Hầu hết những vấn đề Ngân hàng Nhà nước cần giải quyết trong năm 2012 đều đã được đặt ra từ nửa cuối năm 2011. Nhưng bối cảnh kinh tế xã hội năm qua đòi hỏi những giải pháp xử lý triệt để hơn, quyết liệt hơn và cũng linh hoạt hơn.
Giảm lãi suất và khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp là nhiệm vụ đặt ra cho thống đốc Nguyễn Văn Bình ngay những ngày đầu nhậm chức, tháng 8/2011. Ông Thống đốc kiệm lời, ít xuất hiện trước công chúng lúc đó đã gây tiếng vang với tuyên bố đưa lãi suất cho vay về 17-19% trong vòng 2 tháng, thay vì mặt bằng trên 20%. Quả thật lãi suất bước đầu đã hạ như kỳ vọng của ông, hệ thống ngân hàng cũng giảm hẳn tình trạng đi đêm, lách trần quy định.
Nhưng câu chuyện vốn và lãi suất của năm 2012 không thể giải quyết đơn giản chỉ bằng cam kết mang tính ghi điểm của người đứng đầu ngành ngân hàng. Chưa bao giờ doanh nghiệp chết nhiều như năm qua, cộng dồn cả hai năm đã lên tới gần 100.000. Thị trường bất động sản đóng băng, các ngành sản xuất liên quan tê liệt. Niềm tin của toàn thị trường xuống thấp. Ngân hàng không còn tin doanh nghiệp, doanh nghiệp không tin ngân hàng và bản thân họ cũng không tin tưởng lẫn nhau.
Sức ép đặt ra cho ngành ngân hàng lúc này không chỉ đến từ doanh nghiệp. Lãnh đạo các thành phố lớn, rồi đến Chính phủ, Quốc hội cũng truy vấn ngân hàng và vào cuộc để tìm cho ra nguyên nhân khiến dòng vốn khơi mãi vẫn chưa thể thông, dù ngân hàng tuyên bố hạ lãi suất, trải thảm mời khách hàng tốt. Có lãnh đạo tỉnh thậm chí còn dọa cô lập ngân hàng nào gây khó dễ cho doanh nghiệp trên địa bàn.
Cái khó của ngành ngân hàng nằm ở chỗ vừa phải điều tiết lượng tiền để kiểm soát lạm phát, lại vừa lo giảm lãi suất và bơm vốn hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Bản thân các ngân hàng cũng đang chất chứa trong mình nhiều trọng bệnh. Nợ xấu cao chưa kịp xử lý có nguy cơ trở thành cục máu đông làm tắc nghẽn nền kinh tế. Thống đốc khi đứng trước Quốc hội cũng thừa nhận đây là việc vô cùng khó, thậm chí xin nhận nửa giải Nobel nếu giải quyết được một nửa bộ ba bất khả thi là tăng trưởng, lạm phát và tỷ giá.
Đích thân thống đốc nhiều lần đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp để tìm giải pháp tháo gỡ. Ông ra chỉ thị giảm lãi suất cho vay xuống dưới 15%, coi đây như nghĩa vụ đồng thời cũng là chỉ tiêu giám sát hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên, ông cũng thể hiện rõ quan điểm không cứu doanh nghiệp bằng mọi giá, không cấp vốn cho những đơn vị đi vay vốn bằng mọi giá, đặc biệt những trường hợp tay không bắt giặc, không vốn tự có, chỉ dựa vào ngân hàng để kinh doanh.
Ba tháng sau yêu cầu đó, hơn 80% dư nợ toàn hệ thống đã giảm lãi suất xuống dưới 15%. Tính chung cả năm, tăng trưởng tín dụng đạt gần 9%, mặt bằng lãi suất huy động giảm 3-6%, cho vay giảm 5-9% so với cuối năm 2011.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình: "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai. Tôi rất thích bài hát này". Ảnh: Hoàng Hà |
Giảm lãi suất là việc khó, nhưng nó vẫn nằm trong tầm chủ động xử lý của Ngân hàng Nhà nước. Dù sao thì Thống đốc có thể dùng tới mệnh lệnh hành chính bên cạnh các nghiệp vụ cơ bản của Ngân hàng Trung ương để điều tiết cả hệ thống đi theo lãi suất mục tiêu. Với vàng và ngoại tệ, cái khó lớn hơn thế gấp nhiều lần, bởi nó liên quan tới tâm lý thiếu tin tưởng tiền đồng của người dân Việt, liên quan tới chuyện làm ăn của hàng chục nghìn đơn vị đầu tư kinh doanh vàng mà đa phần trong số đó không thuộc diện kiểm soát của cơ quan chức năng nào. Bản thân “con đẻ” là ngân hàng thương mại cũng gắn chặt lợi ích với vàng, coi vàng như một kênh siêu lợi nhuận bao nhiêu năm qua và nếu phải từ giã nó, có nguy cơ lỗ tới hàng nghìn tỷ đồng.
