“Cháu bị tâm thần?!”
8h sáng một ngày làm việc bình thường trong tuần.
Tại viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia – bệnh viện Bạch Mai, khu vực chờ lấy phiếu khám trở nên huyên náo hơn khi dòng người xếp hàng mỗi lúc lại dài thêm ra dưới tiết trời nắng nóng.
Anh Nguyễn Thanh Tùng – nhân viên bảo vệ mướt mải mồ hôi, liên tục hướng dẫn những bệnh nhân mới thủ tục xếp hàng, đăng ký khám bệnh, song vẫn không thể làm hài lòng tất cả. Vài ba tiếng cáu kỉnh bắt đầu phát ra, rồi phát triển lên thành tiếng la ó:
- “Tôi đi từ Lào Cai đến đây khám bệnh, đi từ 3h sáng ấy, chả ngủ được nên là thôi đi luôn cho sớm” – bác Hùng, một bệnh nhân mất ngủ kinh niên cho biết.
- “Cứ tưởng khoa Tâm thần này vắng mà đông chả kém gì các khoa khác. Xếp hàng dưới nắng thế này, chưa khám đã biết mình bị thần kinh rồi” – một chị khoảng 45 tuổi tỏ ra bức xúc.
Sống ở Hà Nội, đã quá quen thuộc với cảnh chen chúc ở những bệnh viện đầu ngành như bệnh viện Bạch Mai, nhưng đây là lần đầu tiên tôi đến viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia. Trước đó, tôi thật sự không nghĩ những bệnh lý liên quan đến tâm thần lại nhiều và số người mắc phải lại đông đến vậy.
Tấm pano cỡ lớn dựng ở khu vực đón tiếp bệnh nhân cho biết, Viện này tư vấn và chữa trị các bệnh lý liên quan đến rối loạn giấc ngủ, rối loạn cảm xúc, lo âu, bị kích động, hoang tưởng, trầm cảm, tai biến, các chứng nghiện rượu, nghiện ma túy, tự kỷ, tâm thần phân liệt v.v...
Tôi nhanh chóng đứng vào dòng người xếp hàng chờ đến lượt. Sau khi mua phiếu khám, anh bảo vệ tên Tùng nhìn tôi hỏi: “Em bị làm sao?” – “Em bị tâm thần”, tôi nói lí nhí.
Ánh mắt người bảo vệ trung tuổi quét một lượt từ đầu đến chân tôi, quét ngược trở lại lên mặt… Tôi cảm nhận rõ ánh mắt ấy dừng lại ở đôi mắt mình... Anh nói rất to, rõ ràng: “Em đi theo đường kẻ màu vàng, nó dẫn đến đâu thì em xếp tờ này, sau đó đi tiếp theo đường kẻ màu đỏ, xếp nốt tờ này rồi ngồi chờ bác sĩ gọi tên thì vào khám!”.
Tôi nhìn xuống chân, 3 đường kẻ xanh – đỏ - vàng chạy dài theo 3 hướng, dẫn tới những phòng khám tấp nập, nơi bệnh nhân ngồi chật kín hai bên lối đi. Đa số những người vào đây có một thần thái ủ rũ. Người thì mắt thâm quầng u ám, người lại có ánh mắt reo vui vô lý, trong khi một số khác có cái nhìn trong như nước hồ thu không gợn sóng, nhưng tuyệt nhiên không có trọng tâm.
Bỏ qua ba đường kẻ xanh – đỏ - vàng, tôi tiến về phía căn phòng cuối cùng tầng 2, nơi có một người đang chờ tôi: Tiến sĩ – Bác sĩ Nguyễn Doãn Phương – Viện trưởng viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia. Tôi gõ cửa, chào ông và bước vào cuối căn phòng. Ông đang chăm chú thăm khám cho bệnh nhân. Một cô gái dáng dấp nom còn trẻ xoay lưng lại phía tôi. Khi ông Viện trưởng ân cần hỏi: “Vì sao cháu phải đến đây gặp bác?”, giống như tôi, cô ấy trả lời chắc nịch: “Cháu bị tâm thần!”.
