Viện Lowy của Australia vừa công bố Chỉ số Quyền lực Châu Á (Lowy Institute Asia Power Index) mới nhất, trong đó Mỹ vẫn là quốc gia có ảnh hưởng nhất ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, với Trung Quốc đứng ở vị trí thứ hai.
Thông qua Chỉ số, Viện Lowy khẳng định rằng thiện chí sẽ đến với những ai hào phóng.
Covid-19 đã gây quan ngại về mọi mặt trong năm nay, và biến thể mới Omicron là một lời cảnh báo rằng cuộc chiến với loại virus chết người này vẫn còn dai dẳng.
Nhưng suy cho cùng, đại dịch là một câu chuyện về kinh tế và địa chính trị, cũng như một mối đe dọa sức khỏe. Do đó, quyên tặng vắc-xin và những tác động kinh tế của đại dịch đã trở thành những kênh chính để loại virus nguy hiểm này tác động đến cán cân quyền lực ở châu Á.
"Đại dịch đã thực sự ảnh hưởng đến hầu hết các quốc gia về khả năng định hình và phản ứng với môi trường bên ngoài của họ. Nhưng Mỹ đã thực sự đạt được sức mạnh toàn diện của mình lần đầu tiên kể từ năm 2018", Hervé Lemahieu, Giám đốc Nghiên cứu của Viện Lowy, nói với ABC News.
Lợi ích nhân ba của việc quyên tặng vắc-xin
Chỉ số Sức mạnh Châu Á của Viện Lowy năm 2021 cho thấy, việc cung cấp vắc-xin mang lại lợi ích cho các nhà tài trợ và nhà sản xuất. Điều đó có nghĩa là các nước giàu hơn sẽ phục vụ lợi ích của chính họ bằng cách cung cấp nhiều vắc-xin hơn ngay bây giờ cho các quốc gia đang cần chúng. Làm như vậy sẽ giúp giảm thiểu hơn nữa tình trạng kiệt quệ kinh tế, ổn định khu vực và tạo ra phần thưởng cho các nhà tài trợ, tương đương với “một mũi tên trúng 3 đích” với chi phí tương đối thấp.
Nhu cầu cấp bách về vắc-xin để dập tắt biến thể Delta đã biến việc quyên tặng vắc-xin trở thành một kênh tạo ảnh hưởng chính trong năm qua.
Cho đến nay, không có quốc gia nào tạo ảnh hưởng tốt hơn Mỹ thông qua cơ chế này. Nền kinh tế số 1 thế giới đã tài trợ hơn 90 triệu liều vắc-xin cho châu Á.
Ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ cũng đã tích cực quyên tặng vắc-xin. Tuy nhiên, lượng vắc-xin mà Trung Quốc, nhà tài trợ lớn thứ hai tính theo tổng số liều, quyên tặng cũng mới chỉ bằng 1/2 số lượng Mỹ đã tài trợ.
Còn các quốc gia nhỏ hơn như New Zealand và Australia cũng được coi là các nhà tài trợ hào phóng nếu tính lượng vắc-xin quyên tặng trên bình quân đầu người.
Những nỗ lực này đã gây được tiếng vang nhất định. Theo kết quả các cuộc khảo sát đối với các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia trong khu vực để xác định Chỉ số, việc các quốc gia như New Zealand, Mỹ và Nhật Bản quyên tặng số lượng vắc-xin lớn hơn tính theo bình quân đầu người đã được nhìn nhận một cách thiện cảm. Việc quyên tặng khẩu trang cũng đã được ghi nhận.
Bên cạnh đó, Chỉ số cho thấy Trung Quốc và Ấn Độ nhận được ít thiện cảm hơn rõ rệt so với các nhà tài trợ lớn khác, mặc dù các nước này đã quyên tặng một lượng vắc-xin đáng kể.
Mặc dù những đóng góp của họ vẫn được coi là mang tính xây dựng, nhưng bản chất thương mại của nhiều hợp đồng cung cấp vắc-xin của họ có thể đã làm giảm thiện cảm dành cho hành động của họ.
Điều này cho thấy rằng có những phần thưởng ngay tức thì cho các quốc gia thúc đẩy và quyên tặng vắc-xin không mang mục đích thương mại.
Các đợt quyên tặng vắc-xin là rất quan trọng ngay tại thời điểm này và sẽ vẫn rất cần khi các nước tiến hành tiêm mũi nhắc lại. Nhưng điều cơ bản hơn là, tác động kinh tế của Covid-19 và vắc-xin sẽ vẫn tồn tại và làm trầm trọng thêm những thay đổi lâu dài trong cán cân quyền lực khu vực.
Phần thưởng cho người hào phóng
Hầu hết các quốc gia trong khu vực đều trải qua suy thoái hoặc đình trệ kinh tế nghiêm trọng vào năm 2020.
Nhưng năm 2021 chứng kiến các nền kinh tế phát triển mua và phân bổ nhiều vắc-xin hơn các nước đang phát triển. Tất nhiên, đây là một kết quả không mấy ngạc nhiên khi xét đến chi phí và năng lực thể chế.
Nếu động lực này tiếp diễn, phần lớn sẽ là các nước giàu hơn có thể phục hồi thuận lợi sau đại dịch, trong khi các nền kinh tế đang phát triển bị tụt hậu.
Làm thế nào điều này chuyển thành sự cân bằng quyền lực? Các siêu cường và các cường quốc tầm trung giàu có hơn trong khu vực có tỉ lệ tiêm chủng cao, điển hình như Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản và Australia.
Nhưng các quốc gia nghèo hơn, mặc dù cũng có quy mô lớn và sức mạnh kinh tế nhất định, như Ấn Độ và Indonesia, đang bị tụt lại phía sau một cách đáng kể.
Điều đó cho thấy một bức tranh rộng hơn rằng, các nước nghèo nhất sẽ có khả năng trở thành những nước kém nhất.
Nếu không có độ bao phủ tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 đáng kể, họ vẫn dễ bị tổn thương trước những đợt bùng phát và căng thẳng kinh tế kéo dài.
Nếu không được giải quyết, tình trạng tỉ lệ tiêm chủng và phục hồi kinh tế không đồng đều có thể nới rộng khoảng cách giữa các siêu cường và phần còn lại của thế giới.
Kết quả là, khả năng của các siêu cường trong việc tạo ảnh hưởng đối với các phát triển chiến lược trong khu vực có thể bị thu hẹp hơn nữa.
Tin tốt là các nước giàu có cả năng lực và động lực để giảm thiểu những tác động này.
Không ai có thể dự đoán được tiến trình của virus. Nhưng việc cung cấp nhiều liều vắc-xin hơn hiện nay cho các nước đang phát triển và hỗ trợ trực tiếp việc triển khai vắc-xin trên thực địa sẽ lại là “một mũi tên trúng 3 đích” nữa cho các nhà tài trợ.
Giành được thiện chí quốc tế, đảm bảo an toàn cho sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ hơn, và một khu vực ổn định hơn là phần thưởng tuyệt vời đối với bất kỳ nhà tài trợ hào phóng nào.
Minh Đức (Theo Lowy Institute Website, ABC News)