Lâu lắm rồi, một đêm đã khuya khuya, một anh bạn đang thỉnh giảng ở trường đại học quốc gia Lào điện cho tôi: Xấu hổ quá ông ạ, có một nhóm người Việt đang nhậu ở đây, họ một hai ba dô tưng bừng.
Hỏi mới biết đây là một nhóm kỹ sư quản lý của một nhà thầu đang xây dựng một công trình cho Lào. Và họ mang theo “văn hóa” nhậu của người Việt đời mới sang đất Lào, một đất nước rất hiền hòa, không có “văn hóa nhậu” rộn ràng như ta.
Nói “văn hóa nhậu của người Việt đời mới” bởi hình như từ xưa các cụ ta, cũng hay rượu phết, nhưng không có kiểu nhậu tưng bừng ấy.
Trừ vài anh nát rượu có thể lè nhè suốt ngày, họ cũng chỉ lè nhè chứ không tưng bừng hô hét một hai ba, các cụ uống rượu rất nhã, thậm chí còn có quy ước “rượu tam chè tứ”, có kinh nghiệm “rượu cổ be chè đít ấm”...
Uống bằng ly hạt mít, mỗi ly vừa một hắt rượu, xếp bằng trên sập, giường, phản, chiếu... khi uống ý tứ lấy tay che miệng, vén râu. Sang thì nói chuyện thơ phú, thực hơn thì chuyện mùa màng, thời tiết, chuyện con cái, xóm làng... đủ say thì về, cũng có cụ chân nam đá chân chiêu, tới nhà, các bà vợ bôi vôi vào gan bàn chân, ngủ một giấc là tỉnh. Là kinh nghiệm thế chứ chắc các cụ cũng chả hiểu vôi với rượu nó liên quan gì. Sau này các nhà hóa học, hoặc giáo viên dạy hóa mới phân tích, té ra nó có chất gì đấy để dung hòa nhau.
Các cụ cũng chia ra các loại, các hạng người uống, những là huyết tửu, tiên tửu, tục tửu...
Phong cách một hai ba dô có khi, có khi thôi nhé chứ tôi cũng chưa thấy một ai nghiên cứu cụ thể, có từ khi văn hóa bia du nhập. Nhưng ngày xưa, bia hơi Hà Nội ấy, giờ đa phần vẫn, người ta không ực phát hết một trăm, mà nâng lên đặt xuống nhiều lần, nhưng dẫu thế, khi đếm ly thì thấy cũng rất kinh. Giờ những bãi bia hơi Hà Nội ấy, xôi đỗ các loại người uống. Vẫn có người nhâm nhi nhiều lần, và cũng đông loại đứng dậy một hai ba dô và... úp ly.
Tôi để ý, người trẻ một hai ba dô nhiều hơn người già. Giờ nó thành như cái mốt. Ở đâu có người trẻ là có một hai ba dô.
Và, nhiều người coi cái việc tất cả đứng lên chụm ly rồi một hai ba dô là cách để thể hiện đoàn kết, cách tập hợp thanh niên.
Giờ thêm cái bài, xong rồi thì tất cả chạm tay rồi vừa hô vừa hất tay lên. Nếu trong bàn có nữ thì người nữ để ngửa tay, nam úp tay lên, hô một hai ba rồi đồng loạt hất tay ra và hô lên. Dô xong rồi thì... lên, một hai ba... lên.
Đi đám cưới, hãi nhất là một ông lạ hoắc, tay cầm ly bia, miệng cười cười, xông đến. Việc đầu tiên là lần lượt bắt tay từng người trong bàn, rồi cầm chai hoặc lon rót đầy các ly trên bàn, rồi giơ ly của mình ra, đương nhiên những người trong bàn cũng phải đứng lên và giơ ly của mình ra, rồi 100 phần trăm. Rồi ông mời ấy ngửa tay ra, tất cả đặt tay vào, một hai ba... lên. Chưa hết, có nơi yêu cầu hô tới... 3 lần.
Mà có khi đi đám ma người ta cũng thế.