Những nụ cười không vui
Cô gái áng chừng chỉ 17, 18 tuổi, da trắng, tóc dài, mặt cúi gằm, hai tay nắm chặt chiếc điện thoại iPhone đắt tiền giấu dưới gấu áo. Thi thoảng cô lén nhìn xuống màn hình điện thoại. Tôi nhìn theo thì thấy ảnh một chàng ca sĩ quen quen, dường như là thần tượng của tuổi teen.
Theo lời của mẹ cô gái thì con bà có biểu hiện chán học, ngại giao tiếp, ngày ngày chỉ thu mình trong phòng với chiếc điện thoại. Hậu quả là học hành sa sút, béo phì, phản xạ chậm chạp, gần đây còn có biểu hiện nói năng lảm nhảm kiểu “giao tiếp vắng ý thức”.
Điều đặc biệt là cô gái trẻ dường như cũng ý thức được tình trạng của mình. Cô khẳng định với bác sĩ là mình bị tâm thần thể hoang tưởng và tỏ ra hết sức hợp tác.
Trong khi ông Viện trưởng kê đơn thuốc cho cô gái, toàn bộ căn phòng không thể lặng im bởi một cậu bé chừng 5 tuổi có dáng đi xiêu vẹo nhưng liên tục trèo lên trèo xuống chiếc ghế sofa và cười khanh khách. Bố mẹ ôm cậu vào lòng, hôn hít dỗ dành, yêu cầu con giữ trật tự. Ánh mắt cả hai lộ rõ vẻ mệt mỏi nhưng vẫn ánh lên tia hy vọng.
Trong khi đó, tại khu vực ông Viện trưởng ngồi, một cậu bé khác khoảng 12 tuổi cười sằng sặc, nhảy rầm rầm trên chiếc cân sức khỏe, đôi khi đu cả người vào tay khiến ông phải dừng lại, dỗ dành và gỡ tay cậu bé ra rồi mới tiếp tục khám bệnh được.
Cậu bé 5 tuổi bị khuyết tật thần kinh và vận động, còn cậu bé 12 tuổi bị tự kỷ nặng, gia đình đã chạy chữa nhiều năm nay. Cả hai đều được bố và mẹ đưa đi khám. Tôi thật sự bị ám ảnh bởi tâm trạng của những đấng sinh thành đó. Họ cười nhiều, nhưng có lẽ không phải vì vui vẻ gì, mà chỉ là để tự trấn an bản thân rằng họ không sao.
Tại viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, sau khi tiếp nhận hồ sơ bệnh án, tùy vào tình trạng của từng người mà bác sĩ sẽ chỉ định đi làm các xét nghiệm về sinh lý cũng như tâm lý. Thông thường, các xét nghiệm sinh lý bao gồm điện tim, đo điện não vi tính, đo lưu huyết não...; các xét nghiệm tâm lý bao gồm trắc nghiệm rối loạn giấc ngủ, các thang đánh giá lo âu, đánh giá mức độ trầm cảm, thang đánh giá tâm thần rút gọn...
Như những bệnh nhân khác, tôi xếp giấy khám và ngồi chờ. Căn phòng tấp nập người vào ra. Có người còn khóc thút thít, để người thân phải dỗ dành: “Khám đi rồi lấy thuốc về uống cho khỏi bệnh, đằng nào tiền cũng đã mất rồi, khỏi bệnh rồi lại kiếm ra tiền thôi mà!”…
Một cậu bé sau khi làm xong điện não đồ thì ngồi bệt xuống đất, xỏ mãi hai chiếc dép vào chân không xong, cuối cùng vẫn đi dép trái rồi đứng lên ra ngoài.
Tôi gặp lại chị trung niên la ó khi xếp hàng lúc sáng. Chị ấy nhìn tôi như thôi miên. Anh chồng bên cạnh nắm chặt tay vợ giống như sợ lạc mất. Tôi hỏi anh chồng: “Chị nhà bị sao hả anh?”. Anh này trả lời: “Không biết, tự nhiên cứ ngẫn ngẫn…”. Tôi cười và nói nhỏ: “Thế sao anh không bỏ quách đi mà lấy vợ trẻ?” – “Không bỏ được mới khổ em ạ!” - anh chồng cũng cười và siết tay vợ chặt hơn.