Hàng loạt chất vấn đặt ra cho cá nhân Thống đốc khi ông liên tiếp xuất hiện trên diễn đàn Quốc hội. Tại sao lúc mới nhậm chức ông tuyên bố chênh lệch giá vàng thế giới và trong nước chỉ nên 400.000 đồng mỗi lượng, vậy mà giờ doãng ra tới hàng triệu đồng khiến người dân muốn mua bán vàng chịu thiệt thòi? Tại sao Ngân hàng Nhà nước lại chỉ công nhận duy nhất thương hiệu SJC khiến thị trường vàng đang vô cùng tự do bỗng chống biến thành độc quyền, dẫn tới tình trạng ép giá, vàng giả, vàng nhái? Tại sao Ngân hàng Nhà nước không có giải pháp gì để sử dụng hàng trăm tấn vàng tương đương gần 20 tỷ USD nằm chết trong dân, trong khi nền kinh tế đang thiếu vốn phát triển. Sức ép lúc này không chỉ là việc xem xét trách nhiệm cá nhân, mà còn nằm ở những lời thách thức, đe dọa khi các chính sách mới của Ngân hàng Nhà nước động chạm tới lợi ích của những thế lực liên quan tới vàng.
Sau những quyết định mang tính ngắn hạn và nhiều tác dụng phụ như nhập khẩu để tăng cung, bán vàng bình ổn giá… của năm 2011, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu có những bước đi bài bản hơn. Một lộ trình gồm ba bước được vạch ra, xây dựng khuôn khổ pháp lý, chấm dứt huy động cho vay bằng vàng trong hệ thống ngân hàng và chuyển toàn bộ sang quan hệ mua bán bằng vàng. Hai mục tiêu lớn mà Ngân hàng Nhà nước theo đuổi là làm sao cho biến động giá vàng không tác động tới tỷ giá, không ảnh hưởng tới lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; đồng thời đẩy lùi tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế và có thể huy động ngược trở lại nguồn vốn này cho việc phát triển kinh tế xã hội.
Những mục tiêu này đang dần được thực hiện. Giá vàng từ tháng 5/2012 liên tục cao hơn so với thế giới hàng triệu đồng mỗi lượng nhưng tỷ giá vẫn ổn định, không còn cảnh người dân đổ xô đi mua vàng như trước. Trong vòng 6 tháng, toàn bộ hệ thống ngân hàng mua được gần 60 tấn vàng từ thị trường. Ngân hàng Nhà nước cũng mua thêm 10 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối. Vàng đưa về ngân hàng, đôla đưa vào dự trữ ngoại hối quốc gia, đồng nghĩa với việc chừng ấy tiền đồng được bơm ra phục vụ cho phát triển kinh tế.
Những ngày cuối năm, Ngân hàng Nhà nước đang rốt ráo hoàn thiện các vấn đề pháp lý để lần đầu tiên bước chân vào thị trường vàng, sẵn sàng mua bán can thiệp để bình ổn giá và tăng dự trữ quốc gia. Đây cũng là một chủ trương không phải bên nào cũng đồng thuận, nhiều doanh nghiệp ca thán bởi các luật lệ đặt ra không còn cơ hội cho họ kinh doanh, kiếm lời.
Xử lý nợ xấu và tái cấu trúc ngân hàng không chỉ là việc khó mà còn mang lại nhiều điều tiếng cho Thống đốc năm qua. Người trong ngành đều hiểu nợ xấu là hệ quả bắt nguồn từ trước, do hoạt động cho vay chưa chuẩn tắc, do thị trường khó khăn, doanh nghiệp chết không thể thu hồi vốn trả cho ngân hàng. Nhưng với người ngoài ngành, việc Thống đốc để cho nợ xấu đang ở dưới 3% rồi tăng lên đến hơn 8,6% sau một năm nhậm chức là chuyện không thể chấp nhận được. Trong khi cả nền kinh tế đang thiếu vốn, hàng trăm nghìn tỷ đồng của dân cư gửi vào ngân hàng đã trở thành nợ khó đòi, nguy cơ mất trắng.
Ngay cả việc Ngân hàng Nhà nước đề xuất lập công ty mua bán nợ quốc gia, cũng vấp phải nhiều ý kiến phản đối bởi người ta lo Nhà nước phải bỏ tiền ra khắc phục việc làm bừa, làm ẩu của các ngân hàng. Người ta cũng lo có lợi ích nhóm trong việc mua bán và xử lý nợ xấu, lo tiền Nhà nước bỏ ra rồi không có ngày quay về.
