Một thế hệ đi ‘mua’ tiếng cười!

Một thế hệ đi ‘mua’ tiếng cười!

Nguyễn Thị Thu Thảo

Nguyễn Thị Thu Thảo

Thứ 4, 26/10/2016 12:11

Người ta nói rằng nụ cười có thể khiến con người thọ thêm cả chục tuổi, giúp cuộc sống của chúng ta vui vẻ và gắn kết hơn. Nhưng cũng có nụ cười hiện diện kẻ bán – người mua...

Cafe8 - Một thế hệ đi ‘mua’ tiếng cười!

Dân chơi ở khắp các thành phố lớn gần đây có thú vui sử dụng bóng cười - thứ bóng được bơm đầy khí N2O - chất khí không màu, vị ngọt nhẹ. Không giống các loại chất kích thích khác thường chỉ đem đến ảo giác, đôi khi gây căng thẳng cho người sử dụng, bóng cười đem đến cảm giác phấn khích, đê mê, lại khiến cho người ta tưởng mình đang vui vẻ thực sự

Đã có vô vàn lời cảnh cáo về tác hại của những nụ cười “mua được”, thế nhưng giới trẻ vẫn ung dung vào bar, ung dung thổi đầy chất độc vào người và ung dung “tự sướng”. Tôi không cho rằng các bạn đang muốn thể hiện mình mà lao vào những “trào lưu” vô bổ. Bởi những thứ gắn mác “thể hiện mình” ấy, đám thanh niên 8X đã trải qua hết rồi. Thời đó, bao nhiêu trào lưu tốt xấu lẫn lộn đua nhau nở rộ. Đám thanh niên thị thành bắt đầu nhuộm tóc xanh đỏ, đeo xích vào quần, may áo ngắn cũn cỡn, thả tóc tai rũ rượi… Internet, điện thoại di động bắt đầu được phủ sóng trên diện rộng và bọn trẻ hào hứng vùi đầu vào game, làm quen nhau qua Yahoo Messenger…

Những thay đổi ấy khiến tôi nhớ lại phong trào hiện sinh ở Pháp cuối thế kỷ 20. Thật buồn cười khi một vài nhà xã hội học lại cho rằng nó phản cảm và lố bịch. Rõ ràng, giới trẻ Việt Nam những năm 2005 – 2006 cũng giống những người trẻ ở Pháp đầu thế kỉ 20, họ tự tin bước vào cuộc sống, họ “nhập thế” với đủ loại cá tính và tri thức với mong muốn đánh bật tư tưởng cố hữu và an phận của lớp người cao tuổi. Tóm lại, họ rất yêu đời, rất cuồng nhiệt và rất… YOLO

Nhưng buồn thay chỉ hơn chục năm sau, đại đa số “trào lưu của giới trẻ” khiến người ta lắc đầu ngán ngẩm. Không phải là một tiếng nói cộng đồng nhằm thách thức sự cổ hủ, không phải là một sự “nhập thế” đầy tự do và yêu đời, giới trẻ bây giờ thích sống kiểu bất cần, không quan tâm đến những vấn đề thời sự xung quanh và luôn khao khát được thoát khỏi thực tại.

Vậy lý do gì khiến giới trẻ thất vọng về cuộc sống đến thế? Cuộc khủng hoảng kinh tế của thế kỉ XXI diễn ra kể từ năm 2008 tới nay vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa. Những khó khăn và diễn biến bất ngờ của vấn đề nhân sinh đã khiến cho cấu trúc xã hội thay đổi, tình trạng bất công, đói nghèo bùng nổ. Lớp người trẻ càng nhạy cảm, càng sớm cảm thấy bế tắc.

Hôm trước tôi đọc báo thấy có cử nhân Luật thất nghiệp đi câu trộm chó, và trước đó không lâu có cử nhân báo chí thất nghiệp đi cướp tài sản.

Tôi cũng ngờ ngợ về tương lai của mình phía trước. Khi mà sinh viên ra trường “cần” ít nhất 400 triệu đồng để giành được một vị trí tương đối khá khẩm. Lại có một anh chàng giám đốc trẻ tuổi, đẹp trai, 29 tuổi đã làm tổng giám đốc một tập đoàn lớn của nhà nước nhờ biết tiếng Anh và học thạc sĩ nóng trên… Vitalk. Tất cả đều… đúng quy trình!

Thời buổi bây giờ người ta giết người không gợn tay. Trộm một con chó bị đánh tới chết, liếc mắt nhìn “đểu” cũng chết, không yêu cũng chết, yêu cũng chết. Người ta không cầm gậy đuổi trộm như ngày xưa, không soi đèn pin xuống gầm giường mỗi tối. Bây giờ chỉ còn biết nếu có ai đó đột nhập vào nhà thì nằm im vờ như chả biết, có thế mới mong manh hi vọng giữ được tính mạng.

Đàn ông bây giờ sau những buổi chén chú chén anh mỗi giờ tan sở, lại quay trở về nhà với một đống hóa đơn phải thanh toán, lại ủ “mưu sâu kế hiểm” nhằm đối phó với “anh em công sở” và cả… cấp trên. Những cô con gái trẻ trung phơi phới sẵn sàng nhịn ăn suốt tuần để đến các nơi “sang chảnh” với mong muốn gặp được hoàng tử của đời mình. Tôi tự hỏi, nếu Lọ Lem mà được phù phép thành công chúa từ trước thì nàng có chịu đi tìm hoàng tử nữa hay không?

Thấy cô bồ nhí nào đó sở hữu vài chiếc biệt thự, siêu xe, đám đàn bà con gái vừa ghen tỵ, vừa ngưỡng mộ. Âu cũng là cái phúc, có mấy ai gặp được một hoàng tử “đứng tuổi” ngày nào cũng đem tiền đến tận nơi, lại nũng nịu thủ thỉ: “Em tiêu đi không anh giận!”

Ra đường thì khắp nơi rặt là những người nóng tính, rồi tắc đường, khói bụi … Về đến khu nhà trọ thấp tè tè “khom lưng” đầy tội lỗi sau khu biệt thự hạng sang lại thấy ngao ngán. Nhìn vào mâm cơm chỉ thấy nào là thuốc trừ sâu, nào là thuốc bảo vệ thực vật, nào là các quy trình chế biến “đảm bảo” trong một cái xưởng đầy hóa chất, dụng cụ han gỉ…

Thật khó để tìm một tiếng cười khi ngay cả những cái bắt tay cũng đầy thực dụng. Một xã hội thiếu vắng tình thương ắt là một xã hội thiếu vắng tiếng cười. Tôi vẫn luôn tự hỏi rằng tiếng cười đang tồn tại ở đâu? Tiếng cười rốt cuộc đắt hay rẻ mà thứ vốn thuộc quyền sở hữu của con người, lại có thể mua bằng mấy chục ngàn đồng như thế?

Nên thôi, trước khi thế hệ này tự tìm được niềm vui, hãy cứ để họ giả vờ “cười” một lúc…

Phạm Trang

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.