Chuối tươi Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc liên tục khởi sắc
Theo số liệu từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2024, nước này chi ra hơn 486 triệu USD nhập khẩu 957.000 tấn chuối. Đặc biệt, Trung Quốc tăng nhập khẩu chuối từ các thị trường Việt Nam, Ecuador, Lào, Mexico, Thái Lan nhưng giảm nhập khẩu từ Philippines và Campuchia.
Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu chuối nhiều nhất, đạt 420.000 tấn, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng chuối Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc cao gần gấp đôi so với nước đứng thứ hai là Philippines (222.000 tấn) và vượt xa các nguồn cung khác như Ecuador (123.000 tấn), Campuchia (131.000 tấn), Lào (49.000 tấn), Mexico (7.000 tấn),…
Trao đổi với Đầu Tư ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) từ đầu năm 2024 đến nay, Việt Nam vượt qua Philippines trở thành quốc gia xuất khẩu chuối lớn nhất vào Trung Quốc. Nguyên nhân do chuối Philippines đối diện với tình trạng bệnh héo rũ Panama, khiến sản lượng giảm, giá tăng.
Về lợi thế chuối Việt Nam không chỉ có chất lượng tốt hơn, giá thành rẻ hơn, lại được lợi về vận chuyển nhờ đường biên giới sát Trung Quốc. Khi so sánh với quốc gia đứng thứ ba là Ecuador, chuối Việt Nam mất 2 ngày để có mặt tại các chợ đầu mối Trung Quốc. Còn với Ecuador, vì căng thẳng Biển Đỏ, thời gian giao hàng có thể tăng thêm 2 tuần so với trước đây.
Cũng theo ông Nguyên tại Trung Quốc, chuối nằm trong nhóm 10 trái cây được người tiêu dùng Trung Quốc tiêu thụ mạnh.
Khi nhìn vào số liệu trong năm 2023 có thể thấy, nếu tính về lượng, chuối là loại trái cây nhập khẩu nhiều nhất của Trung Quốc, đạt 1,77 triệu tấn, đứng trên sầu riêng (1,43 triệu tấn), dừa (1,18 triệu tấn)… Còn tính về kim ngạch, chuối đứng thứ 4 với trị giá 1,08 tỷ USD, sau sầu riêng tươi (6,72 tỷ USD), anh đào (2,65 tỷ USD) và sầu riêng đông lạnh (hơn 1 tỷ USD).
Trước những lợi thế có được theo dự báo, giá trị xuất khẩu chuối Việt Nam năm nay có thể đạt gần 400 triệu USD, tăng 20% so với năm 2023. Tuy nhiên để giữ vững vị trí xuất khẩu chuối số 1 tại thị trường Trung Quốc, Việt Nam cần kiểm soát chặt chẽ vùng trồng, duy trì ổn định chất lượng, mẫu mã, đặc biệt không để lây lan bệnh Panama trên diện rộng.
Đáng chú ý, kể từ khi Việt Nam ký kết nghị định thư xuất khẩu chuối tươi với Trung Quốc vào ngày 1/11/2022, hoạt động xuất khẩu chuối tươi Việt Nam sang thị trường tỷ dân đã liên tục khởi sắc.
Việt Nam thêm 3 mặt hàng mới được xuất khẩu sang thị trường tỷ dân
Thời gian qua, thị trường xuất khẩu chính của các loại rau quả Việt Nam là Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, Hà Lan, Australia... Tại thị trường Trung Quốc, Việt Nam đã vượt Thái Lan và Philippines, trở thành nhà cung cấp sầu riêng và chuối lớn nhất cho thị trường này.
Không chỉ chuối mà nhiều rau quả Việt Nam được thị trường Trung Quốc ưa chuộng. Theo đó, hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam sẽ tiếp tục thuận lợi trong thời gian tới nhờ nguồn cung nội địa dồi dào, nhu cầu các thị trường truyền thống và tiềm năng đều có xu hướng tăng.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), ngày 19/8 vừa qua, Bộ NNPTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã chính thức ký kết 3 Nghị định thư quan trọng, mở đường cho việc xuất khẩu dừa tươi, sầu riêng đông lạnh và cá sấu sang Trung Quốc.
Theo Hiệp hội Rau Quả Việt Nam, dừa tươi cũng là mặt hàng có triển vọng xuất khẩu rất lớn. Việc ký kết nghị định thư này đánh dấu sự kết thúc quá trình đàm phán kỹ thuật giữa hai bên, mở ra cơ hội cho dừa tươi Việt Nam xuất khẩu số lượng lớn sang Trung Quốc.
Dự kiến hết năm 2024, tổng diện tích cây ăn quả cả nước đạt khoảng 1,29 triệu ha, tăng khoảng 20.000 ha so với năm 2023. Trước nguồn cung dồi dào và thị trường tiềm năng dự kiến hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam được nhận định sẽ tiếp tục thuận lợi trong thời gian tới nhờ nguồn cung nội địa dồi dào, nhu cầu các thị trường truyền thống và tiềm năng đều có xu hướng tăng. Với động lực và đà tăng trưởng như hiện nay, rau quả Việt Nam có thể vươn tới kim ngạch xuất khẩu kỷ lục 7 tỷ USD trong năm nay.
Theo số liệu của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong tháng 8/2024, xuất khẩu rau quả của Việt Nam ước đạt hơn 700 triệu USD, tăng 26,8% so với tháng trước và tăng 50,8% so với cùng kỳ năm 2023. Có thể thấy đây là một trong những tháng có giá trị xuất khẩu rau quả cao nhất năm do rơi vào giai đoạn cao điểm thu hoạch sầu riêng tại Tây Nguyên. Lũy kế 8 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả ước đạt 4,58 tỷ USD, tăng 29,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường Trung Quốc tiếp tục là nhà nhập khẩu lớn nhất với gần 2,5 tỷ USD rau quả từ Việt Nam trong 7 tháng đầu năm, chiếm tới 64% thị phần. Tiếp đến là Hoa Kỳ, Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu lần lượt đạt 189 và 188 triệu USD, tăng 31% và 51%, chiếm 4,88% và 4,87% về thị phần.
Trúc Chi (t/h)