Liên tục thoái vốn…
Thông tin trên Nhà đầu tư, Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường của ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) vừa diễn ra hôm qua (18/1/2019), Chủ tịch HĐQT VietBank – ông Dương Ngọc Hoà đã có lời cảm ơn và cũng có thể coi là lời chào tạm biệt đối với vợ chồng bầu Kiên.
"Qua 10 năm hoạt động, VietBank đã có các cổ đông gắn bó, tâm huyết trong đó không thể không kể đến gia đình anh Nguyễn Đức Kiên và chị Đặng Ngọc Lan, từ ngày đầu thành lập đến nay đã hỗ trợ rất nhiều cho VietBank. VietBank rất cảm ơn và tri ân, ghi nhận sự đóng góp đó" - ông Dương Ngọc Hoà nói.
Đại hội bất thường của VietBank được tổ chức với nhiều lý do, trong đó có nội dung miễn nhiệm chức danh Thành viên HĐQT đối với bà Đặng Ngọc Lan.
Trước đó, bà Lan đã có đơn xin từ nhiệm vị trí này, sau khi chồng và người nhà liên tục thoái vốn từ cuối năm 2017 và đến nay chỉ còn một tỷ lệ nhỏ sở hữu tại VietBank.
Cụ thể, từ ngày 6/12/2018 đến ngày 6/01/2019, ông Nguyễn Đức Kiên đã bán xong toàn bộ 6,61 triệu cổ phần sở hữu tại VietBank, tương đương với 2,035% vốn điều lệ ngân hàng.
Cùng thời gian, bố mẹ vợ của bầu Kiên (là bà Nguyễn Thị Kim Thanh và ông Đặng Công Minh) cũng đã bán được hơn 6,4 triệu cổ phần trong tổng cộng 7,4 triệu cổ phiếu đăng ký giao dịch. Theo đó, hai người này hiện chỉ còn nắm giữ 1 triệu cổ phiếu VietBank.
Sau thương vụ thoái vốn này, nhóm cổ đông liên quan tới bầu Kiên hiện nay chỉ còn nắm gần 16 triệu cổ phần tại VietBank, tương đương với 4,64% vốn điều lệ ngân hàng. Trong đó, (vợ bầu Kiên), nắm giữ gần 15 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu 4,608%.
Ai đang sở hữu VietBank?
Được thành lập vào tháng 12/2006 với vốn điều lệ 200 tỷ đồng, VietBank đi lên từ một ngân hàng nông thôn ở Sóc Trăng. Những cổ đông sáng lập liên quan đến tập đoàn Hoa Lâm, ngân hàng Á Châu (ACB) và công ty Diệu Hiền.
Theo đó,ông Dương Ngọc Hoà là chồng nữ doanh nhân Trần Thị Lâm - Chủ tịch tập đoàn Hoa Lâm - nhà đầu tư cùng một số "đại gia" hợp tác thành lập VietBank giai đoạn 2006-2007 ở Sóc Trăng.
Nhóm bầu Kiên vào VietBank muộn hơn - những năm cuối thập kỷ trước - song nhanh chóng nắm quyền điều hành tại đây và có công đưa VietBank trở thành tổ chức tín dụng hàng đầu ở Sóc Trăng, sau đó vượt ra khỏi cái tiếng nhà băng "tỉnh lẻ" khi mở rộng hoạt động tới TP.HCM cùng nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Sau đó, sự kiện bầu Kiên vướng vòng lao lý năm 2012 đã làm thay đổi tình thế tại VietBank, khi các nhóm cổ đông lớn không còn tìm được tiếng nói chung trong phòng họp Hội đồng quản trị.
Và từ thời điểm đó, gia đình bầu Kiên đã muốn rút lui khỏi VietBank. Tuy nhiên với tỷ lệ chi phối của các nhóm cổ đông còn lại, việc thoái vốn khỏi VietBank đã không thể thực hiện được, cho đến cuối năm 2017 và đặc biệt là nửa cuối năm ngoái, khi bản thân ông Kiên và bà Lan liên tục đăng ký bán đến từng cổ phiếu cuối cùng.
Hiện nay, dù bà Đặng Ngọc Lan và người liên quan vẫn còn khoảng 16 triệu cổ phần VietBank, song với quyết định rời khỏi HĐQT VietBank, gia đình ông bầu này đã muốn chấm dứt quá trình một thập kỷ hiện diện tại đây.
Đang chi phối VietBank hiện tại chủ yếu là nhóm cổ đông tập đoàn Hoa Lâm. Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Hoa Lâm (tập đoàn Hoa Lâm), trước đây là CTCP Ô tô - Xe máy do Chủ tịch Vietbank Dương Ngọc Hòa sáng lập. Ông Hòa từng là Giám đốc Hoa Lâm, hiện nay vợ ông - bà Trần Thị Lâm là người đứng đầu tập đoàn.
Thời điểm trước tăng vốn vào cuối tháng 9/2018, gia đình ông Hòa nắm giữ khoảng 44 triệu cổ phiếu VietBank, tương đương 13,54% vốn điều lệ.
Có thông tin cho rằng trong khi nhóm cổ đông bầu Kiên thoái vốn thì nhóm Hoa Lâm đã "gửi gắm" người liên quan mua vào cổ phiếu ngân hàng.
Cổ đông sáng lập thứ 3 của VietBank là công ty TNHH Xây dựng Thương mại Diệu Hiền, hiện không có thông tin chính thức nào về tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng còn bao nhiêu.
Đây là công ty một thời khi gắn liền với tên tuổi của nữ đại gia thủy sản Diệu Hiền - “chúa chổm” với những khoản nợ hàng nghìn tỷ đồng hơn 10 nhà băng, hàng chục người nông dân và đối tác vào những năm 2012.
Theo tờ VietnamBiz, tính đến năm 2013, công ty Diệu Hiền có vốn điều lệ 247,5 tỷ đồng, do ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Công ty làm đại diện pháp luật. Tuy nhiên người nắm sở hữu đa số lại là ông Phạm Hữu Thường với tỷ lệ sở hữu 70%.
Theo báo cáo tài chính quý 3/2018 do VietBank vừa công bố, ngân hàng có mức lợi nhuận thuần từ kinh doanh trong quý 3 đạt 42,5 tỷ đồng, tăng 184% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế ngân hàng đạt hơn 54 tỷ đồng, gấp 5 lần cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2018, lợi nhuận sau thuế của VietBank đạt hơn 301,6 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với 9 tháng đầu năm 2017 và vượt so với chỉ tiêu đề ra tại ĐHĐCĐ thường niên là 248 tỷ đồng.
Tính đến cuối kỳ, tổng tài sản của VietBank đạt 46.574 tỷ đồng, tăng gần 5.500 tỷ đồng so với số đầu kỳ. Tín dụng của ngân hàng đạt 32.330 tỷ đồng, tăng 12,6% so với số đầu kỳ.
Tuy nhiên, nợ xấu của ngân hàng tăng khá mạnh tới hơn 40% với 544 tỷ đồng.