Mặc dù hẹn 7h sáng nhưng phải đi sớm để lấy số thứ tự, những người xét nghiệm đầu tiên thường được rút tiểu cầu ngay trong buổi sáng, nếu đậu. Tiểu cầu là một loại tế bào máu được dùng trong một loạt bệnh lý, có tác dụng cầm máu mà hầu hết các bệnh viện rất cần nhưng nguồn cung không đủ. So với máu toàn phần, tiểu cầu có giá gấp đôi nên "thu hút" dân bán máu.
Người bán máu xem bảng hướng dẫn tại phòng chờ BV Chợ Rẫy.
Chúng tôi lấy bảng đăng ký hiến máu (cũng là số thứ tự) điền vào, ngồi chờ đến lượt vào lấy máu xét nghiệm. Khi đã lấy máu, tiếp tục chờ hơn 2h mới có kết quả.
Đến gần 9h sáng, số người chờ rút tiểu cầu, nhận kết quả xét nghiệm đã lên hơn 60. Nhiều phụ nữ có thân hình hộ pháp, cùng một số đàn ông trung niên tụm năm tụm bảy ngồi nói chuyện. Họ quen nhau sau những lần bán máu. Một số người còn nhiệt tình hướng dẫn những người mới lần đầu đi bán máu các thủ tục.
Bên hành lang, có người tranh thủ ngủ một giấc trong khi chờ kết quả. Nếu đậu, họ sẽ có 470.000 đồng (giá của một lần rút tiểu cầu) để trang trải cho cuộc sống, nếu rớt thì về tiếp tục công việc thường nhật, chờ hôm khác đến xét nghiệm lại.
Mỗi người đi bán máu đều có những lý do riêng nhưng chủ yếu là do quá nghèo. Nếu nói việc đi bán máu là cái nghề của họ, tuy hơi xót xa nhưng không phải không đúng.
Trong phòng chờ một người đàn ông gầy còm, đội chiếc mũ phớt, ăn mặc nhếch nhác đang ngồi lo lắng chờ kết quả xét nghiệm. Thấy chúng tôi lơ ngơ, ông tiếp chuyện: “Mới lần đầu à em, đăng ký chưa, hết tiền đúng không?". “Dạ lần đầu ạ, em đăng ký hôm qua rồi, giờ lên xét nghiệm, thất nghiệp nên hết tiền tiêu chú à”, tôi trả lời. “Một lần rút tiểu cầu được 470.000 đồng, rút hơn 1 giờ đó. Chú nhóm máu gì, có bệnh không, tiểu cầu có đạt số lượng không?", ông hỏi tiếp.
Chờ kết quả xét nghiệm máu.
Ông cho biết tên là Nông (55 tuổi, quê Trà Vinh), đang thuê nhà ở Q.6. Ông hành nghề bán máu đã 15 năm, trước đây bán huyết tương, nhưng mấy năm nay bán tiểu cầu vì giá cao hơn. Công việc chính của ông là bốc vác nên thu nhập rất bấp bênh nên "mỗi lần bán máu được gần 500.000 đồng cũng không thấm vào đâu, nhưng nó cũng giúp mình trang trải được ít ngày", ông Nông cho biết.
Còn chị Xuân, quê Cần Thơ, có dáng người hộ pháp, nước da đen vừa bước ra từ phòng rút tiểu cầu, cho biết vì quá bần cùng nên cả nhà chuyển lên Sài Gòn mướn phòng trọ ở. Cuộc sống bước đầu tạm ổn, nhưng khi các con càng lớn thì chi phí hàng ngày cũng tăng lên. Hết cách, chị phải đi bán máu. Chị thường chạy "show" bán máu ở nhiều bệnh viện, ban đầu thì có mệt mỏi nhưng sau đó quen dần.
Đa phần những người đi bán máu, tiểu cầu là sinh viên, người nghèo.
Trần Ngọc Tân, sinh viên năm 3 một trường đại học ở Q.5, có khuôn mặt nhợt nhạt, bước đi yếu ớt. “Em xa nhà 3 năm nay. Gia đình ở Bình Thuận nghèo lắm, tiền gửi vào rất ít, chưa đủ đóng học phí nên em phải đi làm thêm để trang trải cuộc sống. Những giọt máu đã “nuôi” em ăn học được 2 năm nay rồi. Mỗi lần bán tiểu cầu được gần 500.000 đồng, có thể lo chi phí sinh hoạt gần 2 tuần”, Tân cho biết.
Chị Trần Thị Kim T. ngớ người khi nhận kết quả xét nghiệm của mình không đạt do bạch cầu cao đến 10.000cc. Chị không biết tại sao bạch cầu trong máu cao như vậy. “Không sao, 10 ngày nữa đi bán chỗ khác, từ đây đến lúc đó phải ăn uống cẩn thận hơn", chị T. nói.
Người có thâm niên bán máu có nhiều "chiêu" để chạy show thường xuyên. Khi hỏi cách thức để vượt qua vòng xét nghiệm, ông Nông hồ hởi mách nước: “Đừng nhậu, ngủ đầy đủ, ăn rau muống, mắm tôm thì tiểu cầu lên rất nhiều dễ đậu; không nên ăn các loại mỡ, không uống sữa, cà phê và ăn nhẹ trước khi xét nghiệm”.
Ông Nông cho biết thêm trước khi vào rút máu nên uống trà gừng để máu nhanh lưu thông. Còn nếu muốn chạy show nơi khác thì đừng để lộ dấu ven tay.
Lấy máu xét nghiệm trước khi rút tiểu cầu.
Khi hỏi về sức khỏe sau nhiều năm bán máu, anh Vinh buồn nói: “Cũng chưa rõ việc rút tiểu cầu thường xuyên có ảnh hưởng đến sức khỏe không, nhưng tôi thấy mình đang yếu dần, không làm được những việc nặng như trước nữa”. Tuy nhiên, theo anh Vinh nếu không có những người bán tiểu cầu thì bệnh viện khó kiếm nguồn để tiếp cho bệnh nhân bị tiểu đường, ung thư máu. Những người tình nguyện chủ yếu hiến máu chứ không hiến tiểu cầu.
Một bác sĩ phụ trách lấy máu cho biết, nhiều người nhìn mặt đã quá quen, cứ đến ngày là họ tới bán máu. Nhiều ông, bà đã 60 tuổi cũng đi bán máu. "Họ đa phần là người nghèo, lao động thu nhập thấp. Nhiều người xem việc bán máu như một cái nghiệp, mỗi lần đậu thấy họ mừng lắm, còn rớt thì trông mặt mày ỉu xìu, chúng tôi thấy thật xót xa", bác sĩ này cho biết.
Theo Bưu điện Việt Nam