Mục sở thị làng vải siêu rẻ
Băng qua con đường ngoằn ngoèo đầy ổ trâu, ổ gà, chúng tôi tìm đến làng Nhân Hậu trong một ngày nắng gắt, gần cuối hè. Khác với không khí yên bình thường thấy ở những vùng quê, ở đây, ngay từ đầu làng đã rộn rã âm thanh quen thuộc của những cỗ máy dệt công nghiệp. Thời bao cấp, đây là nơi cung cấp phần lớn sợi vải cho nhà máy Dệt Nam Định nổi tiếng toàn quốc.
Trước đây, làng chủ yếu dệt lụa nhưng càng về sau này, để đáp ứng thị trường may mặc ngày càng đa dạng, phong phú, người dân làng Nhân Hậu chủ yếu dệt theo yêu cầu khách hàng, từ bình dân đến cao cấp với giá khá "mềm" nên luôn tấp nập người đến đặt hàng.
Theo lời mách nhỏ của anh Sáng, một người dân bản địa, chúng tôi trong vai chủ một cơ sở may gia công, đi tìm hiểu nguồn hàng và được anh Sáng dẫn đến xưởng may Việt Hùng để gặp chủ xưởng Yến Kỷ. Đập vào mắt tôi là cơ ngơi đồ sộ cùng hệ thống nhà xưởng khá hoành tráng. Ông Kỷ cho biết, do mẫu mã vải đa dạng, mỗi gia đình chuyên về một số loại mặt hàng vải khác nhau nên đối tượng khách hàng cũng khác nhau.
Là cơ sở chuyên cung cấp nguồn vải lớn cho các khu công nghiệp ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh nên vải tại xưởng của ông Kỷ so với những cơ sở khác có phần "đẳng cấp" hơn, chủ yếu là các loại tuýt si, ka ki, tếch … dùng để may quần; hay các loại cotton, lanh chất liệu mát, thấm mồ hôi. Một số cơ sở lân cận lại chuyên về các mặt hàng vải gạc mỏng, vải lưới dùng để may các lớp lót trong cho quần áo. Những loại vải phụ không có được thị trường tiêu thụ lớn nhưng nó vẫn khá "hút" khách bởi các cơ sở may gia công.
Tiếp xúc với người dân, người lao động ở đây, chúng tôi được biết, họ làm công, ăn lương là chính. Công việc rất nhiều, khách mua bán tấp nập. Có thể, vì nơi đây sản xuất tận gốc nên giá thành "mềm" hơn so với những loại vải "xịn", đẳng cấp.
Khi câu chuyện đã trở nên thân mật hơn, ông Kỷ bộc bạch, vải làng này xuất đi hầu hết đều là vải thô. Nếu khách yêu cầu nhuộm màu trần (một màu) thì một gia đình kiêm thêm cơ sở nhuộm sẽ đáp ứng. Tuy nhiên, do cơ sở vật chất chưa được đầu tư nên những yêu cầu về công nghệ nhuộm cao hơn như in hoa, họa tiết, bắn kẻ (các mẫu kẻ sọc ngang dọc trên nền vải thô), in vi tính đều được chuyển lên đầu mối chợ Bắc Qua, Đồng Xuân (Hà Nội) để thực hiện. Cứ vài ba ngày, các thương lái lại cho xe về chở hàng đi.
Giá siêu rẻ vẫn lãi ròng
Chúng tôi hỏi về chất lượng những loại vải của làng và xưởng nhà ông, ông Kỷ chỉ úp mở cho biết giá thành thấp hay cao chủ yếu phụ thuộc vào giá tiền khách đặt, theo đó sẽ quyết định nguồn hàng khi dệt sẽ cán vải thưa hay mau, tỷ lệ pha hóa chất làm đanh vải nhiều hay ít. Lấy cớ không đủ "lực" để nhập nguồn vải đắt tiền, chúng tôi tìm đến cơ sở dệt Sầm Nhung để tìm hiểu nguồn hàng được giới thiệu là bình dân nhất làng dệt.
Bà chủ nhà với đôi mắt sắc lẹm, đon đả chào mời: "Cô tìm đúng địa chỉ rồi đấy, nhà tôi chuyên sản xuất những loại vải rẻ tiền để may đồ mặc ở nhà. Đặc biệt là nguồn vải cho áo sơ mi đại hạ giá, áo chống nắng". Như để củng cố thêm lòng tin cho khách hàng, bà Nhung khẳng định chắc nịch: "Gì chứ, sơ mi đại hạ giá bán 25.000 đồng vẫn lãi chán".
Cũng theo bà Nhung, ở đây giá nào cũng phục vụ khách, giá thành thấp nhất từ 7.000 - 8.000 đồng/m và vài chục ngàn đồng/m. Tất cả phụ thuộc vào công nghệ đổ sợi dày hay mỏng, thưa hay mau, tỷ lệ pha chế nilon vào sợi vải hay lượng hồ dùng để tắm cho vải đặc hay loãng… Nói rồi bà Nhung hăng hái dắt chúng tôi xuống tận kho hàng thô ngay sau bếp. Đập vào mắt chúng tôi là hàng trăm cuộn vải thô màu trắng dựng san sát khắp căn phòng.
Quả thật, nếu chỉ nhìn bằng mắt thường sẽ không phân biệt được đâu là vải kate, thun bốn chiều, kaki như bà Nhung đang quảng cáo. Chỉ đến khi bà Nhung hướng dẫn, đưa tay sờ vào trên bề mặt vải chúng tôi mới phần nào nhận ra sự khác nhau ở độ dày, mỏng. Nếu đem ra soi giữa ánh sáng ban ngày, từng sợi vải được dệt có "chắc" tay không sẽ lộ rõ mồn một. Chính vì thế các công nghệ như nhuộm màu, tắm hồ hay in ấn các loại hoa, họa tiết bắt mắt cũng là một cách để che giấu chất lượng thực sự của vải.
Cũng theo bà Nhung, hiện nay ở quanh vùng chỉ mới du nhập được công nghệ in màu trơn (một màu) còn với yêu cầu về mẫu mã thời trang và không lem màu, buộc phải sử dụng công nghệ in vi tính (in chìm). Công nghệ này, tại các xưởng quanh khu chợ Đồng Xuân, Bắc Qua, Hà Đông (Hà Nội) rất sẵn, chỉ cần chuyển vải thô cho các đầu nậu là sẽ có người nhận trách nhiệm đưa qua công nghệ xử lý với mức giá khá rẻ, chỉ trên dưới 100.000 đồng cho một xúc vải mấy trăm mét nên không cần phải bỏ ra quá nhiều tiền để đầu tư công nghệ in chìm.
Tuệ Linh