Hiện tỉnh Quảng Nam ghi nhận hơn 13.700 ca mắc sốt xuất huyết, tăng gấp 20 lần so với cùng kỳ năm ngoái, 1 trường hợp tử vong.
Trường hợp điển hình mắc sốt xuất huyết trên địa bàn là anh Võ Viết Quang ở khối phố Mỹ Hoà, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Cách đây 3 ngày anh sốt cao, triệu chứng chóng mặt, buồn nôn. Mặc dù đã dùng thuốc điều trị ở nhà nhưng không khỏi nên anh vào viện để khám, được bán sĩ chẩn đoán mắc sốt xuất huyết. Trước đó, con gái anh Võ Viết Quang vừa xuất viện sau khi điều trị sốt xuất huyết.
“Ở nhà sốt rất cao chỉ có mua thuốc hạ sốt về uống, sốt kéo dài nên phải nhập viện. Sốt mấy ngày mà không biết có bệnh sốt xuất huyết. Vào đây điều trị mấy ngày rồi. Chỗ ở của tôi do môi trường xung quanh có nước đọng rất nhiều cho nên muỗi nhiều dễ gây sốt xuất huyết. Khu nhà tôi ở có rất nhiều người bị sốt xuất huyết”, anh Quang cho biết.
Huyện Duy Xuyên có số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao nhất so với các địa phương ở tỉnh Quảng Nam. Đến thời điểm này, huyện này đã ghi nhận hơn 1.260 ca sốt xuất huyết tăng 32 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề sốt xuất huyết, Bác sĩ Trần Văn Nam, Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ, Trung tâm Y tế huyện Duy Xuyên cho biết: Ngày cao điểm có khoảng 80 - 100 bệnh nhân đến khám mắc sốt xuất huyết, trong đó, 30 ca nhập viện nội trú. Bác sĩ Trần Văn Nam khuyến cáo người dân, khi có biểu hiện sốt cao nên đến các cơ sở y tế khám và điều trị, không nên chủ quan tự mua thuốc uống ở nhà.
“Trung tâm Y tế huyện Duy Xuyên tăng cường thời gian làm việc để cố gắng phục vụ bệnh nhân, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra. Hiện tại, tình hình dịch bệnh xảy ra như vậy trong khi cơ sở vật chất xuống cấp và chật chội, số giường bệnh không đủ phục vụ cho nên nhiều lúc bệnh nhân phải nằm ngoài hành lang, ngoài hiên và nằm giường 2 giường 3. Đội ngũ y tế túc trực 24/24 để phục vụ cho bệnh nhân”, bác sĩ Nam cho hay.
Trước nguy cơ dịch sốt xuất huyết có thể tiếp tục tăng, ngành Y tế tỉnh Quảng Nam cùng các địa phương triển khai các biện pháp vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng hạn chế dịch bệnh lây lan diện rộng; tập trung điều trị cho các bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong.
“Người dân cũng phải biết được các triệu chứng ban đầu của sốt xuất huyết và không chủ quan, bất kỳ lý do nào cũng phải đi đến các cơ sở Y tế để thăm khám và phát hiện xử lý sớm. Bên cạnh đó, ngành Y tế tăng cường công tác giám sát, cảnh giác với các ca bệnh sốt vào viện để sớm xử lý kịp thời”, ông Nguyễn Văn Văn, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết.
Theo đánh giá của ngành y tế tỉnh Quảng Nam tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn còn diễn biến phức tạp, với mức độ bùng phát và lây lan nhanh, khó kiểm soát. Nguyên nhân của tình trạng này do hiện nay, thời tiết thay đổi tạo điều kiện thuận lợi cho véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết là muỗi và bọ gậy phát triển; nguy cơ gia tăng các ca bệnh và lan rộng ra nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh nếu không có các biện pháp chủ động phòng chống dịch.
Sở Y tế tỉnh Quảng Nam yêu cầu các đơn vị y tế tập trung chỉ đạo hệ thống chính trị khẩn trương giải quyết triệt để các ổ dịch đã kéo dài dai dẳng, không để lây lan trên diện rộng, khó kiểm soát.
Triển khai mạnh mẽ các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy) trên địa bàn ngay trong tháng 10 và 11, duy trì hoạt động vệ sinh môi trường 1 - 2 lần/tuần tại các khu vực có nguy cơ cao và các khu vực có chỉ số muỗi, lăng quăng (bọ gậy) cao, 2 lần/tháng tại các khu vực còn lại. Vận động người dân cùng tham gia.
Đặc biệt, huy động các ban ngành, đoàn thể, đặc biệt các lực lượng cán bộ tại các tổ dân phố, thôn, bản và cộng đồng tham gia các hoạt động phòng chống dịch sốt xuất huyết; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn tới tận các hộ gia đình để người dân chủ động tham gia phòng, chống dịch.
Chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết nhanh khỏi
Người bệnh cần thường xuyên đo nhiệt độ để phòng khi sốt cao hoặc có bất thường về thân nhiệt. Khi sốt, bệnh nhân thường xuyên mệt mỏi, dễ mất nước.
Trẻ em mắc sốt xuất huyết cần bổ sung 1,5 lít nước trong ngày, với người lớn thì khoảng hai lít, có thể uống nước sôi để nguội, nước trái cây (nước dừa, cam, chanh) hoặc nước cháo loãng với muối.
Nên dùng khăn ấm lau mát cơ thể, đắp khăn ở vùng nách và bẹn để hạ thân nhiệt. Mặc quần áo thoáng mát và mỏng, tốt nhất là được may từ vải cotton. Nếu sốt trên 38,5 độ C phải uống hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ, mỗi lần uống cách nhau 4-6 tiếng.
Bác sĩ Lê Thị Thúy Hằng, Bệnh viện Đại học Y Dược Tp.HCM - Cơ sở 3 lưu ý, tuyệt đối không cho người mắc sốt xuất huyết uống nước ngọt màu đỏ, vì gây nhầm lẫn với hiện tượng chảy máu dạ dày nếu bị nôn.
Người bệnh nên ăn những loại thức ăn dạng lỏng như cháo, súp hoặc cơm nát, đồng thời tránh những loại thức ăn có nhiều dầu mỡ, gây khó tiêu, đầy bụng.
Ngoài ra, bệnh nhân sốt xuất huyết cần đặc biệt chú ý đến việc tái khám theo hướng dẫn của bác sĩ, kể cả khi ngừng sốt vẫn phải tái khám.
Trong trường hợp người bệnh có các dấu hiệu cảnh báo bệnh tiến triển theo chiều hướng xấu như: vật vã, lừ đừ, li bì hoặc buồn nôn, đau bụng dữ dội, chảy máu mũi, miệng hoặc bất kỳ chỗ nào, tay chân lạnh, khó thở, tiểu ít... cần nhập viện ngay.
Trúc Chi (theo VOV, Infornet, Sức khỏe & Đời sống)