Một ngày ở làng chuyên 'gom' rắn

Một ngày ở làng chuyên 'gom' rắn

Thứ 4, 07/08/2013 17:21

Làng Lệ Mật (huyện Gia Lâm, TP.Hà Nội) từ lâu đã nổi lên như một phố ẩm thực có tiếng ở Hà thành, với đặc sản thịt rắn. Lệ Mật thời gian gần đây, dường như đang mất dần không khí quen thuộc người người săn rắn, nhà nhà săn rắn, một phần vì nguồn rắn quanh vùng đã cạn kiệt nên người chuyên sống bằng nghề bắt rắn phải chấp nhận "ăn cơm thiên hạ" trong nhiều ngày để "gom" rắn về.

Ăn cơm thiên hạ để săn rắn

Khác với những làng quê nông thôn yên bình khác, ngay từ đầu làng Lệ Mật đã liên tục chào đón du khách bằng hàng loạt những biển quảng cáo đặc sản, nhà hàng với những món ăn lạ miệng được chế biến từ rắn. Theo ông Bách (tổ 7 - Lệ Mật) thì, từ xưa tới nay, người dân chủ yếu sống bằng nghề thuần nông và săn bắt rắn để kiếm thêm thu nhập.

Lạ & Cười - Một ngày ở làng  chuyên 'gom' rắn

Những nhà hàng kinh doanh đặc sản thịt rắn mọc lên khắp các ngõ ngách quanh làng Lệ Mật

Nguồn thực phẩm chủ yếu cho những quán đặc sản rắn do người dân làng tự cung tự cấp. Nguồn rắn bình dân và dễ tìm nhất vẫn là các loại rắn ráo. Đây là loại rắn sinh sôi tương đối nhanh trong môi trường tự nhiên. Với mức giá bán tại gốc từ 100.000 - 120.000 đồng/kg nên những món ăn được chế biến từ rắn ráo đáp ứng được nhu cầu của hầu hết thực khách tìm đến nhà hàng ở Lệ Mật thưởng thức. Trước đây vốn là làng thuần nông nên diện tích đất đai ruộng vườn nhiều, vì thế nguồn rắn cũng sẵn hơn.

Đã thành lệ sau những ngày mưa bão, nắng lên là thời điểm rắn sẵn nhất nên hầu như những người đàn ông trong gia đình ở làng đều rậm rịch chuẩn bị đồ nghề đi quanh làng săn rắn. Ông Bách thong thả kể: "Cách đây khoảng chục năm trở về trước, khi những nhà hàng chuyên nghiệp chưa "mọc" lên như nấm thì giá rắn bán tại gốc chỉ nhỉnh hơn cá, lươn… đồng một chút.  Diện tích đất ruộng thu hẹp dần và thay vào đó là hàng loạt những dự án khu chung cư đang khởi công xây dựng làm cho rắn cũng "hết" dần. Đặc điểm của loài rắn là thường chui rúc bụi rậm, trong khi đó tốc độ bê tông hóa chóng mặt sẽ hạn chế nguồn rắn sinh sôi nảy nở".

Bà Hòa - chủ quán trà đá ngay trước cửa đình làng Lệ Mật cho biết: "Từ ngày có khu đô thị mới Việt Hưng ở liền kề bên cạnh thì lượng khách tìm đến làng Lệ Mật để ăn nhậu tăng lên. Cung không đủ cầu, khi hàng loạt diện tích đất ruộng còn lại cũng đang rậm rịch quy hoạch để chuẩn bị xây dựng nên làm cho "thị trường rắn" trở nên khan hiếm".

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, thời điểm này đúng vào mùa thuận lợi để săn rắn nên hầu như những tay săn rắn lành nghề, có kinh nghiệm đều không có mặt ở nhà. Đã thành lệ, ngay từ sáng sớm tinh mơ cho đến chiều muộn, quanh làng hầu như vắng bóng đàn ông. Người dân bây giờ muốn bắt rắn buộc phải đi xa hơn, có khi kéo nhau đi sang các xã, huyện lân cận, thậm chí phải mang theo đồ nghề đi săn tận Bắc Ninh, Bắc Giang...".

Chị Huệ (vợ của anh Xuân Triết - một trong những tay "sát rắn" nổi tiếng trong làng) cho biết: "Gia đình tôi ít ruộng, tiền đền bù không đáng là bao nên vẫn phải bám vào nghề săn rắn để mưu sinh. Tuy nhiên, với tốc độ xây dựng như hiện nay, khiến rắn không còn "đất sống" nên nguồn hàng càng trở nên khan hiếm. Việc mưu sinh cũng vì thế khó khăn hơn. Đi xa thế nhưng nhiều khi mang về cũng chỉ được vài ba kg rắn. Những người dân ở "đất khách", biết mình tìm đến để săn rắn đem bán cũng tỏ ý giữ đất không cho săn tự do như trước nữa. Thế nên, thời gian gần đây, chồng tôi khi đi săn rắn ở xa đều phải mang theo tiền dắt lưng để vừa săn trực tiếp vừa chấp nhận thu mua lại rắn của người dân địa phương".

