"Luật ngầm" trong đặt lễ
Thấy khách "chói" tai khi phải tiếp nhận "mớ" quy định hỗn độn của mình, ông Bình giới thiệu một người đàn bà tên Lương lên đọc bản "khuyến cáo" của "thánh" Bút. Trước gần trăm người, người phụ nữ nói rằng, "thầy" Bút "ban lệnh" trời để "cứu độ chúng sinh" và lấy tiền xây tháp phục vụ công việc thành tâm của bách dân trăm họ.
Lòng hảo tâm của mọi người sẽ được trời đất mãi mãi ghi danh. Nghe đến đây, những người có mặt vỗ tay ầm ầm. Xong màn "lý thuyết", ông Bình dẫn mỗi đoàn khoảng chục người lên tòa pháp xứ để cúng bái. Cứ thế, mười người một đoàn nối đuôi nhau tiến vào tòa nhà trăm tỷ.
Được biết, tầng hai của tòa thiên pháp xứ là nơi linh thiêng nhất. Nếu ai cầu sự việc cực kỳ hệ trọng, liên quan đến vận mệnh, gia đình, dòng tộc, sự nghiệp, tính mạng bản thân thì lên đó phát tâm, phát nguyện, đặt lễ rồi cầu. Nếu cầu danh, cầu lộc, cầu chữa bệnh nan y, cầu tình cảm, hạnh phúc, anh em gia đình thuận hòa, làng xóm vui vẻ thì sang ngôi nhà phía bên phải, nơi thờ Chúa Năm Phương. Theo ông này, mọi người chỉ cần đặt lễ ở đó rồi cầu khấn chắc chắn thần linh sẽ phù hộ... hết mình(!).
Tôi cũng theo chân mấy người phụ nữ đang khúm núm từng bước chân lên tòa thiên pháp xứ. Vừa đặt chân lên thềm nhà, chúng tôi khựng lại bởi một người đàn bà cầm trên tay hàng xấp đĩa nhỏ. Được biết, những chiếc đĩa này được dùng để đựng tiền lễ.
Điều kỳ lạ là khách đến đây chẳng cần mang hoa quả, bánh kẹo, rượu chè làm lễ... mà chỉ cần tiền là được. Mấy bà váy, áo thướt tha "nghe vẻ" có nhiều tiền, được ưu tiên phát đĩa trước. Hầu như mấy bà này ở đây đều đặt lễ 500.000 đồng. Thấy PV đặt 200.000 đồng, người đàn bà đứng phát đĩa cứ nhìn chằm chằm như tôi vừa từ trên "sao Hỏa" rơi xuống. Thấy vậy, chị L. kéo tôi ra một bên bảo: "Ở đây mặc dù không quy định nhưng ai cũng phải hiểu "luật".
Tiền đặt lễ tối thiểu là 300.000 đồng. Em đặt thêm tiền vào mà lên đi, chẳng "thánh" về lại không xin được "lệnh". Tôi nhẹ nhàng rút ví đưa thêm 200.000 đồng nữa. Người đàn bà kia làm ngơ cho PV "qua cửa". Những người đặt tiền lễ bằng đô la thường được các "nhân viên" trong tòa thiên pháp xứ tận tình tháp tùng lên tầng 2.
Người dân hoan hỉ khi đã được "người trời" ban "lệnh".
Trên chiếc ban thờ tầng 2, những chiếc đĩa tiền đặt chồng chất lên nhau. Vì không có chỗ đặt, chỗ quỳ nên nhiều người phải cầm trên tay và cứ thế vái vọng từ xa. Sau khi khách hành lễ xong, "cô" Lương đưa mọi người lên tầng 3 đặt tiền lễ tiếp. Ở dưới, một bà lão đầu tóc bạc phơ đi thu dọn đĩa và nhét "lộc" vào bao.
Theo quan sát của chúng tôi, trên tầng 2 và 3 của nhà "thánh" Bút có rất nhiều hoành phi câu đối. Tất cả được dát vàng sáng đến lóa mắt. Đặc biệt, ở tầng 2 có một đôi ngà voi được trạm khắc rất tỷ mỷ. Thấy tôi có vẻ thích thú, bà lão tóc bạc có nhiệm vụ ngồi thu tiền bảo rằng, "người trời" đã bỏ ra cả trăm ngàn đô để mua bộ ngà này ở châu Phi về.
Sau khi lễ ở tòa thiên pháp xứ, mọi người được "cô" Lương chỉ dẫn sang ngôi nhà bên cạnh để lễ tế Chúa Năm Phương. Chẳng ai bảo ai, tất cả lại ồ ạt kéo sang chỗ này. Hàng xấp tiền lẻ được rải như bươm bướm ở trên tất cả những ban thờ. Ai cũng quỳ xuống, chấp tay lạy lấy lạy để, miệng khấn lầm rầm.
Thực mục sở thị "siêu người trời"
Khi mọi thủ tục đặt lễ cầu khấn xong xuôi, mọi người được ông Bình gọi trở lại mấy gian nhà sàn để ngồi uống nước đợi "thánh" về. Từ xa xa, "cô" Lương chỉ đạo mấy người kê chiếc bàn rồi đặt hòm công đức lên. Một tay sổ, một tay bút, "cô" gọi mọi người đến thành tâm để ghi lên tờ giấy công đức. Thấy "cô" có lời, hàng chục người xô đẩy nhau chạy đến. Hàng xấp tiền được nhét vào hòm trong nụ cười tươi rói của "cô" Lương.
