Để góp phần nâng cao chất lượng giải quyết các vụ việc dân sự - một loại án chiếm tỷ lệ rất lớn trong tổng số các vụ án mà ngành TAND phải giải quyết, TANDTC đã có trao đổi và giải đáp về một số vấn đề liên quan. Sau đây là các vụ việc hôn nhân và gia đình.
Nếu các đương sự không thỏa thuận được về giá tài sản đang tranh chấp và cũng không yêu cầu TA định giá tài sản thì về nguyên tắc, TA không được tự ra quyết định định giá tài sản (trích điểm 7.1 Mục IV Nghị quyết số 04/2005NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC)
1. Vợ chồng thừa nhận nhà và công trình phụ đều làm trên đất lấn chiếm, không hợp pháp. Vợ và chồng đều có nhu cầu về nơi ở. Người chồng yêu cầu định giá tài sản và đồng ý trả bằng hai lần giá trị tài sản người vợ được hưởng. Người vợ yêu cầu chia hiện vật và trả chênh lệch theo giá trị mà Hội đồng định giá đã định giá. TA có quyền chấp nhận yêu cầu của người chồng không, việc chấp nhận đó có bảo đảm quyền lợi của người vợ không?
Việc chia tài sản bằng hiện vật hay bằng giá trị là tùy thuộc vào sự đánh giá của Hội đồng xét xử. Trường hợp cụ thể này, nhà và công trình phụ đều làm trên đất không hợp pháp nên Hội đồng định giá chỉ định giá các vật liệu xây dựng hiện có mà không được định giá quyền sử dụng đất. Nếu TA chia hiện vật (nhà, công trình phụ) cũng chỉ là tạm giao chỗ ở chứ không phải là chia quyền sử dụng hay sở hữu nhà đất.
Nếu TA xét thấy có thể chấp nhận đề nghị của người chồng tức là chia bằng hiện vật cho người chồng và người chồng thanh toán gấp đôi giá trị tài sản mà người vợ được hưởng thì người vợ vẫn được TA bảo vệ quyền lợi. Ngược lại nếu TA giao hiện vật cho vợ và chỉ buộc người vợ thanh toán cho người chồng đúng bằng giá trị tài sản mà người chồng được hưởng theo định giá của Hội đồng định giá thì người chồng cũng vẫn được TA bảo đảm quyền lợi.
Nếu như diện tích nhà, công trình phụ có thể phân chia được thì TA tạm giao bằng hiện vật cho hai vợ chồng. Nếu có chênh lệch về diện tích sử dụng hoặc thuận tiện trong buôn bán, làm ăn hay sinh hoạt thì thanh toán phần chênh lệch đó giữa hai bên.
2. Trường hợp vợ hoặc chồng hoặc cả hai vợ chồng khai ra các khoản nợ chung và TA xác định nợ chung để buộc vợ, chồng có trách nhiệm trả nợ thì có được trừ vào tài sản chung, còn lại giá trị tài sản mỗi bên được hưởng mới tính án phí chia tài sản không? Vợ, chồng có phải chịu án phí dân sự sơ thẩm về nợ chung không? Những khoản nợ xác định là nợ riêng của vợ, chồng thì người có nghĩa vụ trả nợ có phải nộp án phí không?
Thực chất, việc giải quyết quan hệ nợ chung hay nợ riêng của vợ, chồng trong vụ án ly hôn chính là việc TA giải quyết một mối quan hệ dân sự, một tranh chấp dân sự trong vụ án ly hôn (tương tự như việc TA giải quyết về trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự). Trong vụ án ly hôn thì chủ nợ của vợ, chồng hoặc của riêng vợ hoặc chồng được TA xác định tư cách tham gia tố tụng là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Về nguyên tắc khi phân chia tài sản vợ chồng thì TA phải trừ phần nợ (khoản nợ) chung của vợ chồng, tài sản còn lại mới phân chia. Yêu cầu được trả nợ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án ly hôn là yêu cầu độc lập. Nếu yêu cầu của họ không được TA chấp nhận thì họ phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo phần yêu cầu độc lập của họ. Người có nghĩa vụ đối với yêu cầu độc lập của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo phần yêu cầu độc lập được TA chấp nhận (khoản 6 Điều 27 Pháp lệnh Án phí, lệ phí tòa án).
Trong vụ án ly hôn, người có nghĩa vụ đối với yêu cầu độc lập của chủ nợ (người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) chính là vợ, chồng hoặc một trong hai người khi khoản nợ đó là nợ riêng. Do đó, khi TA xác định khoản nợ chung của vợ chồng và xử buộc vợ, chồng phải có nghĩa vụ trả nợ thì người có nghĩa vụ trả nợ (vợ, chồng) phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo phần mà họ phải trả nợ.
3. Trong vụ án ly hôn, người yêu cầu được ly hôn ở huyện Bến Cát (tỉnh Bình Dương), người kia đang làm việc tại quận 8 (TP. HCM). Tài sản của vợ, chồng (nhà đất) đều ở quê Bến Cát. TA nào có thẩm quyền giải quyết?
Theo điểm a khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự thì “TA nơi bị đơn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết vụ án”. Tuy điểm c khoản 1 Điều 35 quy định “TA nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp về bất động sản”, nhưng đây là vụ án ly hôn nên quan hệ pháp luật chính của vụ án này là quan hệ hôn nhân (nhân thân), các quan hệ khác về con, về tài sản là quan hệ phát sinh của quan hệ nhân thân. Do đó TA nơi bị đơn cư trú, làm việc là TA có thẩm quyền giải quyết việc ly hôn.
Trường hợp cụ thể này, TAND quận 8 là TA có thẩm quyền giải quyết vụ án ly hôn. Trong quá trình giải quyết vụ án, nếu có tranh chấp về nhà đất (bất động sản) đang ở huyện Bến Cát và nếu đương sự có yêu cầu thì TAND quận 8 có thể ủy thác tư pháp cho TAND huyện Bến Cát điều tra, xác minh.
Theo Bình Dương online