Thầy Tào chốn thâm sơn cùng cốc
Khoảng một năm trở lại đây, tại chốn thâm sơn cùng cốc khu vực Thác Bản Giốc hùng vĩ của xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng bỗng nổi lên một thầy Tào mà hễ nhắc đến thì ai ai cũng biết tiếng và nể trọng. Đó là chàng thanh niên La Ích Tỏa, SN 1988, người địa phương.
Thầy Tào Tỏa ngoài việc giữ chức vụ rất quan trọng trong cuộc sống tín ngưỡng của người dân nơi đây, còn nức danh bởi tuổi đời còn rất trẻ. Thầy được xem là trẻ nhất trong những thầy Tào đồng bào các dân tộc thiểu số.
Không khó để tìm đến căn nhà một tầng đơn sơ của vợ chồng thầy Tào Tỏa giữa những vạt rừng xanh thẳm, bởi sự giúp đỡ tận tình của người dân nơi đây. Họ dẫn chúng tôi đến tận cửa nhà, leo lên từng bậc thang gỗ rồi nói bằng giọng điệu vô cùng kính cẩn: "Thầy Tỏa có nhà đấy, mời các anh vào gặp".
Trái với hình dung của chúng tôi về các thầy mo, thầy tào là những người già dặn với khuôn mặt có phần huyền bí và khó tiếp cận, thầy La Ích Tỏa lại sở hữu gương mặt rất trẻ trung, trông có phần điển trai, phong thái điềm tĩnh.
Thầy Tỏa (thứ 3 từ trái sang) trong buổi lễ cấp sắc.
"Tôi cũng sắp đi làm đầy tháng tại một gia đình vừa sinh quý tử, các anh có thể đi theo". Nói xong, thầy Tỏa thu xếp đồ nghề gồm áo thầy cúng, sách vở, cùng một số nhạc cụ chuyên biệt, chiêng, trống... và giục chúng tôi khăn gói lên đường.
Quãng đường từ nhà thầy Tào đến gia đình làm lễ khá xa, gập ghềnh đất đá và buộc phải đi bộ. Vừa đi, thầy Tỏa vừa chia sẻ: "Học xong phổ thông tôi quyết định theo học làm thầy Tào. Ban đầu việc học rất khó khăn vì đòi hỏi nhiều kiến thức cổ khó hiểu nhưng rồi tôi cũng cố gắng vượt qua. Từ lúc ra nghề đến nay, tổng cộng tôi đã đi được khoảng 500 đám, trong đó có đủ từ những đám ma, cúng giỗ, giải hạn...".
Theo lời chia sẻ của thầy Tào Toả, trước đây, thầy mo, thầy tào là những người có tiếng nói và địa vị trong xã hội cũng như trong cuộc sống tinh thần của người Tày, Nùng. Thầy Tào là người ở đẳng cấp cao nhất vì theo dân gian quan niệm, thầy Tào là những người có khả năng liên hệ với thế giới thần linh và người chết, là cầu nối của hai thế giới âm và dương. Công việc chính và quan trọng bậc nhất của thầy Tào là đưa linh hồn người chết về nơi yên nghỉ cuối cùng, và cũng chỉ có thầy Tào mới được tin tưởng giao phó trọng trách này.
Sở dĩ Tỏa quyết định theo nghề thầy Tào là vì khi những thầy Tào khác trong vùng đã bước sang tuổi xế chiều, lui về "quy ẩn" thì giới trẻ hiện nay lại rất ít người "dám" theo cái nghề mà ngày đêm gần gũi người chết. Do vậy, số thầy Tào hiện nay ngày càng hiếm đi trông thấy, cả vùng chỉ đếm được trên đầu ngón tay, người trẻ theo nghề như thầy Tỏa lại càng là trường hợp duy nhất.
Sau quãng đường khoảng 3 cây số, chúng tôi tới một gia đình cùng trong huyện Trùng Khánh, mọi ánh mắt trong nhà đều ngạc nhiên đổ dồn về phía chúng tôi khi thầy Tào bước vào. Mọi sự tiếp đón trang trọng nhất đều được dành cho thầy, vì trong buổi lễ, thầy chính là nhân vật quan trọng nhất.
Buổi lễ được thầy Tào làm từ 10h đêm tới 10h giờ sáng hôm sau. Trước bàn thờ là những bát gạo cắm những nén nhang đang nghi ngút khói, cạnh đó rất nhiều lễ vật như thủ lợn, gà luộc, xôi... thầy ngồi chính giữa đối diện bàn thờ và cầu khấn điều gì đó suốt cả đêm. Từng dòng chữ Tào (chữ Nho được cải biên) được thầy Tỏa viết gọn gàng, sạch sẽ rồi treo trên bàn thờ để làm lễ. Rất đông những người già đứng chụm lại nghe thầy.
"Đây gọi là lễ đầy tháng nên công việc cũng khá đơn giản, thủ tục chính là thông báo với tổ tiên về tin vui này, sau đó cầu cho đứa bé được khỏe mạnh, an lành cũng như gia đình hạnh phúc chứ không cầu kỳ như những đám ma, giải hạn...".
