Theo đơn khởi kiện của công ty Nishu, thì doanh nghiệp này ký hợp đồng "bảo hiểm hỏa hoạn và các rủi ro đặc biệt" với công ty CP Bảo hiểm Hàng không từ ngày 18/8/2009. Sau đó đúng một năm, hợp đồng bảo hiểm hết hạn. Hai bên tiếp tục ký kết 2 hợp đồng bảo hiểm đều có thời hạn 1 năm. Một hợp đồng bắt đầu từ ngày 18/8/2010 với số tiền bảo hiểm là 5 tỷ đồng và một hợp đồng từ ngày 7/10/2010 với số tiền bảo hiểm là 6,5 tỷ đồng.
Sau đó, vào ngày 11/11/2010, công ty Bảo hiểm Hàng không phát hành hóa đơn thu phí bảo hiểm của 2 hợp đồng tổng cộng là 13,8 triệu đồng. Tuy nhiên, do công ty Nishu không thấy cán bộ thu phí đến thu tiền như trước nên đến ngày 14/12/2010, doanh nghiệp này đã nộp phí bằng ủy nhiệm chi qua ngân hàng và công ty Bảo hiểm Hàng không đã nhận đủ tiền phí này.
Một trong các sản phẩm của công ty CP Bảo hiểm Hàng không là bảo hiểm cả thân vỏ, phụ tùng máy bay
Sau đó hơn nửa tháng, bước sang năm mới, tức đêm 3/1/2011, tại công ty Nishu xảy ra hỏa hoạn. Công ty Bảo hiểm Hàng không đã cử cán bộ xuống giám định thiệt hại. Sau khi giám định tổn thất là hơn 14 tỷ đồng, và cơ quan chức năng xác định không có dấu hiệu phá hoại trong vụ việc, doanh nghiệp này đã đề nghị công ty CP Bảo hiểm Hàng không giải quyết bồi thường theo đúng thỏa thuận với mức cao nhất dành cho các khoản mục tổng cộng là hơn 9 tỷ đồng.
Vậy nhưng sau đó công ty Bảo hiểm Hàng không từ chối bồi thường với lý do các hợp đồng bảo hiểm trên trong tình trạng nộp phí chậm nên không phát sinh trách nhiệm bảo hiểm.
Không chấp nhận cách hành xử của công ty CP Bảo hiểm Hàng không, nên doanh nghiệp Nishu đã quyết định khởi kiện ra tòa.
Yến Linh