Xử lý một ngân hàng cũng có nghĩa là động chạm tới lợi ích của những cổ đông có liên quan. Khi Ngân hàng Nhà nước rốt ráo thanh kiểm tra, phân loại và tìm ra những trường hợp bắt buộc phải xử lý, cũng là lúc nhiều thông tin đồn thổi về Thống đốc bùng lên. Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề nợ xấu, nhiều đại biểu đã hỏi thẳng Thống đốc về trách nhiệm liên quan tới chuyện bầu Kiên bị bắt, về lợi ích nhóm đằng sau câu chuyện thâu tóm ngân hàng cổ phần lớn nhất thị trường Sacombank. Hai tháng sau, ông phải tiếp tục lên sóng truyền hình để trả lời về câu chuyện lợi ích nhóm và tin đồn liên quan tới các lãnh đạo ngân hàng.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình tại phiên giải trình về vụ bầu Kiên bị bắt tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Nhật Minh |
“2012 là một năm vô cùng vất vả cho ngành ngân hàng. Thủ tướng cũng đã có lần đúc rút đây là năm thị trường ngân hàng phức tạp nhất và khó khăn nhất trong nhiều năm qua”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình tâm sự trong một buổi gặp báo chí cuối năm 2012.
Tự ông nhận thấy khó khăn đến từ hai phía. Khách quan là do kinh tế thế giới khó khăn, kinh tế trong nước có nhiều yếu tố không lành mạnh tích tụ nhiều năm mà chưa được giải quyết, nay mới tới lúc vỡ ra. Về mặt chủ quan, theo ông đó là sự đồng thuận ở tầm vĩ mô chưa cao, dư luận xã hội không phải lúc nào cũng đồng tình với các chủ trương và điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Sự không đồng thuận đó khiến ông nhiều lúc cảm thấy đơn thương độc mã dù đang cố làm vì việc chung.
“Một chính sách đưa ra, may lắm là có một phần ba ủng hộ, số còn lại là nghi ngờ và phản bác. Đặc biệt, khi chính sách của nhà nước có hại cho nhóm lợi ích nào đó, sự phản đối vô cùng quyết liệt và căng thẳng. Thậm chí có những lời dọa dẫm. Tôi làm việc chung chứ không cho riêng mình, ấy vậy mà có những lúc tôi thấy cô đơn, giống như người lính ra trận mà không có đồng đội yểm trợ. Có người nói các ủy viên trung ương phải là những ngôi sao tỏa sáng, còn tôi nói vui rằng tôi cảm thấy mình là ngôi sao cô đơn”, Thống đốc nói.
Nhưng các chính sách gây tranh cãi đó đã bước đầu phát huy tác dụng. Những mục tiêu đề ra khi xây dựng chính sách cũng dần được thực hiện. Thị trường vàng đang dần đi vào quy củ, mặt bằng lãi suất trong năm qua đã về mức thấp của năm 2007, tín dụng sau nhiều tháng đứng yên, thậm chí âm, đã bắt đầu tăng trưởng trở lại. Nợ xấu của hệ thống ngân hàng được kiểm soát một phần khi các ngân hàng nghiêm túc thực hiện trích lập dự phòng rủi ro. Tại hội nghị tổng kết ngành ngân hàng cuối năm, Thủ tướng đã nói lời cảm ơn vì những nỗ lực của hệ thống ngân hàng, bên cạnh công đầu giảm lạm phát, vẫn điều tiết vốn hợp lý giúp kinh tế tăng trưởng ở mức khá trong bối cảnh khu vực vẫn rất khó khăn.
“Với bất kỳ người làm chính sách nào, niềm vui lớn nhất có được khi những gì mình đặt ra, mình muốn điều hành cuối cùng cũng đạt tới. Đó cũng là niềm tự hào, thậm chí mãn nguyện nhất của tôi năm qua”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình tự hào về kết quả điều hành của Ngân hàng Nhà nước năm qua.
Nhiệm vụ của Thống đốc trong năm tới còn nặng nề, bởi câu chuyện tái cấu trúc ngành ngân hàng mới đi được những bước đầu tiên, nợ xấu vẫn chờ giải pháp tổng thể hơn để xử lý, đặc biệt là câu chuyện lợi ích nhóm mà bản thân ông cũng xác định nó chưa thể mất đi cho tới khi nào Việt Nam trở thành nước phát triển.
“Đây là nghề của tôi, tôi biết nó nóng nhưng cũng biết cách làm cho nó nguội. Chiếc ghế Thống đốc nóng hay nguội còn phụ thuộc vào nền kinh tế. Hôm nay nó nóng vì cả nền kinh tế nóng, nhưng mình cố gắng làm mọi việc để nền kinh tế nguội dần thì chiếc ghế của mình cũng bớt nóng”, ông lạc quan nói về sức ép mà mình phải đối diện.
“Ai cũng thích an nhàn. Nhưng nếu ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khó sẽ dành cho ai?”, ông mượn ý trong bài hát yêu thích để nói rằng mình sẽ tiếp tục theo đuổi con đường đã chọn, một khi đã đề ra mục tiêu thì phải quyết tâm đi tới đích cho dù gặp bất cứ trở ngại nào.
Theo VnExpress