Trong những ngày thâm nhập tại các bệnh viện lớn tại TP.HCM, PV đã phát hiện nhiều điều “chướng tai gai mắt”. Điển hình tại bệnh viện Từ Dũ (quận 1, TP.HCM), vào giờ trưa, lực lượng bán cơm hộp, vé số, các loại hàng rong khác… hoạt động hết sức nhộp nhịp.
Vào ngày 20/2, PV có mặt tại khu M của bệnh viện này thì phát hiện 2 phụ nữ trạc tuổi trung niên, “tay xách nách mang” rao “ai ăn cơm không?”. Theo đó, những người này mang cơm từ ngoài vào bán cho bệnh nhân và thân nhân của họ. Nhiều người, đặc biệt là phụ nữ mang thai đi lại khó khăn, thang máy đông đúc, chờ đợi lâu… nên đã phải mua cơm của những người này.
“Tôi đi khám từ sáng sớm, người lại mệt mỏi nên chỉ muốn ngồi một chỗ thôi. Chờ đến trưa đói quá phải mua hộp cơm này ăn, giá là 35.000 đồng. Cơm rất khó ăn, vừa nguội, vừa khô, gạo dở nhưng lỡ mua rồi cũng ráng nhai, nuốt, chứ biết làm sao”, chị Trần Hạ Vy, từ TP. Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long) lên khám cho biết.
Điều đáng nói, các loại cơm hộp này rất nguy hiểm, không được kiểm định an toàn vệ sinh thực phẩm. Do vậy, các loại thực phẩm này sẽ đe doạ sức khoẻ cho người bệnh, đặc biệt là phụ nữ mang thai. Ngoài cơm hộp, trứng gà, trứng cút, các loại trái cây chế biến sẵn… cũng được chào bán tràn lan trong bệnh viện Từ Dũ.
Tương tự tại bệnh viện Bình Dân, Chợ Rẫy… số đối tượng tràn vào bán vé số, hàng rong, hàng dạo… diễn ra phổ biến. Hễ chỗ nào vắng bóng bảo vệ là các đối tượng này hoạt động, thậm chí còn rao rất lớn.
Đặc biệt, tình trạng người bán hàng rong, hàng dạo trong bệnh viện diễn ra nhiều nhất phải kể đến là tại bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình. Tại đây, tình trạng này diễn ra hàng ngày và có rất đông “đội quân” bán dạo, hàng rong cùng hoạt động.
Ngày 20/2, tại bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, PV ghi nhận 2 phụ nữ trạc tuổi trung niên đi từ phòng này sang phòng khác hết sức ngang nhiên, trước sự chứng kiến của hộ lý, điều dưỡng, bác sĩ.
Họ vừa đi vừa rao “gội đầu, massage không?”. Khi đến phòng bệnh 343, khoa Chi trên, có một người đồng ý gội đầu, thế là 2 người phụ nữ bắt tay vào công việc của mình.
Nhiều người chứng kiến cảnh này hết sức bức xúc. Ông Nguyễn Văn Năm, người đi nuôi bệnh nhân từ tỉnh Bến Tre cho biết: “Bệnh viện chứ có phải là nơi cắt tóc, gội đầu đâu. Với lại, phòng bệnh thì chật chội, người bệnh hết sức bức bối. Thêm vào đó, do không có giường, bệnh nhân phải nằm ghế bố xếp chèn giữa phòng, hành lang… đã thế lại còn gội đầu nữa, đúng là xô bồ hết sức”.
Ngoài gội đầu, massage, trong khuôn viên bệnh vện Chấn thương Chỉnh hình còn diễn ra tình trạng vé số dạo, hàng rong, sách tử vi… hết sức phức tạp.
Từ những người bán hàng dạo, hàng rong, vé số… hiện diện trong bệnh viện đang dẫn tới nhiều hệ luỵ. Một trong số đó là gia tăng thêm tình hình trộm cắp, móc túi vẫn diễn ra thường xuyên bấy lâu nay.
Ông Nguyễn Công Thanh, phụ trách Đội bảo vệ bệnh viện Bình Dân cho biết: “Nhiều đối tượng “lang thang tìm cơ hội” tại bệnh viện Bình Dân, chúng tôi đều có thể nắm được, biết mặt. Tuy nhiên, để “cất vó” thì không dễ chút nào. Chiêu thức hoạt động của các đối tượng này là tìm cách qua mặt bảo vệ để lọt vào phía trong. Khu vực nào không có bảo vệ, họ sẽ hoạt động”.
Ông Huỳnh Ngọc Thành, Đội trưởng Đội bảo vệ bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM cũng cho biết: “Ví như, họ đóng giả thành người bán hàng rong, vé số, gội đầu… và nhiều người trong số đó tìm cách dàn cảnh móc túi, trộm cắp tài sản”.
Một cán bộ điều tra Công an TP.HCM cho hay: “Chúng sẵn sàng bỏ ra mấy chục ngàn để mua vé số hoặc các loại hàng hoá khác, thậm chí là cả sổ, đóng tiền khám và không quên cầm theo phim chụp, phiếu xét nghiệm lượm lặt đâu đó… để đánh lạc hướng sự chú ý. Điều này gây ra rất nhiều khó khăn cho những người làm nhiệm vụ, kể cả lực lượng công an”.
Tình hình trộm cắp, móc túi tại các bệnh viện hết sức phức tạp Thiếu tá Nguyễn Minh Phong, Phòng Cảnh sát Điều tra Tội phạm về trật tự xã hội, Công an TP.HCM nhận định: “Thời gian gần đây, tình hình an ninh trật tự xã hội tại một số cơ sở khám chữa bệnh diễn biến khá phức tạp. Đặc biệt là hoạt động của một số đối tượng tội phạm trà trộn vào cơ sở khám chữa bệnh để lấy cắp tài sản, tiền bạc, giả danh bác sĩ để lừa bệnh nhân… Thủ đoạn trộm cắp của các đối tượng ngày càng tinh vi và chuyên nghiệp. Chúng lợi dụng những nơi đông người như chờ lấy số khám bệnh, chờ thanh toán viện phí… sơ hở là ra tay lấy cắp”. |
Thanh Tùng