Tôi lại quay sang hỏi: “Thế chị nghĩ chị bị làm sao?”. Chị này không nói gì, kéo tay chồng đi thẳng, đi được vài bước thì quay lại ném trả tôi một câu cáu kỉnh: “Tôi mà biết tôi bị làm sao thì tôi đã không phải vào viện thần kinh!”…
Trong khi tôi bước ra khỏi căn phòng thì một nhân viên y tế ào tới:
- “Các anh chị ký nhận tiền thành lập Viện nhé, năm nay sếp thưởng nhiều thế, sếp bí mật thật đấy!”.
- “Thì năm nay bệnh nhân nhiều thế cơ mà. Tháng vừa rồi phải đến hơn 5.000 bệnh nhân, em thống kê tuần nào cũng nghìn mấy người vào đây xét nghiệm rồi…” – một nhân viên y tế khác đáp lời.
Ông Viện trưởng ấm áp
Suốt một ngày dài ngồi ở viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, chứng kiến rất nhiều cảnh đời, song câu chuyện ám ảnh tôi nhất có lẽ là câu chuyện của Bình – một nữ giảng viên đại học 33 tuổi ở Hà Nội.
Bình mới sinh con đầu lòng và đã có một cuộc sống khá yên ấm cho đến khi chứng trầm cảm sau sinh xuất hiện. Khi con trai Bình được 4 tháng tuổi, áp lực của cuộc sống gia đình cộng với sự thay đổi sinh học trong cơ thể người mẹ trẻ đã khiến cô rơi vào trầm cảm mà không hề biết.
Những lo âu, bất an tích lũy từng ngày làm Bình luôn lo sợ có người bắt mất con mình.
Bi kịch bắt đầu khi cô vài lần ôm con đi lang thang và được gia đình chồng hốt hoảng tìm về. Từ đó, cả gia đình chồng cho rằng cô bị điên nên đã đuổi cô về nhà bố mẹ đẻ. Con đỏ hỏn khát sữa nhưng hàng ngày Bình chỉ được quay lại để cho con bú, chơi với con một lát rồi phải ra về vì nhà chồng sợ “bệnh điên” của cô lây sang con. Chồng cô, một kỹ sư có học vị tương đương vợ, thậm chí còn đề nghị ly hôn.
Hôm nay, sau 4 tháng điều trị liên tục, Bình trở lại gặp Viện trưởng Phương để tái khám. Ông bác sĩ khẳng định cô đã gần như khỏi bệnh hoàn toàn. Mẹ Bình cho biết, Bình cũng đã trở lại trường đại học để tiếp tục giảng dạy hai tháng nay. Cô thậm chí còn đang hướng dẫn hai đề tài khóa luận tốt nghiệp cho sinh viên.
Nhưng cuộc sống tốt đẹp ngày xưa đã không còn nữa. Hai hàng nước mắt Bình lăn dài sau khi bác sĩ Phương cho biết cô đã khỏi bệnh. Tất cả căn phòng lặng im không nói, vì Bình khóc, mẹ cô và cả anh trai cô đi cùng đều khóc.
Tôi biết, chỉ có bác sĩ Phương mới giúp được Bình trong câu chuyện này. Và tôi đã nghĩ đúng. Ông Viện trưởng tuổi gần lục tuần với mái tóc xoăn rối bù thân thiện, ân cần trấn an Bình: “Cháu hãy mang bệnh án và lời nhắn của chú đến cho người Trạm trưởng y tế gần nhà để nhờ can thiệp. Nếu gia đình chồng cháu không thay đổi, chú sẽ xuống tận nhà cháu để giải thích. Còn nếu họ vẫn quyết tâm ly hôn, thì chính chú sẽ giúp cháu giành được quyền nuôi con”.
