Cứ thế đứa lớn chăm đứa bé, bởi anh chị đầu tắt mặt tối lo cho các con ăn đủ no còn khó nói chi đến những thứ khác.
Sinh con nhiều mới có... lộc
Đến cổng đình xóm Cổ Bản (phường Đồng Mai, quận Hà Đông, Hà Nội), chỉ cần hỏi nhà anh Năm "mười ba" thì ai cũng chỉ tận nơi và thêm một câu "cố gắng giúp gì được cho gia đình người ta thì giúp, khổ mấy đứa trẻ quá". Kể từ ngày vợ chồng anh sinh đứa thứ 13, cái tên của anh cũng được gắn thêm con số này bởi cả vùng, có khi cả nước cũng không ai sinh nhiều con kỉ lục bằng anh.
Chị Hải và các con chưa đến tuổi đi học ở ngoài lều đầm cá
Không khó nhận ra căn nhà gạch ba gian chắp vá nằm đối diện ngay lối vào Nhà văn hóa khang trang của thôn Cổ Bản. Mấy cái cửa sổ không có cánh được che tạm bằng những mảnh ván có phần đã mục nát. Mái nhà được lợp bằng những tấm tôn đã ngả màu rỉ sét đôi chỗ lấm tấm thủng. Bên trong gia chủ dùng những tấm ván xây dựng xin được ghép lại vừa để chống nóng vừa để kiên cố mái tôn trong những ngày mưa gió.
Căn nhà không có gì giá trị ngoài chiếc tivi 14inch từ đầu những năm 90 của thế kỉ trước và chiếc đầu quay đĩa cũ kĩ. Bởi vậy, căn nhà của anh hầu như không đóng cửa bao giờ, có gì để bọn trộm để mắt, hơn nữa lũ trẻ đi về liên tục. Ấy vậy mà anh Ngô Doãn Năm bảo, năm ngoái có cái xe đạp cà tàng cũng bị ăn cắp, còn nồi cám lợn thì bị đổ cám lấy mất xoong.
Đôi mắt trũng sâu, gò má nhô hẳn lên trên khuôn mặt hốc hác gầy gò, thật khó để nhận ra chị Đặng Thị Hải mới ở cái tuổi 44 bởi nước da đen sạm, quần áo lấm lem bùn đất. Chị là người mẹ của 13 đứa con (8 trai, 5 gái). Cuộc đời chị khổ từ những ngày đầu mới bước chân về nhà chồng. Nhà anh Năm có một mảnh đất đào ao lấy đất đóng gạch, hai anh em ở chung đã xảy ra bất hòa, hai vợ chồng chị cùng đứa con trai đầu lòng phải ra đường và xin ở nhờ.
Hai vợ chồng anh Năm, chị Hải lấy nhau được 25 năm và cứ thế tằng tằng "sản xuất" 13 đứa con. Cậu con trai đầu sinh năm 1990, đứa nhỏ nhất, thứ 13 mới lên 2 tuổi. Hiện, hai cô con gái lớn đi lấy chồng xa, con trai cả đã lập gia đình và có một đứa con trai. Vậy là quân số gia đình anh Năm, chị Hải không thay đổi 15 miệng ăn.
Nhà đông người, căn nhà nhỏ trong làng của anh em họ hàng bên nhà chồng dựng cho cũng không đủ cho từng ấy con người chui ra chui vào. Việc sinh đẻ chẳng dừng được, từng đứa một cứ lần lượt ra đời khiến ngôi nhà đã chật hẹp lại càng bí bách. Ông trưởng xóm và dân làng thương tình cho vợ chồng anh chị dựng tạm một căn nhà gần nhà văn hóa bây giờ để sinh sống. Chính quyền nhiều lần định thu lại nhưng vì anh chị nghèo, đông con thu lại biết ở đâu nên lại thôi.
