Hiến pháp 2013 đã khẳng định: Nhà nước cộng hoà XHCN Việt Nam là NNPQ XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Vì vậy việc bảo đảm quyền của con người, của công dân là mục tiêu, cũng là động lực để xây dựng NNPQ XHCN Việt Nam. Là một quốc gia với 54 dân tộc, trong đó có 53 dân tộc thiểu số, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam về quyền của người dân tộc thiểu số để đáp ứng yêu cầu xây dựng NNPQ XHCN trong thời đại mới.
Thời gian qua, Việt Nam đã quan tâm hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm cơ sở pháp lý ngày càng toàn diện hơn cho việc bảo vệ và thúc đẩy, phát triển các quyền con người, quyền công dân nói chung, quyền của đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Tính đến tháng 11/2020, chỉ tính các VBQPPL do các cơ quan Trung ương ban hành có 324 VBQPPL liên quan đến vùng dân tộc thiểu số đang có hiệu lực. Bên cạnh đó, pháp luật về quyền của người dân tộc thiểu số ở Việt Nam đã ghi nhận các chính sách dân tộc, công tác dân tộc, khẳng định quyền và nghĩa vụ cơ bản của con người, công dân là người dân tộc thiểu sốvề dân sự, chính trị, văn hoá, kinh tế, xã hội.
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có VBQPPL có hiệu lực pháp lý ở tầm một đạo luật để điều chỉnh một cách tổng thể, toàn diện về quyền của người dân tộc thiểu số, đáp ứng yêu cầu phát triển thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Các QPPL về bảo đảm quyền của người dân tộc thiểu số vẫn nằm rải rác, tản mạn trong 324 văn bản pháp luật; trong đó 234/324 văn bản (72,22%) là các văn bản dưới luật như Nghị quyết, Nghị định, Thông tư, Quyết định… Thêm vào đó, nhiều quyền của người dân tộc thiểu số chưa được ghi nhận hoặc chưa được quy định cụ thể trong các VBQPPL.
Theo Báo cáo kết quả rà soát chính sách, pháp luật liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Uỷ ban Dân tộc cho thấy còn 19 nội dung, chính sách chưa được ghi nhận. Việc thiếu vắng các quy định pháp luật cần thiết có thể dẫn đến “lỗ hổng pháp luật”, không đảm bảo quyền của người dân tộc thiểu số và có thể tạo ra sự thiếu công bằng, tư tưởng mặc cảm, so bì giữa các dân tộc. Đi sâu nghiên cứu các nội dung, chính sách pháp luật bảo đảm quyền của người dân tộc thiểu số cho thấy vẫn còn tồn tại những mâu thuẫn, chồng chéo.
Ngoài ra, một số quy định của pháp luật về quyền của người dân tộc thiểu số chưa sát thực tế. Kết quả rà soát chính sách, pháp luật liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong Báo cáo số 1533/BC-UBDT được thực hiện bởi Uỷ ban Dân tộc đã chỉ ra cụ thể 19 văn bản pháp luật, bao gồm 06 Nghị định, 06 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 07 Thông tư và Thông tư liên tịch có nội dung không còn phù hợp với thực tiễn. Những quy định thiếu tính khả thi này đương nhiên không thể đi vào cuộc sống, gây lãng phí ngân sách, bức xúc dư luận và quan trọng hơn là không bảo đảm được quyền của người dân tộc thiểu số.
Vì vậy, để hoàn thiện hơn nữa pháp luật về quyền của người dân tộc thiểu số ở Việt Nam, tác giả kiến nghị cần thực hiện một số giải pháp sau:
Trước hết, cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật hiện hành về quyền của đồng bào dân tộc thiểu số theo những hướng sau:
Một là, pháp luật bảo đảm quyền của đồng bào dân tộc thiểu số cần đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, cụ thể: chính sách, pháp luật phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân tộc thiểu số phải đi đôi với bảo đảm công bằng xã hội, người dân được tiếp cận với dịch vụ cơ bản, đồng thời không được phương hại đến môi trường, bảo vệ môi trường sinh thái, tài nguyên thiên nhiên.
