Ngày đi bộ, hít khí trời
Vùng cao Tây Bắc, với nhiều người, chỉ cần một lần "chạm" là bị mê hoặc. Sự mê hoặc ấy không đến từ những tiện nghi sang trọng hay đẳng cấp vượt trội của công nghệ. Cái tạo nên lực hấp dẫn, hút đam mê khám phá, trải nghiệm của bao người chính bởi những khó khăn, thiếu thốn trong cuộc sống của người dân nơi đây. Đúng như người ta nói, cái thiếu hụt bao giờ cũng tạo sự thèm muốn. Nơi rừng núi hoang vu với nếp sinh hoạt đậm đà bản sắc dân tộc ít người khơi gợi trí tò mò và khao khát chinh phục trong mỗi người một cách mạnh mẽ.
Thung lũng Mai Châu nhìn từ trên cao giống hình dáng nước Việt Nam thu nhỏ.
Vì công việc, vì sở thích và vì rất nhiều thứ khác cộng hưởng, tôi đã "ngang qua" thung lũng xanh Mai Châu nhiều lần. Nhưng lần nào, tôi cũng dành thời gian dừng lại ở cột cờ trên đỉnh đèo Thung Nhuôi để nhìn trọn vẹn thị trấn Mai Châu dưới chân núi uốn mình như một chữ S Việt Nam thu nhỏ. Đây là một trong những niềm tự hào của người dân Mai Châu. Nhưng, để nhìn thấy hình chữ S kỳ thú được tạo bởi thung lũng Mai Châu xinh đẹp, trải dài men theo sườn núi, chúng ta cần có một chiếc ống nhòm thu hết tầm nhìn. Đứng trên đỉnh đèo, mây vờn quanh năm tạo cho con người cảm giác sảng khoái một cách kỳ lạ. Có khi đang ở đỉnh đèo, mây đuổi theo ập vào người lạnh buốt, rồi nhanh chóng bay qua, nắng lại bừng lên rực rỡ.
Bản Lác nằm cách thị trấn không xa, chỉ chừng một cây số. Nhưng có lẽ bởi phố núi vốn dĩ đã bình lặng, chẳng ồn ào nên dù ở rất gần thị trấn, bản Lác vẫn có một không gian tĩnh tại như kéo chậm mọi suy nghĩ và nhịp sống của con người. Chẳng thể vội vàng khi nhìn cô gái Thái ngồi lặng lẽ vắt từng mũi kim khâu túi, khăn bên cửa sổ nhà sàn, hay người đàn ông tóc đã hoa râm thảnh thơi trước sân nhà, bào từng phoi tre cho phẳng phiu ưng ý với chiếc khèn bè dài. Ông Sang, 54 tuổi, người bản Lác I chia sẻ: "Ngày nào tôi cũng ngồi vót nan, chẻ tre và làm những dụng cụ nhà nông. Thường là đồ bán rẻ cho khách du lịch làm kỷ niệm khi về xuôi, đồ bán để dùng rất ít. Ở đây, nhà nào cũng làm hàng bán cho khách du lịch nên rảnh rỗi ngồi làm cho vui. Tôi làm để cái tay đỡ quên việc, cái đầu đỡ quên nghĩ chứ không hẳn làm để mưu sinh".
Người đến bản Lác thường thả bộ hoặc thuê xe đạp đi khắp bản. Nhưng xe đạp dường như vẫn là quá xa xỉ vì bản không rộng lắm nên đi bộ mới cảm nhận rõ nhịp sống của người Thái sau mỗi nếp nhà sàn. Người Thái ở đây khá thân thiện. Tuy là bản du lịch nhưng mọi dịch vụ có giá cả phải chăng. Điều hấp dẫn nhất ở nơi đây có lẽ là hình thức du lịch theo nhà. Tại bản, có khoảng gần 30 hộ gia đình kinh doanh dịch vụ này. Khách có thể đăng ký ăn, ngủ tại nhà sàn nhiều ngày và được sống đúng với nếp sinh hoạt sẵn có của người Thái địa phương. Thậm chí, nếu muốn, chúng ta có thể được mượn những bộ quần áo truyền thống của người Thái để mặc và lưu giữ lại kỷ niệm của những ngày rong chơi sống chậm.
Người phụ nữ Thái đang dệt vải bên khung cửi trước nhà.
