Hồi mới lên Gia Lai – Kon Tum nhận công tác, tức cái thời chưa chia tỉnh ấy, một người bạn cho tôi một đùm lổn nhổn củ, bảo sâm Ngọc Linh đấy, mang về khi nào đau bụng thì ngậm một ít, khỏi ngay. Hoặc mệt, ngậm một tí cũng tốt.
Tôi để ở đầu giường chả mở ra, cho tới một ngày vô tình thấy, mở ra thì đã mốc hết, bèn vất.
Sau đấy một thời gian, nghe nói, sâm Ngọc Linh của Việt Nam ấy, được quốc tế công nhận là tốt hơn cả sâm Hàn Quốc, là nó nhiều chất hơn, đại loại thế thì biết thế.
Nhưng mà cái công ty Dược Gia Lai Kon Tum sản xuất ra loại rượu “Tinh sâm khu V” thì lại uống rất vào. Nhưng nó đắt, nên mua cả lít rượu trắng rồi đổ cái lọ con con ấy vào pha, uống phê vô cùng. Hồi ấy loại này hay được cán bộ đi công tác mang đi biếu, làm quà ngoại giao, rồi sau chả hiểu sao không thấy sản xuất nữa.
Khoảng chục năm nay thì sâm Ngọc Linh lên ngôi.
Kon Tum nhận mình là đất sâm, tôi cũng nghĩ thế. Có mấy cái lễ hội sâm Ngọc Linh rất hoành tráng, kéo khách khắp nơi về nườm nượp để... xem dù lượn, khinh khí cầu chi đó.
Quảng Nam cũng chứng minh mình mới là đất sâm. Cũng có lễ hội, cũng quáng bá các kiểu.
Nó là thế này.
Sâm nó ở trên núi cao, xứ lạnh, thổ nhưỡng đặc biệt, dưới tán rừng. Và cụ thể là, nó ở dãy Ngọc Linh sừng sững lâu nay dưới “đất” nhìn lên toàn thấy mây trắng phủ. Quanh năm suốt tháng, mùa nào cũng thế, đều mây trắng như dải lụa quấn quanh cái cổ kiêu sa công chúa Ngọc Linh.
Và phía Tây Ngọc Linh là Kon Tum, phía đông là Quảng Nam.
Lâu nay tôi đã nhiều lần thám thính Ngọc Linh từ hướng Tây, tức từ Gia Lai lên Kon Tum, phía mấy huyện Đắk Glây, Kon Plong, Tu Mơ Rông vân vân... thấy Ngọc Linh phía ấy đã kinh rồi. Nhưng từ đường Hồ Chí Minh chẳng hạn, đi lên, thấy nó cũng... gần thôi. Tất nhiên là chưa tới đỉnh. Lần lên đầu tiên là cùng nhà văn Nguyên Ngọc và một cái U oát mới cứng, một cậu lái xe đỉnh nhất thời ấy, đi tìm lại... rừng Xà Nu. Vẫn thấp thoáng Ngọc Linh sừng sững trước mặt, mới tới lưng chừng nó.
Sau vài lần nữa, cũng mới... thấp thoáng.
Lần này, một cú rủ, tôi thám thính xứ sở sâm từ phía đông, tức từ đường quốc lộ một xuyên lên Ngọc Linh.
Thì đã bảo, nếu đứng ở đường một nhìn lên, thấy Trường Sơn mờ xanh cây và mờ sương trắng. Nhưng cứ xông lên, rừng như tõe ra cho ta đi (thực ra thì, giờ ấy, về cơ bản hết rừng rồi, nên bảo rừng tõe ra là nói cho sang). Nhưng mà độ hiểm trở thì có thừa. Con đường cứ theo chiều xoáy trôn ốc mà tiến lên đỉnh. Chúng tôi tới khoảng độ cao 1.800m so với mặt nước biển thì dừng lại.
Rốn sâm Ngọc Linh đấy. Nóc (thôn) Măng Lùng, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My.
Đường khó như lên... giời, nhưng chúng tôi đã tới nơi khi trời chạng vạng. Và té ra gặp sự nhộn nhịp rất... đô thị khi thấy rất nhiều ô tô, tất nhiên phải là loại 2 cầu.
Ông Bùi Như Chương, người ở huyện Núi Thành, Quảng Nam là nhân vật rất lạ.
