Bà Opokua sống một mình tại New York và thường nói chuyện Facetime với em gái của mình là Adumea Sapong, sống tại Manchester, Anh. Trong lần nói chuyện đó, bà Opokua kể lại: "Em tôi nhìn tôi và nói rằng tôi trông không ổn. Cô ấy cũng hỏi rằng tôi đang nói lảm nhảm gì đó, nhưng tôi không tin và cho rằng nó đang làm mọi việc rối rắm thêm”.
Cô Adumea thì kể: "Khi tôi gọi Opokua qua Facetime, chị ấy nói rằng mình cảm thấy không khỏe, mệt mỏi và khó ngồi dậy. Tôi đã khuyên chị ấy dùng một ít thuốc. Chị ấy đã cố lấy một cốc nước nhưng không thể, sau đó tôi nhận thấy trên FaceTime chị gái mình đã gục xuống. Tôi bảo chị phải ngẩng lên và gọi bác sĩ ngay lập tức".
Bà Opokua vẫn không cho rằng tình trạng của mình là nguy hiểm nên cô Adumea quyết định gọi cho một người chị khác là bác sĩ. Sau khi mô tả các triệu chứng của bà Opokua, cô Adumea nhận thấy tình hình có vẻ phức tạp và cô gọi lại cho bà Opokua, thuyết phục bà gọi cho 911.
Tại bệnh viện, bà Opokua được chẩn đoán là trong não của bà có một cục máu đông. Đây là một vấn đề khá nghiêm trọng bởi cục máu đông này có thể cản trợ việc cung cấp máu lên não làm thiếu máu cục bộ gây ra các cơn đột quỵ. Bà Opokua lại sống một mình, vì thế khi cơn đột quỵ xảy ra bà có thể rơi vào tình trạng không được đi cấp cứu kịp thời.
Vì thế, bà Opokua khẳng định: "Không còn nghi ngờ gì nữa, FaceTime đã cứu sống tôi. Nếu em gái tôi không nhận thấy triệu chứng, mọi thứ có thể đã khác". Đối với bà Opokua, những công nghệ như Facetime không chỉ cứu bà mà còn giúp bà rất nhiều trong cuộc sống.
Sức khỏe không tốt khiến bà Opokua không di chuyển được nhiều. Vì thế, đa phần bà làm việc qua mạng, tham gia các cuộc họp trực tuyến. "Bạn nghe rất nhiều câu chuyện tiêu cực về Internet và công nghệ, nhưng tôi nghĩ đây là một ví dụ về cách công nghệ giúp đỡ chúng ta", cô Adumea nhận xét.