Sau khi bỏ tiền, họ hoan hỉ cầm trên tay chiếc giấy ghi công đức cùng chữ ký sẵn và dấu đỏ của "thánh" Bút. Cứ người này nối đuôi người kia, họ bỏ tiền vào hòm một cách mặc định mà không hề biết rằng đó là một chiêu trò "câu" tiền thành tâm của mình.
Ở giữa biệt phủ nhà Nguyễn Thành Bút có một chiếc hồ. Ở chính giữa hồ đặt tượng Quan Thế Âm Bồ Tát. Ở đằng trước, đằng sau, chỗ nào cũng thấy đặt ghế đá như công viên. Lúc nào bên trong nhà "thánh" Bút cũng có gần chục người chăm sóc cây cảnh, hoa lá. Nhìn nhà cửa, cây cảnh và đám người làm công, ai cũng phải trầm trồ khen "thầy" Bút lắm của, nhiều tiền.
Đợi cả tiếng đồng hồ, không thấy "thánh" Bút về, mọi người bắt đầu cảm thấy sốt ruột, bất an. Bởi, ai mà đã đặt chân vào biệt phủ của "thánh" đều biết rằng, dù có bỏ ra tiền tỷ nhưng không có "lệnh trời" thì chẳng khách nào công cốc. Thấy khách nhấp nhổm chờ đợi, ông Bình cũng cảm thấy lo lắng nhưng chỉ biết cười trừ rồi trấn an mọi người rằng "thánh" sắp về đến nhà. Ở gần đó, "cô" Lương vẫn đang hì hục ghi tiền công đức đến... mỏi tay.
Một lúc sau, khi còn gần chục người chăm chú "ghi danh" lên tờ giấy công đức thì "thánh" Bút được chở trên chiếc ô tô sang trọng mở cửa bước xuống. Thấy bóng dáng "người trời", chục con người đã trót nhét tiền vào hòm và chưa có cơ hội được công đức bỏ bàn "cô" Lương chạy về xếp hàng ở cửa nhà sàn. Người đàn bà nghi công đức có vẻ không hài lòng khi chưa "tận thu" được người cuối cùng. Tôi cũng chạy đến xếp hàng nhưng chậm chân hơn nên bị đẩy xuống gần cuối cùng. Vừa bước vào sân, "thánh" Bút trong bộ mặt lạnh tanh, dáng vẻ rất bí ẩn đi đến ngồi phịch xuống chiếc ghế tre đã chuẩn bị sẵn. Trước mặt "người trời" là một cái bàn có để sẵn giấy màu, mấy cây bút dạ và một chiếc gạt tàn thuốc lá. Ông Bình lớn giọng yêu cầu mọi người trật tự lắng tai nghe rõ lời thánh khi nhận "lệnh trời".
“Ông thành” cũng là con nghiện... thuốc lá
Vừa ngồi xuống bàn, "siêu người trời" đã châm lửa, đốt thuốc lá. Miệng ngậm thuốc, tay ông ta cầm cây bút "khua, múa" điên đảo trên tờ giấy màu vàng. Từng người khúm núm đi qua, hai tay kính cẩn nhận "lệnh thánh". Khi nhận tờ giấy đó, mỗi người sẽ được "người trời" tư vấn nên đốt ở đâu và khi nào.
Ở phía sau, một người đàn bà nói với tôi rằng: "Thầy" nghiện thuốc từ lâu rồi không bỏ được. Khi cho "lệnh", "thầy" phải hút thuốc để tập trung hơn. Nhiều khi đang vẽ, lên cơn nghiện, "thầy" lại chạy ra ngoài hút thuốc khiến nhiều người sốt ruột chờ đợi. Thế nên bây giờ, ông Bình mới đặt cả chiếc gạt tàn ở trên bàn thế kia".
Đúng như những lời người dân nói, "thánh" Bút già hơn tuổi thực của mình rất nhiều. Đầu tóc, râu ông ta bạc trắng như nhuộm. Nhiều người không tín nói rằng, có lẽ vì "người trời" phải thức đêm nghĩ mưu "buôn thần bán thánh" nên mới già nhanh đến như vậy?. Thậm chí, có người còn tếu táo: "Thánh" Bút phải thức trắng đêm đếm tiền nên bị lão hóa nhanh".
Đến lượt tôi, "thánh" Bút đưa tay vẽ loằng ngoằng lên tờ giấy rồi dặn: "10h đêm đốt ở trước cổng". Tôi giả vờ không nghe thấy thì ông Bình ngồi cạnh "người trời" liền nhắc lại. Thấy tôi vẫn lơ ngơ, "người trời" bặm môi có vẻ bực mình lắm. Ông Bình nháy mắt, bảo tôi ra chỗ khác rồi nhắc thêm một lần nữa. Khi phát "lệnh" đến người cuối cùng, "thánh" Bút ném phịch chiếc bút xuống bàn, đi vào nhà.
Mấy người đàn bà ở đó nháy nhau bảo rằng, "thầy" thường mệt mỏi sau mỗi lần "cho chữ". Bởi lúc đó, "thiên lực" của "thánh" đã truyền gần hết vào tờ "lệnh" rồi. Một lúc sau, "người trời" quay lại chiếc bàn, thản nhiên vuốt râu, hút thuốc và uống trà trước con mắt dè dặt của những người đến cúng bái...
Văn Chương
Kỳ 3: Những lời đồn đoán về "công năng đặc dị" của "người trời"