Một số công ty mở văn phòng đại diện để huy động vốn trái phép

Một số công ty mở văn phòng đại diện để huy động vốn trái phép

Trịnh Thị Thơ

Trịnh Thị Thơ

Thứ 5, 30/05/2024 18:31

Qua triển khai các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan công an phát hiện tại Đắk Lắk có một số công ty mở văn phòng đại diện để huy động vốn trái phép bằng nhiều hình thức.

Nhận diện hoạt động huy động vốn trái phép

Qua triển khai các biện pháp nghiệp vụ, Phòng An ninh kinh tế (Công an tỉnh Đắk Lắk) phát hiện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có một số công ty mở văn phòng đại diện để huy động vốn thông qua nhiều hình thức như đầu tư tài chính, tiền ảo, tiền điện tử, bất động sản, các loại hình kinh doanh dịch vụ.

Đồng thời, hứa hẹn lãi suất cao và trả gốc lẫn lãi theo ngày hoặc tháng kèm theo các gói quà tặng bằng tiền hoặc tặng các ưu đãi hiện vật... có dấu hiệu lừa đảo, huy động vốn trái phép, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng liên tục tuyên truyền, cảnh báo đến người dân bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao ý thức cảnh giác. Thế nhưng, vẫn có nhiều trường hợp do thiếu hiểu biết, cả tin, hám lợi đã trở thành nạn nhân của các đối tượng hoạt động phạm tội.

Dòng chảy pháp luật - Một số công ty mở văn phòng đại diện để huy động vốn trái phép

Người dân cần cảnh giác trước những “bánh vẽ” lãi suất cao. (Ảnh công an cung cấp). 

Trước tình hình trên, để nâng cao tinh thần cảnh giác của người dân, Phòng An ninh kinh tế - Công an tỉnh Đắk Lắk thông báo một số đặc điểm nhận diện hoạt động huy động vốn trái phép.

Cụ thể, các công ty huy động vốn thường sử dụng mạng truyền thông để quảng bá, thu hút lôi kéo nhà đầu tư; chèn logo của công ty vào các kênh truyền thông uy tín nhằm tạo dựng thương hiệu. Đồng thời, đăng ảnh các sự kiện lớn của công ty có sự chúc mừng của các cơ quan nhà nước, thể hiện quy mô lớn và sự uy tín của công ty.

Bên cạnh đó, hợp đồng hợp tác hai bên ký kết theo mẫu soạn sẵn nhưng không ghi rõ chủ đầu tư, thời hạn đầu tư, phương thức quản lý vốn, phân chia lợi nhuận. Về bản chất hợp đồng này giống với hợp đồng ủy thác, trong đó, nhà đầu tư góp vốn qua các gói đầu tư để Công ty kinh doanh và trả lãi theo định kỳ.

Trong hợp đồng thường có điều khoản quy định: “Hợp đồng sẽ chấm dứt trong trường hợp công ty giải thể hoặc tuyên bố phá sản”. Như vậy, nhà đầu tư có nguy cơ không thu hồi đủ số tiền đã đầu tư, thậm chí mất trắng nếu công ty dùng thủ đoạn giải thể, phá sản để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ.

Ngoài ra, quá trình tổ chức hội thảo, hội nghị tại địa phương, tuy tổ chức công khai nhưng chỉ cho những người tham gia và những người được mời gọi đến nghe, được cấp thẻ vào, còn những người khác không được tiếp cận hội nghị. Quá trình diễn ra hội nghị, người tham gia không được phép quay phim, chụp hình.

Các thông tin khách hàng tham gia luôn được công ty giữ kín, không cung cấp, việc thu tiền chỉ phải nộp vào tài khoản cá nhân của người đứng đầu công ty. Hành vi này có dấu hiệu che giấu thu nhập, trốn tránh nghĩa vụ kê khai thuế, vi phạm luật quản lý thuế.

Cảnh giác trước những “bánh vẽ” lãi suất cao

Theo Phòng An ninh kinh tế - Công an tỉnh Đắk Lắk, hoạt động huy động vốn của một số công ty trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk mặc dù có nhiều phương thức thủ đoạn khác nhau nhưng cùng bản chất (có dấu hiệu lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản).

Việc sử dụng vốn huy động của một số công ty có văn phòng đại diện tại Đắk Lắk có nhiều dấu hiệu nghi vấn, khả năng hoạt động theo mô hình “Ponzin” (lấy của người sau trả cho người trước hoặc lấy chính tiền của người tham gia để trả dần lãi gốc) trong khi tài sản đảm bảo bất minh và hoạt động kinh doanh không có lãi.

Đến một thời điểm dòng tiền đầu tư đứt gãy, công ty không còn khả năng chi trả cho nhà đầu tư sẽ nảy sinh tranh chấp, khiếu kiện, tiềm ẩn nguy cơ phức tạp về an ninh trật tự. Không loại trừ khả năng công ty sẽ dùng thủ đoạn giải thể, phá sản doanh nghiệp để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ, nhà đầu tư lúc này sẽ gặp nhiều bất lợi hoặc thiệt hại khi tranh chấp với công ty.

Để tránh rơi vào bẫy của các đối tượng, Phòng An ninh kinh tế khuyến cáo người dân trước khi đầu tư, cần tìm hiểu, nghiên cứu kỹ thông tin về các dự án đầu tư, tổ chức huy động vốn, các giấy tờ pháp lý như giấy phép thành lập và hoạt động, ngành nghề kinh doanh…

Đồng thời, cần cảnh giác, tỉnh táo trước những những “bánh vẽ” lãi suất cao được đưa ra và có biện pháp, cơ chế theo dõi, quản lý nguồn tiền đã đầu tư.

Ngoài ra, khi biết mình là nạn nhân của đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân cần thông báo kịp thời cho cơ quan công an; phối hợp tích cực trong công tác điều tra, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Khánh Ngọc

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.