Nguyên là bộ đội, phục viên về làm công nhân chiết xuất tinh dầu quế, được ty Y tế cử lên vùng này bảo vệ vườn cây giống để giữ gien, ông một mình một ba lô ngược núi. Hồi ấy từ chỗ gửi xe, rồi đi bộ lên đây là hết 7 tiếng đồng hồ. Là người mê cây thuốc từ nhỏ, ông vừa làm bảo vệ vừa tìm hiểu rồi... mở mang vườn cây cho mình. Nay ông cùng 4 người nữa lập“Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư và phát triển sâm trúc Trà Linh”.
Vấn đề là, giờ ông là một chuyên gia xịn về sâm, toàn là tự mày mò tìm hiểu, học hỏi.
Nói chuyện với ông, rất cầm chừng, vì những người như ông thường rất ít nói, có khi là để họ giữ bí mật nghề nghiệp và cả tài sản, biết thêm nhiều chuyện về sâm Ngọc Linh ngoài những gì lâu nay mình biết.
Thứ lâu nay tôi biết về sâm Ngọc Linh là nó rất đắt, đâu như tới cả vài trăm triệu đồng một kilogam tùy tuổi sâm, tức loại như tôi đừng mơ sở hữu nó, kể cả có tiền, bởi sẽ ôm về một thứ gần giống sâm, nhưng là... tam thất.
Rằng, nhậu nhẹt về say, làm vài giọt sâm Ngọc Linh sẽ... tỉnh như sáo. Loại không bao giờ được uống như tôi thường bĩu môi: thế phí rượu đi à? Rằng Sâm Ngọc Linh ấy, hàm lượng Saboni cao nhất trong các loại sâm, tới 84%.
Tôi lại phải lục tài liệu tìm hiểu Saboni là gì, thì ra nó là chất có rất nhiều công dụng: ức chế sự phát triển của tế bào ung thư, làm giảm mỡ máu, bảo vệ gan (chắc công dụng này nó làm uống rượu không say đây), kháng khuẩn, kháng nấm, chống viêm, và rất nhiều công dụng khác...
Mới nhất, thông tin từ UBND huyện Nam Trà My, một người dân huyện này đào được một củ sâm núi nặng 1,1kg, tuổi đời gần 100 năm.
Củ sâm quý hiếm được đang gây sốt trên thị trường với trị giá từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng. Sở dĩ giá dao động nhiều thế là vì anh này bán cho một giám đốc công ty sâm, và chị này lại mang ra trưng bày và bán ở phiên chợ sâm lần thứ 5, nên nó lên tới hàng tỉ là thế.
Té ra lên đây mới biết, rằng từ lâu rồi những người dân Sê Đăng ở đây đã biết tác dụng của sâm, họ đi đào về dùng và trao đổi, gặp cây con thì bứng về trồng... và giờ, khi rầm rộ sâm thì họ có những vườn sâm, vừa bán giống vừa bán củ, lá, thân. Giữa cái làng Sê Đăng ở gần chót đỉnh Ngok Linh ấy, nghễu nghện mấy cái biệt thự ba bốn tỉ, của mấy gia đình Sê Đăng, kết quả của sâm Ngọc Linh.
Cây sâm Ngọc Linh đã đổi đời bà con ở đây là thế, và không chì bà con Sê Đăng tại chỗ. Tỉnh Quảng Nam có thêm một đặc sản để bà con có nghề, từ trồng tới chế biến và lưu thông. Sâm núi Ngọc Linh đã được Chính phủ quyết định công nhận là sản phẩm quốc gia vào ngày 5-6-2017.
Và mới biết, té ra có những thứ như vàng ở ngay bên mình mà có khi lơ đãng không để ý, hoặc không rốt ráo tìm hiểu. Lại nhớ câu thơ của nhà thơ Dương Hương Ly: “có khi nào trên đường đời tấp nập/ ta vô tình đã đi lướt qua nhau”...
Người Sê Đăng nói riêng, người Quảng Nam nói chung, và cả nước Việt ta đã may mắn gặp sâm như thế. Triều Tiên lẫn Hàn Quốc đã chả từng nổi tiếng vì sâm đấy sao. Được biết hiện nay ngoài việc đi tìm sâm rừng, còn khá ít, thì bà con chủ yếu là gây giống để bán. Tới đây những ngày này, chỗ nào, lúc nào, ở đâu cũng sâm...
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.