Đã bao năm rồi tôi chưa trở lại Huế xưa, với sông Hương, núi Ngự ẩn hiện qua những bài dân ca lay động lòng người. Trong chuyến hành trình ra Tòa án tỉnh Quảng Trị chuẩn bị tham gia một phiên tòa hình sự, tôi phải quá giang qua sân bay Huế, rồi mới dự tính đi ôtô ra Đông Hà. Dù chỉ thoảng qua, trong một buổi chiều muộn, tôi thật nặng lòng khi nghĩ về một phận người đang đứng trước cơn biến động lớn…
Người mà tôi nhận trách nhiệm bào chữa tại phiên tòa sắp diễn ra là một giám đốc doanh nghiệp được giao làm chủ đầu tư Dự án nhà máy gỗ ván ép MDF-Quảng Trị thuộc Tổng Công ty Xây dựng Miền Trung với công suất 30.000m3 sản phẩm/năm. Dự án gồm 25 gói thầu khởi công tháng 8.2001, đến tháng 9.2005 thì hoàn thành đưa vào sử dụng, được quyết toán vào năm 2006 và sau này được chuyển giao cho một công ty thuộc Tập đoàn Caosu Việt Nam. Đã hơn mười năm lăn lộn trên công trường thi công, khi dự án đi vào hoạt động hiệu quả, hiện nay là một trong những doanh nghiệp chủ lực trong ngành công nghiệp tỉnh Quảng Trị, thì những người trong ban lãnh đạo nay đang phải đối diện về trách nhiệm hình sự đối với một số hành vi bị quy buộc là cố ý làm trái, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Luật sư Phan Trung Hoài trong một phiên xử. Ảnh: Tuổi trẻ
Sau khi kết thúc điều tra, nén những cơn đau bất ngờ bộc phát trong người, biết bao đêm ông âm thầm viết những lá đơn kêu oan để giải trình những nguyên nhân khách quan và chủ quan, bối cảnh xảy ra các hành vi bị coi là tội phạm. Nhiều nội dung quy buộc liên quan đến việc lập dự án, tổ chức đấu thầu, đàm phán, ký hợp đồng gói thầu 01, duyệt chi nguồn tiền chi phí khác của dự án, đấu thầu thanh quyết toán gói thầu 8A, cũng như việc thanh toán tiền san ủi mặt bằng, điện, nước phục vụ thi công và lập hồ sơ quyết toán bằng nguồn tiền hỗ trợ của UBND tỉnh và vốn đầu tư dự án… Tuy nhiên, ngoại trừ việc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự liên quan vụ việc chuyển đổi đồng ngoại tệ và giảm bớt thiết bị khi ký kết hợp đồng và thanh toán gói thầu 01, gần như các hành vi khác vẫn bị giữ nguyên trong cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.
Đứng trước quy buộc về các tội danh nêu trên, bản thân ông cùng các cộng sự và những người liên quan có nhiều trăn trở, lo lắng vì nhiều nội dung chưa được làm rõ, nhất là cơ sở giám định thiệt hại chưa bảo đảm căn cứ pháp lý. Liên quan vụ án này, tiến trình tố tụng đã kéo dài từ năm 2008 đến nay, bản thân ông đã bị tạm giam hơn mười tám tháng, sau khi được tại ngoại, ông bị bệnh nặng - một loại bệnh liên quan đến máu, nổi hạch ở cổ, nách và bẹn, nay đang lan ra nhiều bộ phận trong cơ thể. Ngay sau khi gặp tôi tại thành phố Hồ Chí Minh để trao đổi về những công việc cần chuẩn bị sau khi nhận được cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, trở về Đông Hà vào giữa tháng 6.2012, ông bất ngờ trở bệnh nặng, phải đi cấp cứu tại khoa Ung bướu – Bệnh viện Trung ương Huế.
Theo hồ sơ bệnh án và kết quả chẩn đoán xác định, ông bị bệnh “bạch cầu kinh dòng lympho” (đây là một loại bệnh ung thư hệ bạch huyết, xảy ra khi có sự sai lệch trong quá trình hình thành tế bào lympho). Biên bản giám định khả năng lao động ngày 20.8.2012 của Hội đồng Giám định y khoa tỉnh Quảng Trị kết luận, tỉ lệ mất sức lao động của ông là 81% theo văn bản quy định tiêu chuẩn mất sức lao động do bệnh tật ban hành theo thông tư liên bộ số 12/TT-LB- ngày 26.7.1995 của Bộ Y tế - Lao động, Thương binh và Xã hội.
Những ngày chuẩn bị cho phiên tòa, bệnh của ông ngày càng trở nặng. Với căn bệnh ung thư về máu mà ông đang mắc phải đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất, tinh thần của ông, có dấu hiệu phát triển theo chiều hướng xấu, không đủ điều kiện sức khỏe để tham dự phiên tòa. Tháng trước, tôi đã đến tận nhà ông ở Đông Hà để thăm, tìm hiểu hồ sơ bệnh án, chia sẻ những đau đớn mà ông đang trải qua. Nắm bàn tay ông lấm chấm mồ hôi, mái tóc đen rậm này nào nay đã bạc trắng và rụng gần hết, tôi không cầm được lòng mình, thấy cuộc đời con người sao mà khổ quá. Vợ ông chạy ra chạy vào, lúng túng không kịp rót nước mời tôi.
Trước hoàn cảnh này, tôi đã làm bản kiến nghị gửi lãnh đạo Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Trị, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét tạm đình chỉ vụ án đối với ông, để tạo điều kiện cho ông được tiếp tục điều trị căn bệnh hiểm nghèo này theo quy định tại Điều 187 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003. Đến nay, kiến nghị nói trên vẫn chưa được hồi đáp và ông lại đang phải nhập viện lại để tiếp tục hóa trị…
Có thể phiên tòa được mở lần này sẽ vắng ông vì tình trạng bệnh nặng. Tôi chưa biết trong trường hợp này, việc tòa án tiếp tục xét xử mà vắng mặt ông thì có bảo đảm căn cứ pháp lý hay không, nhưng chắc chắn là tôi sẽ phải có mặt để chuẩn bị các luận cứ bênh vực quyền và lợi ích hợp pháp cho ông. Tôi hình dung trong hàng ghế các bị cáo sẽ khuyết mất một người, nhưng nội dung các lá đơn viết trong cơn đau của ông sẽ vẫn hiển hiện trong không gian pháp đình.
Chiếc xe ôtô của người bạn chở tôi qua cầu Tràng Tiền, rời cố đô Huế đi Đông Hà khi ánh hoàng hôn phủ mờ sương khói, bảng lảng lan tỏa xuống dòng sông Hương. Nhìn chiếc đò nhỏ đang ngược về phía núi Ngự Bình trong chiều muộn, tôi mong sao ở đâu đó trên cao nhìn thấy một phận người đang trải những ngày cuối về chiều không lãng quên…
Luật sư Phan Trung Hoài
Tựa đề do báo Người đưa tin đặt.