Một lần mất dấu, 6.500 ngày ám ảnh

Thứ 6, 28/12/2012 00:08

Đời anh rẽ sang bước ngoặt khi năm 22 tuổi, anh tình cờ phát hiện ra một cửa hang huyền bí rồi chính anh làm mất dấu, để anh mất cả một thời thanh niên mải miết đi tìm lại. Nếu tính chính xác thì con số 18 năm, tương đương 6.570 ngày trăn trở đi tìm lại cửa “hang thần”.

Anh Hồ Khanh (42 tuổi, ngụ Thôn 1, làng Phong Nha, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) là người đã tìm thấy hang động lớn nhất trên địa cầu: Hang Sơn Động (còn có tên Sơn Doòng, nằm trên địa bàn tỉnh Quảng Bình). "Người hùng chân đất" từng được vinh danh trên những tạp chí khoa học, kênh truyền hình nổi tiếng của thế giới nay bị lãng quên như lẩn khuất mặt người đi rừng kiếm củi, thậm chí còn không biết có buổi lễ trao tặng bằng khen cho... chính mình tại địa phương.

Cơ duyên vụt mất

Cả tuổi thơ của Khanh đã gắn bó với núi rừng. Lớn lên trong một gia đình đông anh em, Khanh không được học hành đến nơi đến chốn, học đến lớp 7, bố Khanh qua đời nên anh đã quyết định nghỉ học lên rẫy giúp đỡ mẹ và đỡ gánh nặng cho gia đình.

Từ những năm khoảng 20 tuổi, Khanh đã có biệt danh "Vua hang động". Anh thuật lại: "Sau khi nghỉ học ngày nào tôi cũng lên rẫy trỉa ngô, có tháng ở suốt trong rừng không về nhà. Những lúc rảnh rỗi tôi lại thích lang thang một mình giữa núi rừng, có hôm ngủ trên cây đến khi rơi xuống đất mới tỉnh, rồi lần mò vào các hang động ngủ tiếp".

Hàng chục năm khám phá núi rừng nên Khanh biết rất nhiều hang động. Người trong thôn mỗi lần đi rừng tìm chỗ nghỉ ngơi qua đêm hay trú mưa đều hỏi Khanh. Dần dần, anh đã bị mê hoặc bởi những hang động chứa đầy bí ẩn chốn "thâm sơn cùng cốc". Đi đến hang động nào, anh đều lấy than củi viết tên mình và thời gian đến đó để ghi "dấu ấn Hồ Khanh".

Năm 1990, trong lúc đi tìm trầm giữa rừng thì anh bất ngờ gặp cơn mưa lớn, Khanh chạy vào một hang đá gần đó để trú mưa. Thật ngạc nhiên khi Khanh thấy hang động mình đang đứng có vẻ rất lớn, càng đi vào sâu gió càng ào ào thổi, hơi nước trong động thổi ra lạnh run rẩy người. Lạ lùng hơn nữa, cửa vào hang lại rất kín đáo, đến mức đứng cách đó khoảng 3 mét vẫn rất khó phát hiện ra. Càng đi vào sâu, anh lại thấy hang càng rộng. Tuy nhiên cơn mưa rừng sau đó vài tiếng thì tạnh, Khanh đành trở ra tiếp tục chuyến tìm trầm, tự nhủ sẽ quay lại nơi này trong thời gian sớm nhất.

Không ai ngờ vài ngày sau tìm lại khu vực cũ, "vua hang động" lại thể tìm được cửa hang đâu. Sục sạo cả ngày trong khu rừng nhưng càng đi càng mất dấu, Khanh trở về làng hỏi chuyện những người già, thợ sơn tràng... là những người có nhiều kinh nghiệm nhất. Nghe chuyện của anh, ai cũng chê cười vì không tin làm sao lại có cái hang nào lớn và lạ như thế? Người ta nói thường càng đi vào hang thì gió càng lặng chứ làm gì có chuyện càng vào sâu gió lại lớn hơn, họa chăng có mà là "đường đến hành tinh khác". Không giải thích được nữa, Khanh bấm bụng chịu nghe chê cười, tự quyết tâm sẽ phải tự tìm ra "hang thần" để chứng tỏ với mọi người là mình không bịa chuyện.

Kì bí "hang thần"

Suốt 15 năm sau đó, trong mỗi lần đi rừng Khanh đều để ý lại cảnh vật, qua các bản làng anh đều gặp những người có thâm niên đi rừng để dò hỏi nhưng càng tìm kiếm, càng dò hỏi thì càng bế tắc: Ai cũng nói không thể có chiếc hang lạ như thế trên đời.

