Nước đi này đã bị một phát ngôn viên của chính phủ Israel nhận định là “đáng khinh”, sẽ có rất ít ảnh hưởng tới Gaza hay Bờ Tây. Bị dồn ép bởi Israel, Chính quyền Dân tộc Palestine (PA) tại Bờ Tây thậm chí không trả lương được cho các công chức của mình.
Tuy nhiên quyết định lần này được đưa ra theo sau một loạt các vấn đề khác cho Israel, từ cảnh báo của Washington về việc sẽ ngừng viện trợ vũ khí nếu cuộc chiến tiếp diễn tại Gaza và áp đặt lệnh trừng phạt lên những người định cư có hành động vũ lực cho tới những cáo buộc diệt chủng tại Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) và lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu từ tòa án này.
Ông Netanyahu từ lâu đã phản đối giải pháp hai nhà nước và sự phản đối này đã càng quyết liệt hơn kể từ khi ông nhậm chức cùng với một liên hiệp các đảng chủ nghĩa dân tộc tôn giáo cực hữu vào cuối năm 2022.
Chính phủ này đã liên tục nghi ngờ PA, một chính quyền được thành lập ba thập kỷ trước dưới hiệp định hòa bình tạm thời Oslo, cáo buộc chính quyền này đã có hàng loạt các hành vi gây hấn như ủng hộ gia đình những tay súng mà lực lượng Israel tiêu diệt hay ủng hộ bài trừ Do Thái trong sách giáo khoa.
Ông Netanyahu đã nhận định quyết định từ ba quốc gia trên là “phần thưởng cho hành vi khủng bố”, và khẳng định nhà nước Palestine sẽ “cố gắng lặp lại vụ thảm sát ngày 7/10”.
Bình luận này đã thể hiện rõ mức độ cay nghiệt của tình hình chính trị xung quanh cuộc chiến tại Gaza và mức độ xa vời của viễn cảnh về một thỏa thuận chính trị dựa trên phương châm nhà nước Palestine tồn tại song song Israel, và những đàm phán hòa bình dường như đã hoàn toàn bị hủy bỏ.
Bên cạnh triệu hồi đại sứ từ Oslo, Madrid và Dublin, bộ ngoại giao Israel cũng đã triệu tập đại sứ Na Uy, Ireland và Tây Ban Nha tại Israel tới chứng kiến video về vụ tấn công tại Israel vào ngày 7/10.
Laura Blumenfeld, một nhà phân tích Trung Đông tại Đại học John Hopkins về Nghiên cứu Quốc tế Cấp cao tại Washington, cho biết quyết định của ba nước này “là một nước đi táo bạo nhưng cũng thiếu cân nhắc và không mang tính xây dựng”.
“Đối với dư luận Israel, quyết định này sẽ đẩy mạnh sự lo ngại, củng cố quan điểm cho rằng Israel đã bị bỏ rơi của ông Netanyahu. Đối với dư luận Palestine, quyết định này tạo nên kỳ vọng cho họ mà không đề ra được một con đường hướng tới giấc mơ tự trị hợp pháp của họ”.
Cái giá về lâu dài
Đối với Netanyahu, sau khi đã gặp nhiều khó khăn trong việc giữ vững một chính phủ liên hiệp rạn nứt và đối mặt với những cáo buộc trách nhiệm về thảm họa ngày 7/10, tuyên bố của ba nước trong ngày thứ Tư có thể đã phần nào cải thiện tình hình cho ông, củng cố hình ảnh một cá nhân giữ vững lập trường trước thế giới cay nghiệt.
Yonatan Freeman, một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Do Thái tại Jerusalem, cho biết: “Tiến triển này thực sự củng cố cho những khẳng định mà chúng ta đã chứng kiến từ những ngày đầu cuộc chiến về việc chúng ta chỉ có thể phụ thuộc vào chính bản thân. Và tôi tin rằng quyết định này thậm chí có thể sẽ ủng hộ cho những lời giải thích và mô tả về những hành động của chính phủ Israel trong cuộc chiến tại Gaza”.
Tuy nhiên, đối với Israel, cái giá mà quốc gia này phải đối mặt khi ngăn chặn những quyết định hướng tới công nhận nhà nước Palestine có thể sẽ lớn hơn nhiều, và cái giá đầu tiên có thể là việc mất đi mục tiêu bình thường hóa quan hệ với Ả Rập Saudi, mục tiêu chính sách ngoại giao hàng đầu của ông Netanyahu trước khi vụ việc ngày 7/10 xảy ra.
Trước một ủy ban của Thượng viện Mỹ vào ngày thứ Ba, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã cho biết để có thể có được một thỏa thuận với Ả Rập Saudi, cần phải xoa dịu tình hình tại Gaza và đề ra “một con đường rõ ràng” hướng tới mục tiêu công nhận nhà nước Palestine.
“Và nhìn chung… trong thời điểm này, Israel không thể hoặc không muốn đi theo con đường đó”.
Đối với dư luận Israel, hình ảnh cuộc tấn công ngày 7/10 khi những tay súng càn quét qua những cộng đồng ven Dải Gaza, khiến 1.200 người thiệt mạng và 250 người bị bắt làm con tin, vẫn là một hình ảnh vô cùng đau thương.
Nhưng bên ngoài Israel, hình ảnh những đau thương tại Gaza, nơi chiến dịch không ngừng nghỉ của Israel đã khiến hơn 35.000 người Palestine thiệt mạng và san bằng phần lớn khu nội phận này, đã châm ngòi cho một phong trào biểu tình tại khuôn viên các trường đại học tại Mỹ và trên đường phố các thành phố châu Âu.
Đối với chính quyền Mỹ cũng như những chính phủ khác như Đức, những chính quyền đã từng ủng hộ Israel, những cuộc biểu tình này đã gây ra cái giá về chính trị ngày càng nặng nề cho họ.
Cả hai nước đều khẳng định việc công nhận nhà nước Palestine phải là kết quả thương lượng thay vì là quyết định đơn phương, và những quốc gia châu Âu khác như Pháp, Anh cũng đã từ chối tham gia nhóm ba nước trên trong quyết định công nhận nhà nước Palestine.
Nhưng theo Alon Liel, cựu lãnh đạo bộ ngoại giao Israel và là nhà phê bình chính quyền Netanyahu, việc các nước đơn lẻ công nhận nhà nước Palestine không quan trọng bằng bối cảnh rộng hơn, bao gồm những cáo buộc nhằm vào Israel và những lãnh đạo của chính quyền này tại tòa án quốc tế tại Hague.
“Nếu quyết định lần này được coi là một phần trong những quyết định đang tạo đà cho những quyết định trong tương lai và là một phần trong những quyết định của ICC, ICJ, lệnh trừng phạt người định cư và những quyết định khác, chúng hoàn toàn có khả năng có thể khiến cho Israel nhận ra rằng có tồn tại một thế giới bên ngoài Israel”.
Nguyễn Quang Minh (theo Reuters)