Cứ có bia là người ta lại một hai ba dô. Và cả rượu chứ không chỉ bia.
Tôi không biết bên đoàn thanh niên có chủ trương không, nhưng thấy thanh niên ai cũng thành thạo món... một hai ba dô hoặc một hai ba lên, một hai ba uống này.
Thế nên sáng qua, báo chí và mạng sửng sốt với việc các bạn nữ, nghe nói có cả dưới 18 tuổi dự hội trại ở một tỉnh nọ có màn... thi uống bia. Lại nhớ có hồi tôi hỏi một anh bạn từng là cán bộ đoàn, rằng là cái món uống bia xong rồi chụm tay lại hô ấy, có phải nó xuất phát từ các cuộc... sinh hoạt đoàn. Anh ấy cười cười không trả lời.
Thực ra nó là thói quen, và thói quen ấy bột phát ở cuộc trại này thôi chứ cũng chưa cháy nhà chết người gì, cũng không nên quy kết các bạn ấy quá.
Một thời ở ta, đã đi tiếp khách là phải uống, và phải uống hết mình. Lãnh đạo đánh giá nhân viên qua việc uống có hết mình hay không? Và các cuộc “ngoại giao uống” cũng phát triển. Muốn được chú ý, thay vì bộc lộ khả năng chuyên môn, phẩm chất đạo đức, một số lại chọn cách thể hiện là... uống với sếp.Nhậu trở thành… nhu cầu chính đáng. Bằng chứng là trong quy định tiếp khách của các cơ quan, có hẳn mục chỉ được uống loại gì loại gì, nên mới có chuyện cơ quan kia lấy hóa đơn tiếp khách, tính trung bình mỗi người uống… 20 chai nước khoáng trong bữa ăn. Thì nó phải chịu trận thay cho bia hoặc rượu ấy mà.
Tôi khai thật là tôi uống... cũng được, tửu lượng cũng khá, cũng hiểu sơ sơ về rượu bia và cách uống. Dẫu vậy vẫn rất dị ứng với kiểu uống lấy được, uống tới gục tại chỗ, uống với bất cứ ai, và... một hai ba dô. May là thời trẻ chúng tôi chưa bị trào lưu một hai ba dô xâm nhập. Cũng chưa phải... bắt tay khi uống xong.
Vì cũng uống được và uống nhiều nơi nên tôi “tổng kết” được các kiểu nhậu của từng vùng nó cũng khác nhau. Dân Bắc thích uống rượu buổi sáng, nhất là đi ăn sáng, quán nào cũng để một chai trong vắt, khách tự giác rót mà uống rồi khai với chủ tính tiền, để rồi cứ lơ mơ cả ngày mới sướng. Dân miền Trung thì vừa ăn vừa uống, và dân Nam thì ăn xong mới uống. Ăn xong dọn mâm đi, bày cá khô nước đá với rượu ra, uống cả ngày không say. Tất nhiên tổng kết này chỉ mang tính tương đối.
Cái đoạn uống xong bắt tay giờ nó phổ biến khắp hang cùng ngõ hẻm, nhưng nhớ có lần mấy anh Phú Thọ nhận “Uống xong bắt tay, biết ngay Phú Thọ”. Còn một hai ba dô chưa thấy anh nào tự nhận, hoặc có mà tôi chưa biết.
Theo tôi, đấy là thói quen rất nên bỏ, nó không văn minh tí nào?
Ơn giời, từ khi có nghị định về nồng độ cồn và cảnh sát giao thông thực thi gắt gao thì các bãi bia giảm hẳn, các tiếng hô một hai ba dô cũng ít hơn.
Cứ thèm những cuộc ngồi uống tao nhã, nhẹ nhàng, im lặng, người nói có người nghe, và quan trọng là, không làm phiền người khác.
Trong cuộc thi uống bia bột phát ở cái hội trại được nhắc kia, có thủ lĩnh, có MC và có... khán giả vỗ tay, có cả trao huy chương cho kỷ lục gia uống bia nhanh nhất.
Thích nhất là uống và được không làm phiền người khác, và không bị người khác làm phiền.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.