Thầy Tào trẻ nhất được "cấp phép"
Xong buổi lễ, trên đường về nhà, thầy Tỏa tâm sự với chúng tôi về cái "nghiệp" mình đang theo đuổi. Theo lời thầy Tỏa, thầy sinh ra tại làng Keo Hiến, bên bờ sông Quây Sơn, nơi thượng nguồn đổ ra con Thác Bản Giốc hùng vĩ. Từ nhỏ, cậu bé Tỏa cũng theo học bình thường như bao bạn bè cùng lứa nhưng đúng năm vừa rời phổ thông thì anh bị một trận ốm nặng, mất hơn một năm để chữa bệnh khiến ước nguyện vào đại học bị gác lại. Kể đến đó Toả cười hiền từ: "Có lẽ đó cũng là số phận của cuộc đời tôi".
Nghĩ "số trời" đã không cho mình theo con đường học, thời gian chữa bệnh, Tỏa thấy những dòng chữ Nho trên bàn thờ đẹp mà hay nên tập viết và bắt đầu thấy mê dần. Ngay khi mới khỏi bệnh Tỏa liền khăn gói sang nhà thầy Thường, một thầy mo nổi tiếng ở xóm Bo Thốc, xã Đình Phong, huyện Trùng Khánh, để xin làm học trò.
Quyết định đường đột này khiến cả gia đình phản đối dữ dội nhưng vì đam mê nên anh vẫn quyết tâm theo đuổi. Do đường sá đi lại cách trở nên thầy Thường đã tạo điều kiện cho Tỏa ở luôn lại nhà để vừa tiện học tập, truyền nghề vừa truyền kinh nghiệm.
"Những ngày đầu thầy cho nhận mặt chữ, rồi viết chữ. Khi đã thành thạo thì tôi được đi theo để học hỏi kinh nghiệm. Suốt 5 năm ròng rã, hai thầy trò đã rong ruổi khắp vùng từ trong huyện ra các tỉnh, thậm chí sang cả bên Trung Quốc, cứ ở đâu có đám, cúng, có người mời đến là đi. Làm nghề này cũng bận rộn theo mùa, bận nhất là đầu năm với cuối năm vì có nhiều lễ hội và nhiều đợt giải hạn", thầy Tào Tỏa nhớ lại.
Cảm thấy trò mình đã thuần thục, cứng cáp, đầu năm 2012, thầy Thường đã chính thức làm lễ cấp sắc cho La Ích Tỏa khi anh mới vừa 23 tuổi. Buổi lễ cấp "giấy phép hành nghề" cho Tỏa gồm một thầy chính là thầy Thường và hai thầy phụ cùng nhiều thầy mo, bụt khác, tất cả là 17 người. Dân chúng khu vực xung quanh tràn ra xem đông kín đường.
Gương mặt trẻ trung của thầy Tào Tỏa.
Không được tham vọng và mưu cầu quá độ
Thầy Tỏa cũng cho biết thêm, để làm nghề này phải là những người có công đức cao, xuất thân trong gia đình truyền thống và tính tình trầm lắng, hiền từ, không được tham vọng và mưu cầu quá độ, hoặc đố kỵ với người khác, nhờ vậy những thầy Tào đều hưởng thọ cao.
Nhờ khả năng bói toán, xem số, giải hạn, làm đám ma chay... nên các thầy Tào rất được người dân trọng dụng. "Chính vì điều đó, những người làm nghề thày Tào trước khi quyết định bước vào nghề đều phải tự răn mình sống vô tư, không đòi hỏi tiền bạc, không phân biệt giàu nghèo, hễ ai cần đến lại lên đường ngay không chần chừ", thầy Tào Tỏa tâm sự.
Tiễn chúng tôi ra về, anh Tào Tỏa cầm chặt tay chúng tôi, lắng giọng: "Ở đâu cũng có người tốt, người xấu chú à, mình đi làm việc thiện, việc tốt nhưng có những hôm trở về từ vùng rừng sâu núi thẳm, tối về nôn thốc nôn tháo, chân tay thì bủn rủn, cổ họng đau rát không nói nên lời. Lúc đó mới biết mình bị trúng độc, nhờ một số bài thuốc và kinh nghiệm của ông bà để lại nên cũng đã chữa khỏi được. Nhưng không vì thế mình nản với nghề, vẫn luôn vững tin và cảm thấy thực sự hạnh phúc khi nhìn thấy bà con tin yêu mình".
Thầy Tào không phải là thần thánh Những người làm nghề thầy Tào được dân gian miền núi phía Bắc gọi là hiện tượng "thao théc", được hiểu là trời nứt ra, có một thế lực siêu nhiên truyền xuống, đó là căn nguyên buộc người đó phải theo nghề này. Nhưng theo từ điển tiếng dân tộc cổ, "thao théc" ý chỉ những ông, bà Bụt thực sự, những người bỗng nhiên bị "nhập thần" và trở thành Bụt. Khi họ hành lễ, chỉ cần thắp hương lên, rồi xuất thần chứ không cần tới sổ sách như thầy Tào. |
Long Nguyễn - Xuân Thái