Đêm sống với khèn bè, múa xòe, thổi pí, hát giao duyên
Đoán tính cách vợ chồng tương lai qua cột nhà và chăn gối Người dân tộc Thái ở bản Lác, Tiền Châu, Mai Châu, Hòa Bình vẫn còn lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc. Nhà sàn dựng cao hơn mặt đất chừng 2m. Khách muốn vào nhà sẽ được mời múc nước rửa chân trước khi bước lên các bậc cầu thang. Những người con trai khi đi tìm vợ, chỉ cần nhìn lên giá xếp chăn đệm, gối sạch sẽ ở một góc cửa sổ trong nhà, nơi gọi là "phòng" ngủ của con gái lớn (nhà của người dân tộc Thái không ngăn phòng như người Kinh mà chỉ chia các góc sinh hoạt riêng trong cả sàn nhà lớn - PV), là có thể biết tài nữ công và sự chăm chỉ của người vợ tương lai. Còn riêng các cô gái, muốn hiểu người con trai sắp làm chồng chỉ cần nhìn lên các cột nhà, nếu thấy nhiều vảy cá to hoặc đuôi cá dán trên cột nhà thì có thể yên tâm vì chồng mình là người lao động giỏi. |
Nhưng điều hấp dẫn nhất có lẽ vẫn là những đêm đốt lửa, múa khèn bè và hát giao duyên. Ở bản luôn thường trực một đội văn nghệ nghiệp dư, sẵn sàng hát múa và phục vụ các tour du lịch giao lưu với khách. Họ là những phụ nữ ở nhiều lứa tuổi, thích văn nghệ, thuần thục những điệu múa và nằm lòng những câu hát giao duyên. Người trai tham gia vào đêm văn nghệ thường là những người thổi pí (thổi sáo - PV) rất hay.
Cũng như người dân tộc Thái ở khắp vùng Tây Bắc, người bản Lác quan niệm, đã sinh ra là phận trai tráng ở trên đời, không có lý do gì mà không biết thổi pí. Đặc biệt, người con gái khi tìm chọn người yêu thường chú ý nhiều đến những chàng trai biết thổi pí giỏi, hay. Họ quan niệm, người con trai biết thổi pí hay là người có tâm hồn đẹp và trong tương lai sẽ là một người chồng tốt.
Chính vì thế, vào mỗi cuối tuần, đội văn nghệ bản Lác thường tổ chức những buổi sinh hoạt đặc sắc, tụ họp tất cả thanh niên, trai gái trong bản. Họ biểu diễn cho khách du lịch xem, cùng mời khách du lịch chơi, nhưng hơn hết, đó là nét sinh hoạt bản sắc của dân tộc, họ tập múa với nhau, múa hát cho nhau và tạo cơ hội cho các bạn trẻ kết duyên sánh bước cùng nhau.
Thường, những buổi sinh hoạt như thế sẽ là miễn phí với khách du lịch khi tham gia thưởng thức. Lịch diễn văn nghệ cũng cố định vào hai ngày cuối tuần. Nhưng nếu những đoàn khách du lịch có nhu cầu mời, đội văn nghệ vẫn sẵn sàng giao lưu biểu diễn vào các ngày khác trong tuần và lệ phí chỉ là sự hài lòng và niềm vui của du khách. Người Thái không lấy tiền làm trọng. Họ có thể nhận tấm lòng cảm ơn của khách nhưng sẽ không bao giờ đòi hỏi, không kỳ kèo, không mặc cả. Đó cũng là điểm hấp dẫn của các tour du lịch bản ở bản Lác, Mai Châu, Hòa Bình.
Qua những buổi sinh hoạt tập thể, biểu diễn văn nghệ cộng đồng như vậy, nhiều đôi bạn trẻ đã nhờ tiếng pí, tiếng hát mà nên duyên vợ chồng. Đây là một trong những điều khiến người Thái ở bản Lác tự hào bởi những sinh hoạt văn hóa trong đời sống thường ngày của họ không chỉ đi vào lòng du khách khắp mọi miền mà còn là chất kết dính tính cộng đồng dân tộc Thái. Người Thái nhờ đó mà gần gũi nhau, quan tâm chia sẻ với nhau nhiều điều trong cuộc sống. Cũng nhờ những đêm sinh hoạt văn nghệ như vậy mà người dân tộc Thái nơi đây càng thể hiện rõ tình đoàn kết gắn bó của mình.
Dương Thu