Năm 2005, Đoàn thám hiểm Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh đặt chân đến Quảng Bình trong chuỗi hành trình khám phá các tỉnh miền Trung gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Biết tin, Hồ Khanh tình nguyện dẫn đường cho những người bạn quốc tế chỉ với lí do thật giản đơn: "Nếu không dẫn đường cho mọi người, không tìm kiếm lần nữa, rồi hết đời mình "hang thần" có thể bị lãng quên, con cháu mình khó có cơ hội biết đến".

Chỉ trong vòng một tuần, anh đã dẫn đoàn thám hiểm khám phá ra khoảng 10 hang động lớn nhỏ khác nhau: Hang Gió, Hồ Trên Núi, Hang Than, Hang Lau, Hang Cá Thau... Duy chỉ có "hang thần" là mất dấu. Ngày cuối cùng trước khi rời Việt Nam, người trưởng đoàn nói với Khanh rằng theo kết cấu địa chất thì nơi đây có thể có hang động lớn hơn và căn dặn Khanh ở lại tìm kiếm. Nhận định của nhà khoa học này lại thổi bùng khao khát tìm kiếm chiếc hang lạ mình đã từng gặp trong lòng anh.

Anh Khanh ( đứng thứ 2, từ trái sang) cùng đòn thám hiểm.

Như trêu ngươi, nhiều chuyến đi dài tìm lại đều không có kết quả, có những lúc Khanh đã nản chí, nghĩ trong đầu: "Hay là ngày ấy mình ngủ mơ"

Một ngày cuối năm 2007, hạnh phúc vỡ òa khi có nhóm người sau chuyến đi rừng khoe với Khanh rằng có bắt gặp một chiếc hang khá sâu. Thấy khả nghi anh tức tốc khoác gùi lên vai tìm đến ngọn núi vừa được mách bảo. Khanh thổ lộ, khi đặt chân đến trước cửa hang, nhận ra chốn cũ anh đã gào thét thật to: "Hang thần đây rồi".

Đúng như đã hẹn, cuối năm 2008 đoàn thám hiểm của Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh đã quay lại Quảng Bình để tìm kiếm "một hang động lớn" mà họ nhận định có thể tồn tại theo lời kể của Khanh trước đây. Cả đoàn bàng hoàng trước chiếc "hang thần" đẹp như cảnh tiên và khổng lồ đến mức có thể xây tòa nhà cao đến... 40 tầng trong đó.

Là người đầu tiên tìm ra, Hồ Khanh đã đặt tên cho chiếc hang từng ám ảnh cả quãng đời của mình là Sơn Doòng (Sơn Động).

"Vườn địa đàng" trong lòng núi

Không ai ngờ "hang thần" Khanh tìm ra lại là hang động lớn nhất hành tinh, sâu thăm thẳm đến mức đi vào 6,5km vẫn chưa hết đường đi. Để vào Sơn Động, chỉ có một con đường độc đạo duy nhất hiện nay là cuốc bộ 12km đường rừng. Còn nếu muốn vào động từ cửa sau, chỉ còn cách thả dây từ lưng núi xuống khu rừng. Nhiều vách đá cheo leo nên con đường này rất nguy hiểm và hầu như chưa từng ai xuống động bằng lối này, trừ các thành viên đoàn thám hiểm.

Gió ở cửa hang mạnh chừng cấp 6, cấp 7 và lạnh quanh năm chứng tỏ hang rất sâu và có thác nước bên trong. Âm vọng trong hang rất lớn, chỉ cần một tiếng nói nhỏ cũng vọng xa hàng km. Sơn Động không chỉ rộng, sâu mà còn có rất nhiều hang phụ, dòng nước bên trong hiện vẫn chưa được khám phá một cách toàn diện. Hồ Khanh cho hay khác với các hang động bình thường khác, nhũ đá trong Sơn Động có kích thước lên tới cả nghìn tấn, hình dáng rất đa dạng. Trong động có một hang phụ bị chặn bởi một dòng nước lớn, tạo nên một hồ lớn bên trong động. Đặc biệt hơn, Sơn Động bị chia cắt bởi một khu rừng nguyên sinh rộng chừng 1,5 ngàn mét vuông. "Tôi chưa từng thấy hang động nào lại có khu rừng nguyên sinh độc đáo như vậy. Đi khoảng 4km sẽ đến khu rừng, vượt qua khu rừng đi tiếp là thác nước lớn. Đây là đặc điểm chỉ có ở Sơn Động", Khanh nhớ lại.

Các nhà khoa học xác định Sơn Động trải dài suốt hệ thống núi đá vôi thuộc Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, chạy qua 3 huyện Bố Trạch, Quảng Ninh và Minh Hóa. Hang có chiều cao 182 m, rộng 140m, có chiều dài ít nhất là 6.481m (lớn gấp 5 lần hang Phong Nha; phá kỷ lục lớn nhất thế giới của hang Deer ở Malaysia cao 100m, rộng 90m, dài 2000m).

Mai Long

Kỳ 2: “Người hùng” bị lãng quên.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.