Chị Đặng Thị Hải cho biết: "Vợ chồng tôi chỉ trông vào mớ rau, con tôm, con cá bán lấy tiền đong gạo cho các cháu. Hiện, hai vợ chồng tôi còn nhờ được cái đầm để thả cá, nhưng cũng chẳng được mấy bữa nữa vì họ sắp đòi lại làm dự án. Chồng tôi vừa rồi đi khám bệnh cũng mất khá nhiều tiền, trong nhà giờ chẳng còn xu nào, mà bệnh ở giai đoạn cuối nên chẳng biết sống được bao lâu nữa. Bây giờ anh ấy ở nhà làm việc nhẹ và uống thuốc bắc kéo dài được ngày nào hay ngày đấy".
Mười mấy miệng ăn, ruộng không còn, gạo ăn đong từng bữa, mỗi bữa vợ chồng chị lo gạo cho chừng ấy người ăn còn chưa đủ, chưa kể thức ăn cũng là một gánh nặng. Căn nhà ba gian, ba cái giường không thể chứa hết từng ấy người. Vợ chồng anh chị phải làm tạm một cái lều nhỏ ngoài bãi đầm vừa trông cá vừa ở. Công việc hàng ngày của chị Hải bắt đầu từ 2h sáng và luôn chân luôn tay có khi đến tối mịt cũng chưa được nghỉ. Sở dĩ chị phải dậy sớm như vậy bởi tiếng là đi hái rau muống, nhưng làm gì có ruộng rau mà chị đi mót rau thì đúng hơn. Chị lội khắp cánh đồng, bờ ao, chỗ nào có ngọn rau mọc dài thì hái. Hái đến sáng cũng được hai mươi bó, chị cho đứa con gái lớn mang ra chợ bán cho kịp buổi sáng. Chị khoe sáng nay hái được 20 bó, mỗi bó cũng được hai nghìn đồng đủ tiền đong gạo cho các cháu.
Nhà anh Năm, chị Hải nằm đối diện nhà văn hóa của xóm
Những đứa trẻ tự lập
Nhà đông con, hai vợ chồng anh chị bươn chải, suốt ngày lăn lộn ngoài đồng lo cho đàn con ăn đủ no cũng khó, nói chi đến việc học hành. Đứa con cả được học nhiều nhất là hết lớp 11, còn những đứa sau cũng lần lượt nghỉ học để phụ giúp bố mẹ bắt tôm, bắt cá. Hiện, chỉ còn bốn đứa đang đi học, còn lại ba đứa nhỏ chưa đến tuổi đến trường. Có thời gian các cháu phải nghỉ học vì không có giấy khai sinh, nhà trường không thể nhận. Theo anh Năm, nhà đông con, nay ở chỗ này mai chỗ khác, sổ hộ khẩu và giấy khai sinh của các cháu đều mất cả. Cũng may, nhà trường và các cấp đã tạo điều kiện để các cháu đi học trở lại.
Câu chuyện về việc đặt tên các cháu nhà chị cũng khá thú vị. Xen ngang câu chuyện giữa chúng tôi và chị Hải thi thoảng bị dừng lại bởi tiếng quát của chị đối với hai đứa nhỏ đứa tên Bầu, tên Bí đùa nghịch, cãi nhau. Chị bảo: "Đông thế nhưng vẫn nhớ tên hết, có đứa đặt tên theo số như thằng Tám, đứa vẫn đặt tên bình thường như thằng Tiền, Phúc, Đức,… Năm sinh tôi còn nhớ, chỉ có điều sinh ngày tháng nào thì không thể nhớ".
