắc như Trà đạo Nhật Bản, hay cầu kỳ như thú uống trà đã được kể một cách tài tình dưới ngòi bút của nhà văn Nguyễn Tuân, chè chén Hà Nội lặng lẽ và bền bỉ đi cùng với cuộc sống hàng ngày của người dân, bất kể thuộc tầng lớp nào trong xã hội.
Một quán chè chén tại Hà Nội mãi mãi vẫn chỉ đơn sơ dăm ba lọ kẹo, một chiếc hộp nho nhỏ đựng vài bao thuốc lá, và giỏ ấm tích đựng thứ nước nóng màu mật ong cổ tích ấy. Chẳng thể đơn giản hơn được nữa, nhưng cũng chính vì vậy mà chè chén không thể lai căng, không thể cải tiến như vài năm gần đây, người ta đã từng cải tiến những thứ khác, như là cho thêm thịt bò và chả giò vào bún riêu, vào bún ốc, như là người ta ăn phở gà bò lẫn lộn.
Nói một cách công bằng, vào thời đói kém đắt đỏ năm xưa, có quán nước cũng đã từng gian dối khi cho vào ấm tích nửa viên B1 để đánh lừa người uống trà bằng vị chát của thuốc tây. Thời đó đã vĩnh viễn qua rồi.
Lớp trẻ ở Hà Nội bây giờ không có hứng thú với chè chén. Chúng được dạy dỗ nhiều thứ, khoa học hơn, chính xác hơn. Có đứa không biết ăn hành, đứa thì không xài mì chính. Tôi đã từng nói chuyện mặt đối mặt với một cậu bé rất điển trai, nụ cười rạng rỡ với hàm răng trắng đều đặn, trông như diễn viên phim Hàn Quốc vậy. Một cuộc nói chuyện thú vị, và sẽ là hoàn hảo, nếu như nó không để lại cho tôi một chút tiếc nuối. Tôi tiếc cậu bé đã không biết uống trà. Giá như cậu biết, thì cái mùi tỏi đã không lộng hành suốt buổi nói chuyện giữa chúng tôi. Và thế là, giống như nhân vật trong cuốn Tìm lại thời gian đã mất của Marcel Proust, ta lại mong cho thời gian trôi thật chậm thôi.
Để ta được ngồi nhẩn nha, bên điếu thuốc thơm và chén trà mạn đặc sánh, nghi ngút tỏa hương.
Đức Anh