Tỉnh Hà Nam đã có 2 dự án sân golf được đưa vào quy hoạch và tỉnh này đang đề nghị bổ sung thêm một dự án khác vào quy hoạch. Theo lý giải của tỉnh này, việc xây dựng sân golf sẽ góp phần thúc đẩy phát triển du lịch và kinh tế địa phương.
Tuy nhiên, dự án sân golf mới lại được quy hoạch gần với sân golf đang được triển khai xây dựng chưa đến 10km làm nhiều người dấy lên nghi ngại về việc tập trung quá nhiều sân golf trên địa bàn sẽ không phát huy hiệu quả, tác động xấu đến môi trường.
Huyện Kim Bảng nằm ở phía bắc tỉnh Hà Nam, là một trong hai huyện có địa thế rừng núi trải dài tới đồng bằng. Vốn là vùng đất cổ nên Kim Bảng cũng nằm trong vùng du lịch "tâm linh phía tây nam TP.Hà Nội.
Nơi đây, có nhiều danh lam thắng cảnh và khu du lịch trọng điểm của tỉnh Hà Nam, nổi bật trong đó là khu du lịch Tam Trúc - Ba Sao. Việc xây dựng sân golf Kim Bảng (Stone Valley) và dự án sân golf 36 lỗ và khu phụ trợ (Paradise golf, đang trình Chính phủ) sẽ là điểm nhấn thu hút.
Ông Đặng Văn Hồng, Phó Trưởng phòng Hợp tác đầu tư (sở KH&ĐT Hà Nam) cho hay, việc đề xuất xin Chính phủ phê duyệt quy hoạch dự án Paradise golf vào quy hoạch sân golf là để phục vụ cho khu du lịch Tam Trúc. Diện tích đất thực hiện dự án là nền núi đá đã được các doanh nghiệp khai thác hết và đã được bàn giao lại cho xã Tượng Lĩnh quản lý, chứ không có đất ở của các hộ dân.
Tuy nhiên nhiều người dân Tượng Lĩnh khi trao đổi với PV tỏ ra khá bất ngờ khi nghe về dự án sân golf này. Họ khẳng định, phía đất thực hiện dự án đang được nuôi trồng thủy sản, ngoài ra còn có một số doanh nghiệp vẫn đang khai thác đá tại đây.
Còn cán bộ địa chính xã Tượng Lĩnh cho biết, địa phương chưa nắm được gì cụ thể về chủ trương lấy đất để xây dựng dự án sân golf, chỉ nghe mọi người đồn thổi với nhau, chứ chưa có văn bản cụ thể nào cả.
Chưa bàn tính tới việc lấy ý kiến người dân, chính quyền cơ sở về việc thực hiện dự án có diện tích lớn, nhưng việc triển khai hai dự án sân golf gần nhau cũng dấy lên nhiều nghi ngại về vấn đề môi trường, cũng như ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân vùng lân cận.
GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng bộ NN&PTNT cho hay, khi xây dựng sân golf người ta trồng các loại cỏ đặc biệt và rất sợ bị mối đùn lên làm hỏng sân, chính vì thế phải dùng hóa chất để xử lý mối và các loại côn trùng khác. Lâu nay, sân golf sử dụng lượng hóa học rất lớn, ngang lượng hóa học cho các nhà máy hóa chất hay các khu công nghiệp. |
Theo tìm hiểu của PV, một sân golf ở nằm ở ngoại thành Hà Nội đi vào hoạt động được từ giữa năm 2015 nhưng bị nhiều người dân phản đối vì ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường xung quanh.
Theo đó, bà con nhân dân sống nơi sân golf tọa lạc đã nhiều lần có đơn gửi tới lãnh đạo UBND TP.Hà Nội phản ánh mùi thuốc trừ sâu từ sân golf bay xuống khu dân cư khiến người lớn, trẻ con đều nôn nao, chóng mặt khi hít phải loại mùi này.
Bên cạnh đó, bà con cũng cho rằng, nước thải từ sân golf đã theo mạch nước ngầm và hệ thống kênh mương tưới tiêu của xã ảnh hưởng tới an toàn tính mạng người dân và vật nuôi. Mặc dù đã nhiều lần phản ánh tới chính quyền sở tại, tuy nhiên vấn đề chưa được giải quyết triệt để.
Nhiều người dân tỏ ra nghi ngại xoay quanh vấn đề về việc sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật khi sân golf hoạt động sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của họ.
(Còn nữa)
Nhóm P.V