Bên cạnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra còn có một cuộc chiến với vấn nạn “fake news” (tin giả) đang có nguy cơ bùng nổ và lây lan trên mạng xã hội với tốc độ chóng mặt. Việc này gây ảnh hưởng đến các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 của Nhà nước, gây hoang mang, lo lắng trong quần chúng nhân dân.
Nhiều hành vi tung tin giả mạo về dịch Covid-19 đã bị xử lý. Tuy nhiên, thời gian gần đây vẫn có liên tiếp các hành vi hành vi tung tin giả, đơn cử như: giả công văn của UBND tỉnh Bình Định với nội dung tổ chức 50 chuyến xe chở bà con gặp khó khăn ở TP.HCM về quê; nhiều tài khoản Facebook cá nhân chia sẻ, phát tán nội dung thông tin về “Quận 12 thông báo tiêm vaccine Trung Quốc, dân bỏ về hết”; hay như tin lãnh đạo TP Hồ Chí Minh chỉ đạo “không cho người dân di chuyển trong 7 ngày”...
Nguyên nhân nào xuất hiện những tin giả như vậy? cũng như hướng xử lý ra sao? PV đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Ngọc Sơn - Phó chủ tịch phụ trách mảng Chống mã độc của Bkav để làm rõ hơn về vấn đề này.
PV: Trước vấn nạn tin giả hiện nay, ông có đánh giá như thế nào?
Ông Vũ Ngọc Sơn: Không chỉ Việt Nam, trước đó, ở Mỹ cũng xuất hiện tình trạng tin giả về cuộc bầu cử năm 2020, bất chấp nỗ lực ngăn chặn của nhiều bên. Có thể nói, tin giả là vấn nạn của toàn xã hội. Hiện nay, nhiều nước vẫn đang loay hoay xử lý, chưa có giải pháp gì cụ thể ngăn chặn vấn nạn này.
Tại Việt Nam, bất chấp những nỗ lực, quyết tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền thì những thông tin, hình ảnh giả lan truyền trên mạng internet cũng đang trở thành một thứ virus với những “biến chủng” vô cùng nguy hiểm. Điều này đã gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh của cả nước, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân.
PV: Có vẻ như tin giả đang là một vấn nạn, và có vẻ như môi trường mạng xã hội đang là một môi trường cho vấn nạn này phát triển?
Ông Vũ Ngọc Sơn: Nếu như trước đây, khi xem tin tức, mọi người sẽ xem thông tin trên truyền hình hoặc các trang báo chính thống. Nhưng từ khi mạng xã hội phổ biến, mọi người đọc thông tin qua mạng xã hội ngày một nhiều và đôi khi sẽ không để ý thông tin được đưa lên từ nguồn nào. Kể cả trường hợp thông tin trên mạng xã hội dẫn nguồn thì cũng không có ai, cơ quan nào kiểm chứng. Chưa nói, dù ghi nguồn thì cũng không có gì đảm bảo là nội dung đăng tải chưa bị sửa chữa câu chữ nếu như người đăng lên có ý đồ bất chính…
PV: Ông có thể cho độc giả biết đâu là dấu hiệu để nhận biết tin giả?
Những tin giả thường sẽ có nội dung giật gân, hấp dẫn, chủ đề nhiều người quan tâm, mang tính chất câu view, câu like nên càng hấp dẫn nhiều người vào đọc. Cộng thêm việc thiếu kỹ năng, không chú ý đến nguồn gốc bài viết sẽ có thể họ vô tình share bài viết cho nhiều người khác, dẫn đến việc tin giả lan truyền rất nhanh.
PV: Việc tung tin giả là có chủ đích, vậy nó ảnh hưởng như nào đến người dùng cũng như an ninh quốc gia?
Ông Vũ Ngọc Sơn: Rõ ràng một tin thất thiệt không được kiểm chứng sẽ gây ra những hậu quả khôn lường cho mọi người. Nhẹ thì gây ra sự hoang mang trong dư luận, còn trường hợp người đưa tin giả có ý đồ xấu thì họ còn định hướng dư luận, điều này là rất là nguy hiểm.
Nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, việc đưa tin giả đồng nghĩa với việc lan truyền những cách hiểu sai, dẫn tới niềm tin lệch lạc trên môi trường mạng, gây nhiễu thông tin, gây hoang mang, lo lắng trong cộng đồng, làm giảm niềm tin của người dân vào công tác phòng chống, dịch bệnh; gây hoang mang, bức xúc trong dư luận xã hội…
PV: Theo quy định hiện nay của pháp luật, người đưa tin giả sẽ bị xử lý như thế nào?
Ông Vũ Ngọc Sơn: Bất kỳ hành vi trái pháp luật nào đều bị xử lý theo quy định của Nhà nước, nhẹ thì bị phạt hành chính, nặng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo tôi được biết, Nhà nước đã ban hành các quy định về mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong phòng, chống dịch Covid-19.
Đối với người có hành vi tung tin giả, thông tin sai sự thật về Covid-19 có thể bị phạt hành hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP thì có thể bị phạt từ 05 - 10 triệu đồng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng.
Hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015. Tùy vào tính chất, mức độ vi phạm, hành vi tung tin giả về Covid-19 có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt lên đến 07 năm tù.
Đối với cá nhân, tổ chức có hành vi giả mạo chữ ký, giả mạo con dấu, giả mạo nội dung… thì có dấu hiệu cấu thành tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức theo Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); với mức hình phạt cao nhất lên tới 7 năm tù.
PV: Ông cho biết phương án nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tin giả xuất hiện trên mạng xã hội?
Ông Vũ Ngọc Sơn: Chúng tôi vẫn thường khuyên người sử dụng là khi xem thông tin thì phải chú ý đến nguồn. Khi thấy tin dẫn từ một nguồn nào đó thì tốt nhất nên đọc lại nguồn chính thức đấy, đọc để biết có tin tức như vậy chứ không like (bấm thích), share (chia sẻ) ngay. Trước khi like, share một tin nào đó thì cần phải có sự kiểm chứng lại thông tin có được đăng tải bởi một nguồn chính thống hay không; nếu dẫn từ một nguồn không đáng tin cậy thì tuyệt đối không like và share tin này.
Theo tôi, nên xây dựng nguyên tắc là những trang mạng xã hội có chức năng cho mọi người đăng thông tin thì phải có biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn từ gốc, tức là bản thân môi trường mạng đó phải làm sạch từ trước, tránh trường hợp đổ hết trách nhiệm cho phía người dùng, vì khi đó sẽ khó khăn hơn rất nhiều và không phải ai cũng thông thạo công nghệ để có thể tự bảo vệ mình.
Về phía người dùng, cần nâng cao cảnh giác, tỉnh táo khi tiếp nhận thông tin; ngay khi thấy tin không rõ nguồn gốc thì không like, không share; trước khi làm điều này cần dừng lại để kiểm chứng thông tin. Trong trường hợp phát hiện tin giả cần nhanh chóng thông báo cho cơ quan chức năng để có phương án ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Tăng cường hơn nữa sự tham gia, trợ giúp của các cơ quan truyền thông; tuyên truyền, đăng tải những thông tin chính thống về đại dịch cũng như những cảnh báo, những trường hợp vi phạm cụ thể để phòng ngừa; không còn chỗ cho vi phạm xảy ra.
PV: Xin cám ơn ông!