Một ngày 'sống quân lệnh' ở đồn biên phòng

Một ngày 'sống quân lệnh' ở đồn biên phòng

Thứ 4, 22/05/2013 14:48

Công việc tuần tra biên giới, bảo vệ biên cương đặt lên vai người lính biên phòng những trọng trách nặng nề. Hơn nữa, cuộc sống vất vả của miền biên viễn xa xôi đã mặc định các anh sống cho chữ "hy sinh" nhiều hơn là lẽ sống cho riêng mình.

Quân lệnh là số một

Giữa núi rừng Tây Bắc hoang vu và đầy nguy hiểm, hình ảnh những người lính biên phòng trở nên vô cùng thân thuộc và đáng kính. Vì bình yên của Tổ quốc, vì cuộc sống ấm no của dân bản, các anh không những là cán bộ, là chiến sĩ, mà còn là người thân, là người hàng xóm chia ngọt sẻ bùi với bà con các dân tộc vùng biên. Thế nhưng, bên cạnh hình ảnh cao quý, oai nghiêm của người lính biên cương làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc lại là những con người bình dị, đẹp từ những hành động rất đỗi đời thường.

Trong chuyến hành trình Tây Bắc dài ngày của mình, tôi đã có dịp dừng chân ở các đồn biên phòng. Không hẹn trước, không mục đích, thế nhưng mỗi lúc dừng chân ở đồn là một lần tôi cảm động trước sự đón tiếp nồng hậu, chân tình của các anh. Dù ngày nắng hay ngày mưa, ngày đẹp trời hay ngày giông bão, các anh đều sống với quân lệnh, nghỉ ngơi trên quân lệnh và yêu cũng tuân thủ những nguyên tắc thuộc về bí mật quốc gia: Cái gì được phép thì nói, cái gì không được phép, dù là vợ con hay người yêu có giận dỗi cũng tuyệt đối không tiết lộ. Đồn là nhà, biên giới là quê hương, bởi thế có những việc, vì nhiệm vụ, các anh kiên quyết giữ mình, không bao giờ buông thả bản thân mình hay lơ là trước nhiệm vụ.

Vì trận mưa đêm hôm trước quá to khiến con đường vắt ngang lưng núi bị sạt lở nghiêm trọng. Đó là cái cớ giữ chân chúng tôi tại đồn biên phòng Mù Cả (Mường Tè, Lai Châu). Là con đường độc đạo từ phía xã Mường Tè qua Mù Cả, rồi thông sang huyện Mường Nhé, vậy nên khi sạt lở, mọi giao thông trên tuyến đường này đều bị ngưng trệ. Xe xuôi, xe ngược đều phải gửi xe lại bên sườn sạt lở, đi bộ qua bên kia chỗ sạt lở rồi mượn xe máy để đi tiếp. Họa hoằn lắm mới có người dân đi xe máy. Hầu hết mọi người đi bộ, vừa lên rừng kiếm măng, kiếm củi, vừa là tránh trường hợp sạt lở núi không thể dong xe qua được. Lâu nay, cứ mỗi khi đất núi sạt lở, đường không thông là lại diễn ra một viễn cảnh mà theo chúng tôi, chỉ có ở vùng cao: Xe máy để dưới chân núi có khi cả tuần liền không có tình trạng mất cắp.

Xã hội - Một ngày 'sống quân lệnh' ở đồn biên phòng

PV trong một ngày “sống quân lệnh” ở đồn biên phòng

Buổi sáng, khi sương còn phủ mờ lên các sườn núi, theo một thói quen, sau hiệu lệnh còi lúc 5h, tất cả các chiến sĩ trong đồn đều bật dậy, tập bài thể dục buổi sáng "rèn luyện sức khỏe, bảo vệ Tổ quốc". Dù đôi mắt còn díp lại sau mấy ngày đi đường dài mệt mỏi, tôi cũng cố lóp ngóp bò dậy để tận mắt mục sở thị cái gọi là quân lệnh mà lâu nay mình vẫn nghe đồn là nghiêm khắc lắm. Trong sương mờ, và cái gió lạnh buốt của vùng cao, các chiến sĩ xếp hàng dọc, đều đặn tập những bài tập nghiêm túc, đẹp mắt.