Tôi cảm nhận bầu không khí nhẹ nhõm lan tỏa khắp căn phòng. Mỗi người an ủi Bình một câu. Cô lí nhí nói cảm ơn. Trong khi đó, điện thoại của bác sĩ Phương đổ liên hồi. Ông mở loa ngoài để nghe, từ đầu dây bên kia có tiếng bệnh nhân khóc thút thít: “Bác sĩ ơi, tôi sợ lắm, tôi phải làm thế nào bây giờ?”… Một người khác gõ cửa, ào vào, đặt lên mặt bàn ông 300 nghìn đồng, nói liến thoắng: “Hôm nọ em đi khám mà thiếu tiền, bác sĩ cho em vay…”, rồi đi mất luôn khiến ông bác sĩ còn chưa nhớ ra là bệnh nhân nào.
“Tôi chữa bệnh mà không được tiết lộ là chữa cho những ai”
- Thế này nhé! – Viện trưởng Nguyễn Doãn Phương bắt đầu câu chuyện với tôi khi căn phòng đã hết bệnh nhân, chỉ còn một người bạn già nhẫn nại ngồi chờ ông để đi ăn tối cùng – khi nào thì một người nên đến bệnh viện để khám sức khỏe tâm thần?
Ông đặt vấn đề rồi tự minh họa: Ví dụ như hồi trẻ, khi người yêu cháu tỏ tình, cháu cảm thấy thế nào?
- Tất nhiên là vui mừng, hạnh phúc, run rẩy ạ - tôi trả lời.
- Ừ đúng rồi, mặt đỏ lên đúng không? Tim đập loạn xạ đúng không? Chân tay luống cuống, thừa thãi nữa đúng không? Tất cả những biểu hiện đó là do một vài yếu tố sinh hóa trong cơ thể cháu đã đột ngột tăng lên hoặc giảm xuống. Những biểu hiện đó về nguyên tắc sẽ phải giảm dần. Sau vài ngày nghĩ đến lời tỏ tình đó, cháu vẫn hơi run run, hơi hưng phấn, 1-2 tuần sau có thể vẫn còn nhưng mức độ phải giảm đi chút nữa. Chứ nếu sau 45 ngày mà nó vẫn làm cháu bị kích động như hôm đầu thì cháu nên đến đây để điều trị (cười).
Tương tự như vậy, vì sao đón nhận một tin buồn, có người chỉ khóc, có người im lặng không nói trong khi người khác lại ngất xỉu? Tất cả là do cơ chế sinh hóa của mỗi người khác nhau. Xưa nay người ta quan tâm nhiều đến lý do tâm lý và chưa đánh giá đúng mức về lý do sinh hóa. Chữa bệnh về tâm thần luôn luôn phải kết hợp trị liệu theo hai hướng đó.
“Ngày nay khi xã hội càng phát triển, áp lực cuộc sống nhiều hơn, các bệnh lý liên quan đến sức khỏe tâm thần cũng phổ biến và phong phú hơn. Nghề của tôi có cái đặc thù, không chỉ là người bác sĩ kê đơn phát thuốc mà còn phải là chỗ dựa tinh thần của bệnh nhân. Thậm chí còn không bao giờ được kể tôi chữa bệnh cho ai” – bác sĩ Phương chia sẻ.
----------------------------------
Đừng buông tay nhé!
Chia tay ông Viện trưởng bận rộn nhưng ấm áp, tôi thấy lòng mình chùng xuống. Những giọt nước mắt của Bình, tiếng cười khanh khách vô hồn của cậu bé tự kỷ, cái siết tay vợ của ông chồng có vợ “ngẫn ngẫn” khiến tôi buồn vui lẫn lộn. Cuộc sống đôi khi thật nghịch lý. Cái anh chồng nom có vẻ ít học, thô lậu lại kiên quyết không buông tay người vợ vừa già nua vừa ngẫn dở. Trong khi đó, một người trẻ trí thức lại ruồng bỏ cô vợ giảng viên vừa mới khó nhọc sinh con cho mình ngay ở những trang đầu cuộc hôn nhân.
Nhưng tôi tin ông Viện trưởng ấm áp sẽ cứu được cuộc hôn nhân của Bình. Tôi tin những gì tuyệt vời nhất trên đời đều được sản sinh từ trong tình yêu thương. Bởi, cuộc sống ngoài kia là muôn ngàn lối rẽ, không chỉ có ba đường kẻ xanh – đỏ - vàng, nên dẫu có tâm thần hay điên loạn, cũng đừng bao giờ buông tay…!!