Ban ngày cả đại gia đình nhà anh Năm, chị Hải sinh hoạt ăn uống ngoài cái lều ở đầm cá. Đến tối vợ chồng anh chị ở lại trông cá và sáng sớm còn dậy hái rau. Vợ chồng con cái cậu con trai cả về nhà ở trong làng ngủ. Còn lại đều về căn nhà ở gần nhà văn hóa. Cũng vì thế mà buổi sáng đối với gia đình chị Hải, đứa lớn chăm và trông nom đứa nhỏ, tất cả phải tự lập và tự túc hết. Chị Hải cho biết: "Vợ chồng tôi thức dậy từ tờ mờ sáng, hái rau, bắt tôm, bắt cá. Ở nhà, cháu nào đi học thì dậy đi học, các cháu lớn dậy, đứa bán rau, đứa phụ giúp bố mẹ ngoài đầm. Các cháu nhỏ ngủ dậy, có anh chị dắt ra ngoài đầm chỗ bố mẹ làm để tiện trông nom".
Nếu như các gia đình khác, các em đi học được bố mẹ lo cho ăn uống, đưa đi học, chăm sóc từng li từng tí thì ở gia đình nhà chị Hải, các cháu thức dậy muốn ăn thì phải nấu cơm hoặc rang cơm nguội ăn, có khi đến trường với cái bụng đói meo. Đến bữa trưa cả gia đình nhà chị nấu nướng luôn tại lều ngoài đầm cá cho tiện, mấy đứa trẻ đi học đến trưa về tự kéo nhau ra ăn cơm xong lại về đi học. Cậu con trai cả, tiếng lập gia đình có vợ có con nhưng cũng không biết làm gì, theo bố mẹ bảo gì làm nấy vì thế mà vợ chồng chị Hải, anh Năm càng thêm phần vất vả.
Chỉ Hải bảo: "Thằng lớn bị bệnh từ nhỏ, yếu ớt, không làm được gì, lấy vợ có con vẫn phải phụ thuộc vào bố mẹ. Gần 20 người chứ chẳng ít, cả một đại gia đình cùng sinh sống bằng khoản thu nhập từ mấy mớ rau, nuôi con gà, con lợn, nuôi cá vì thế mà bữa cơm ngày càng đạm bạc, thành phần chủ yếu là rau và thỉnh thoảng có thêm con tôm con tép, mớ cá”.
Vì đông con, dép chẳng đủ, đến nhà chị Hải, thấy người đi chân đất nhiều hơn đi dép. Chị Hải hầu như đi chân đất cả ngày, phần vì phải lội ruộng, phần vì có dép thì nhường cho các con đi. Chị Đặng Thị Hải bùi ngùi: "Bố cháu (anh Năm) bệnh tật không biết còn sống được bao lâu mà các cháu còn nhỏ quá không biết sẽ ăn học thế nào. Còn sức này tôi chỉ biết cố gắng lo cho các con mong sao chúng ăn đủ no là hạnh phúc lắm rồi".
Hệ lụy của đông con: Cơm không đủ no, mong gì việc học "Hội phụ nữ đã nhiều lần đến vận động và khuyên gia đình anh Năm, chị Hải sinh ít con để có điều kiện lo cho các cháu ăn học. Sinh đến đứa thứ 6, Hội phụ nữ đến vận động dừng lại thì anh chồng bảo sinh bảy đứa mới có lộc. Cứ thế đến bây giờ anh chị có tới 13 đứa con. Có lần chúng tôi đã đưa chị Hải đi triệt sản, nhưng anh chồng lôi về nhất định không đồng ý. Hội chỉ vận động và phân tích thiệt hơn chứ không thể cấm họ được. Chi hội phụ nữ cũng hỗ trợ và cho vay vốn để gia đình chị Hải tăng gia, làm kinh tế, nhưng vẫn nghèo lắm, chạy ăn đủ no con vất vả, nói chi đến học. Bà con hàng xóm ai có gì cũng mang sang cho các cháu, từ quần áo, bánh kẹo nhưng chẳng thấm vào đâu", bà Nguyễn Thị Mùi, chi hội phụ nữ tổ dân phố xóm 1, thôn Cổ Bản nói. |
Thiên Vũ