Những phút giây đời thường

Mọi sinh hoạt thường nhật đều tự tay các chiến sĩ phải làm. Từ việc bếp núc đến khâu vá. Bữa cơm của các anh nuôi trên đồn hầu hết được chế biến từ các thực phẩm của nhà làm ra: Lợn nuôi, rau trồng, cá thả. Cũng có những khi trên đường đi tuần về, hứng thú xuống khe suối tắm, bắt con cá suối hay săn được con lợn lòi làm bữa cải thiện. Đa số các đồn gần biên, đi chợ huyện thì xa, mà thậm chí ra chợ xã cũng là cả một chặng đường dài khó khăn. Bởi thế, của nhà làm ra là ngon nhất.

Anh Hoàng Minh Dẫn, chính trị viên đồn 315 (Mù Cả) chia sẻ: "Bình thường rất ít khi quân số tại đồn đủ 100% vì các chiến sĩ hàng ngày thay phiên nhau đi tuần dọc địa bàn biên giới đồn quản lí. Thường mỗi lần đi tuần như thế kéo dài 2, 3 ngày. Thậm chí, có những nhóm đi tuần ở địa bàn xa thì đi cả tuần mới về. Với mỗi người lính biên phòng như chúng tôi, điều đó không chỉ là nhiệm vụ mà còn là niềm tự hào vì bản thân đã góp sức phần nhỏ bé gìn giữ vùng biên cương Tổ quốc".

Một ngày khác, khi dừng chân tại đồn A Pa Chải, tôi thật sự ngạc nhiên khi thấy xung quanh đồn là một màu xanh bao phủ. Không phải là màu xanh của cây rừng thuần túy mà nó là màu xanh của lúa nương đang độ trổ đòng, là màu xanh của những luống rau trải dài tưởng bất tận…Tất cả đều là mồ hôi, là công sức của các anh.

Ngoài những giờ làm việc tuần tra nghiêm túc là những giây phút nghỉ ngơi vui vẻ nhất. Chiến sĩ Thắng, đồn A Pa Chải chia sẻ: "Ngày xưa ở nhà đâu biết nấu cơm, rửa bát nhặt rau là gì? Huống hồ là tự trồng rau, chăn gà như bây giờ. Nhà tôi mang tiếng ở quê nhưng nhà đông con gái nên hầu như không phải nhúng tay vào mấy việc nữ công gia chánh. Vậy mà làm lính đồn một năm, tôi đã thông thạo hết mọi việc. Bây giờ mỗi lần về phép, thấy tôi xăm xăm tưới nước cho vườn rau hay là vào bếp trổ tài nấu nướng là bố mẹ tôi vui lắm. Quân đội đã giúp tôi trưởng thành. Đời lính đồn càng giúp tôi có nghị lực đối mặt với mọi khó khăn trong cuộc sống".

Nhiều chiến sĩ khi viết thư về nhà tâm sự về cuộc sống sinh hoạt ở đồn đều gây sự ngạc nhiên cho gia đình, bạn bè. Có khi ở nhà là công tử, là con một được chiều chuộng nâng niu, nhưng khi đã làm lính đồn thì mọi việc phải tự khắc phục mà làm cho bằng tốt. Người nọ nhìn người kia mà phấn đấu, chút sĩ diện trong con người không cho phép các chiến sĩ ỷ lại vào người khác hay là thua kém về mặt kỷ cương phép tắc.

Những buổi chiều tập thể thao ở sân đồn, những lúc vào bản giúp dân lợp mái nhà, vận động các em nhỏ đến trường học chữ, hay những buổi tối cầm cây ghi ta, cùng hát những bài ca về người lính là những giây phút nghỉ ngơi thoải mái nhất. Để sau đó, mỗi ngày các anh lại vững tay súng làm nhiệm vụ bảo vệ biên cương.

Hy sinh tất cả vì nhiệm vụ

Nghe câu chuyện của chiến sĩ Bính (SN 1990), một chiến sĩ trẻ của đồn 317 A Pa Chải, mới hiểu vì sao nước Việt Nam ta nhỏ bé mà chiến thắng biết bao kẻ thù xâm lược dù kẻ thù ấy có mạnh đến đâu. Bính kể: "Có lần, người yêu em gọi điện đúng vào giờ em đang đi tuần tra biên giới, không nghe điện thoại được mà cô ấy giận cả tuần. Nhưng mãi sau này em được về phép, giải thích, cô ấy mới hiểu và thông cảm cho em".

Thu Dương                                         

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.