Lạ & Cười - Một ngày ở làng  chuyên 'gom' rắn (Hình 2).

 Sau khi chế biến hầu như thực khách không phân biệt được thịt rắn tự nhiên với thịt rắn nuôi công nghiệp

Nhập nhèm thu lãi khủng

Dễ nhầm lẫn

Ông Bách bật mí, muốn không bị ăn nhầm rắn nuôi, khách hàng cần lựa chọn rắn sống rồi đặt nhà hàng chế biến. Màu sắc trên da rắn tự nhiên bao giờ cũng sẫm hơn so với rắn nuôi. Mặt khác, do được thường xuyên tung hoành trong môi trường tự nhiên nên cách bơi, trườn của rắn cũng tinh nhanh hơn chứ không lờ đờ như bị nuôi, nhốt.

Cũng theo ông Bách, nếu như trước đây quanh làng đâu đâu cũng bắt gặp những câu chuyện xoay quanh việc săn rắn thì giờ đây, những gia đình phất lên nhờ tiền bán đất khi có vốn cũng bảo nhau lui về thu mua rắn từ các nơi về bán lại cho những cửa hàng đặc sản quanh vùng. "Lời lãi tuy ít hơn nhưng nhàn hạ và an toàn cho tính mạng..." - ông Bách - một người có kinh nghiệm hơn 20 năm săn bắt rắn cho biết.

Anh Lộc - chủ nhà hàng Lộc Hương chia sẻ: "Đối với những nhà hàng lớn, dân buôn rắn sẽ đổ "hàng" trực tiếp bởi nhu cầu nguồn "hàng". Nhà hàng có mô hình kinh doanh nhỏ hơn sẽ lấy "hàng" gián tiếp qua những người chuyên "gom" rắn ở làng. Thường những đầu nậu sẽ đi "gom" từ các tỉnh trong vòng vài ba ngày rồi quay về làng, mang theo hàng bao tải rắn các loại. Họ "gom" được nào thì rắn ráo, rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang... đến hổ mang chúa.

Do thu mua với số lượng lớn, lại lặn lội đến những vùng xa xôi nên giá thành thu mua tại gốc thường rẻ hơn rất nhiều so với giá giao cho các nhà hàng. Nếu chịu khó đi xa lên vùng núi, đặt mua rắn của người dân bản địa, có thể rinh về những chú rắn giá trị với giá rẻ bất ngờ. Về đến làng, chủ mối hàng phân ra thành từng loại rắn, với mức giá khác nhau để bán. Chỉ tính riêng việc lọc riêng từng loại để bán lại, chủ mối đã có thể ung dung thu lãi khủng.

Tuy nhiên, do nhu cầu tiêu thụ rắn ngày càng cao, đôi khi nguồn rắn của thợ và chủ hàng "gom" về cũng không đủ cho các thực khách nhậu nên rắn bị pha tạp nhiều. Nhiều thực khách bị nhà hàng thu tiền là rắn săn tự nhiên nhưng lại được thưởng thức rắn nuôi. Hiện nay người dân làng Lệ Mật đang phát triển song song việc kinh doanh đồng thời quy hoạch nuôi rắn để tăng thêm thu nhập. Thịt rắn được xả ra để chế biến món ăn còn nọc rắn, mật rắn... được chế biến để ngâm rượu, làm thuốc. Tuy nhiên đối với dân sành ăn, thì họ luôn chuộng món đặc sản có nguồn gốc tự nhiên hơn, vì thế giá thành khi mua vào cũng có sự chênh lệch.

Cụ thể, 1kg rắn  bình dân như rắn ráo, cạp nong... giá từ 200.0000 - 300.000 đồng  (đối với loại rắn trên 2kg) còn rắn hổ mang luôn có giá tiền triệu, gấp từ 4 - 5 lần so với các loại rắn khác. Tuy nhiên, rắn nuôi sẽ cho số lượng ổn định nhưng thịt ăn sẽ không chắc và ngọt như thịt rắn tự nhiên. Vì thế giá rắn nuôi thường rẻ hơn từ 300.000  - 700.000đồng/kg khi mua vào. Đối với những thực khách không phải dân sành ăn, thêm vào đó là bàn tay chế biến khéo léo của người đầu bếp thì món đặc sản này khi lên mâm hầu như không phân biệt được đâu là rắn "xịn", đâu là rắn nuôi. Nhờ thế mà các nhà hàng cứ ung dung thu lời từ khâu chế biến nhập nhèm này...".

Linh Nhi

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.