Hai là, pháp luật về quyền của người dân tộc thiểu số cần đề cao tinh thần sáng tạo, chủ động vươn lên, tham gia các hoạt động phát triển cộng đồng, khắc phục khó khăn về điều kiện tự nhiên – kinh tể, xã hội của họ nhằm khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chưa có ý thức tự vươn lên, không muốn thoát nghèo để được nhận tiền trợ cấp… vẫn còn tồn tại trong cộng đồng dân tộc thiểu số ở nước ta.
Ba là, hoàn thiện pháp luật về quyền của đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam tiệm cận hơn với các công ước quốc tế về quyền của người dân tộc thiểu số nói riêng, quyền con người nói chung.
Đặc biệt, cần xây dựng một luật chuyên biệt về người dân tộc thiểu số
Hiện nay trong hệ thống pháp luật Việt Nam chưa có một văn bản quy phạm dưới góc độ là một đạo luật điều chỉnh các vấn đề liên quan đến quyền của người dân tộc thiểu số. Các quy định về quyền và các biện pháp bảo đảm quyền của đối tượng này được quy định riêng lẻ trong các pháp luật chuyên ngành và chủ yếu ở trong các văn bản dưới luật. Tuy nhiên, thực tế, nhiều quy định pháp luật về bảo đảm quyền có khả năng triển khai thực thi trên thực tế thấp khiến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân tộc thiểu số bị ảnh hưởng tiêu cực.
Hiện nay bối cảnh kinh tế xã hội thay đổi nhanh chóng, xuất hiện rất nhiều vấn đề trên mọi mặt của đời sống xã hội mới tác động tiêu cực đến cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều quy định của pháp luật hiện tại bị chồng chéo, trách nhiệm phối hợp bảo đảm quyền của người dân tộc thiểu số của các bộ, ngành, địa phương chưa được quy định cụ thể đặt ra yêu cầu phải có một văn bản thống nhất. Hơn nữa, dưới góc độ là một đối tượng quan trọng trong chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, đồng thời, là một trong những đối tượng yếu thế nhất, việc xây dựng một đạo luật riêng biệt mang tính chất là những quy định mang tính bắt buộc chung, định hướng bảo đảm cho việc xây dựng, giải thích và áp dụng pháp luật đối với người dân tộc thiểu số là điều cần thiết. Đồng thời, đây cũng là sự tương thích với các tiêu chuẩn quốc tế về bảo đảm quyền của dân tộc thiểu số theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Đạo luật này cần giải quyết được một số nội dung cơ bản bảo gồm: (1) Thống nhất nhận thức về người dân tộc thiểu số; (2) Quy định các quyền của người dân tộc thiểu số; (3) Trách nhiệm, các biện pháp bảo vệ, bảo đảm các quyền ấy của Nhà nước, các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân; (4) Quy định về nguồn lực và nguyên tắc sử dụng nguồn lực bảo đảm quyền của người dân tộc thiểu số… Đây sẽ là những khuôn khổ pháp lý quan trọng, là cơ sở cho việc thực hiện một cách thống nhất chính sách, pháp luật về bảo đảm quyền của người dân tộc thiểu số một cách ổn định và lâu dài.
Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ, Báo cáo số 249/BC-CP ngày 21 tháng 5 năm 2020 về Đềxuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
2. Hội đồng dân tộc, Báo cáo số 1368 /BC-HĐDT14, ngày 03/11/2020 về Kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ phục vụ phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2011 – 2020”.
3. Ủy ban dân tộc, Báo cáo số 1533/BC-UBDT ngày 11/11/2020 về kết quả rà soát chính sách pháp luật liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
4. Bảo Yến, Chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi cần xuất phát từ chính nhu cầu của đồng bào, Quochoi.vn, ngày tuỷ cập: 20/5/2020.
5. Nguyễn Quốc Sửu, Ngọc Văn Nhân, Hoàng Đình Khuê, Những vấn đề cơ bản, cấp bách trong xây dựng pháp luật về dân tộc thiểu số và miền núi nước ta hiện nay, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2021.
ThS. Nguyễn Việt Hà
Khoa Nhà nước- Pháp luật, Học viện Chính trị khu vực I