Một ngày sống chậm ở quầy sách miễn phí giữa Thủ đô, lan tỏa văn hóa đọc

Một ngày sống chậm ở quầy sách miễn phí giữa Thủ đô, lan tỏa văn hóa đọc

Duong Quang Sơn

Duong Quang Sơn

Thứ 7, 21/04/2018 06:30

Được mở ra từ tháng 3/2017, quầy sách đặc biệt (Đống Đa, Hà Nội) của bà Phạm Thị Huyền Dung đã được rất nhiều người biết đến với không gian đọc và mượn sách, báo miễn phí.

Bà Dung từng được biết đến khi là giảng viên môn Triết học tại học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Nay, người ta còn biết đến bà Dung với một vai trò khác – một người đã và đang lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng.

Một ngày sống chậm ở quầy sách miễn phí giữa Thủ đô, lan tỏa văn hóa đọc

Một góc phòng đọc miễn phí của bà Dung.

Sau khi về hưu, công việc đỡ bận rộn hơn, hằng ngày bà đều được cấp phát một tờ báo Hà Nội Mới để đọc. Chia sẻ lý do mở quầy sách miễn phí, bà Dung cho biết, mới đầu, quầy sách của bà chỉ có một tấm biển gỗ ghi chữ “Mời nhân dân đọc báo”, một tờ báo Hà Nội Mới và một số sách, tài liệu về sức khỏe, tín ngưỡng đặt trên hàng rào.

Về sau, thấy có đông người đi thể dục ghé qua đọc, bà mua thêm một số tờ báo khác để mọi người đọc cho đỡ nhàm chán. Dần dần, nhiều người dừng lại đọc, bà đã quyết định trích lương hưu mua thêm sách, báo dựng lên quầy sách như hiện nay.

Quầy sách miễn phí bà Dung, nơi văn hóa đọc được lan tỏa

Hiểu được việc làm ý nghĩa, con cháu cùng bà sắp xếp, dọn dẹp quầy sách mỗi ngày. Nhờ đó, quầy sách báo miễn phí của bà Dung được mở cửa từ 7h đến 23h. Cạnh tấm biển đơn sơ được bà viết bằng tay: “Kính mời nhân dân đọc sách – báo miễn phí” là hàng trăm đầu sách, báo được sắp xếp trên giá, tủ để mọi người có thể thoải mái lựa chọn cho mình những cuốn sách.

Những loại sách, báo ở đây đều được bà Dung phân loại ra thành từng lĩnh vực khác nhau: Báo, sách ngoại ngữ, triết học, sách giáo khoa, truyện thiếu nhi và cả những cuốn sách cổ xưa…

Quầy sách nằm ngay cạnh di tích lịch sử Gò Đống Đa, nay được coi như một nét văn hóa mới ở khu vực để mọi người chia sẻ với nhau nhiều hơn về tri thức văn hóa. Độc giả đến đây với đủ lứa tuổi khác nhau, từ người già, trẻ nhỏ hay những bạn học sinh.

Ông Vũ Thùy (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Ngày nào tôi cũng ghé qua đây đọc và tôi thấy đây là một mô hình rất hay. Giờ đây, văn hóa đọc đã bị mai một nhiều do công nghệ, mạng Internet phát triển, nhiều người không thích đọc sách nữa. Muốn khôi phục lại thì cần phải có những nơi đọc sách tiện ích như thế này, vì không phải ai cũng có điều kiện đến những thư viện trung tâm trong nội đô…”.

Một ngày sống chậm ở quầy sách miễn phí giữa Thủ đô, lan tỏa văn hóa đọc (Hình 2).

Ông Thùy chăm chú đọc báo tại quầy sách báo bà Dung.

Rất nhiều người khác như ông Thùy ở đây đều có chung niềm vui khi đọc sách tại quầy sách của bà Dung. Họ yêu mến, nên người góp một, thậm chí cả hàng chục cuốn sách, người ủng hộ cái tủ, bình nước… Cùng với đó, bà còn xếp thêm ghế nhựa, mang cả ô ra che để mọi người đọc báo đỡ bị nắng, mưa. Vì thế, khi đến đây ai cũng thoải mái đọc sách và thêm yêu mến bà Dung.

Em Nguyễn Hoàng – học sinh trường THCS Quang Trung, mỗi giờ tan học đều ghé qua để tìm đọc cuốn truyện yêu thích của mình. “Em rất thích đọc truyện ở đây vì còn được bà Dung kể về lịch sử đất nước. Em sẽ rủ thêm các bạn tới đây để đọc thêm được nhiều sách hơn”, Hoàng nói.

Với tình cảm, sự yêu mến dành cho những cuốn sách tại quầy sách, bà Dung lại có thêm động lực để sưu tầm sách báo, mang kiến thức trong trang sách đến với nhiều người. Bà nói: “Sách vở vẫn luôn là nguồn kiến thức quý giá mà chúng ta cần đọc và hiểu hơn giá trị văn hóa đọc ngày nay”.

Khác với sự tấp nập dòng người qua lại trên phố Đặng Tiến Đông, người ta ấn tượng về một không gian yên bình - nơi mọi người đang chăm chú đọc sách và là nơi bà Dung gom góp tri thức, tiếp tục truyền cảm hứng, lan tỏa văn hóa đọc cho tất cả mọi người.

Phạm Huế

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.