Một trăm cách để đời vui hơn

Một trăm cách để đời vui hơn

Thứ 5, 27/12/2012 23:53

Theo kinh nghiệm của riêng tôi thì viết giản dị khó hơn viết phức tạp. Sống giản dị cũng khó hơn sống phức tạp. Thí dụ yêu nói yêu, ghét nói ghét, là điều giản dị, nhưng có dễ gì hành xử như vậy trên cõi đời này?

Cho nên người đời phức tạp, thấy vậy mà không phải vậy, nói không có khi là có, có khi là không, có khi không không có có, chẳng biết đâu mà lường.

Hồi trẻ tôi hay làm cho đời phức tạp, sợ giản dị thì tẻ nhạt, tầm thường. Chẳng hạn, đồng phục nữ sinh là áo dài trắng, quá giản dị! Nhưng nội qui trường tôi học ngày xưa rất nghiêm khắc, qui định áo dài phải có cổ, vạt áo phải dài quá gối, lại còn phải mặc áo lót. Để tạo sự khác biệt chỉ còn cách phức tạp hóa mái tóc, nón, giày. Đủ kiểu nhé. Nào là tóc cắt ba tầng, guốc quai hippi, cộng thêm các thứ vòng hạt đeo cổ tay cổ chân bằng nhựa đủ màu, đủ hình dạng, kêu xủng xoẻng theo từng cử động.

Nhà trường bèn bổ sung quy định giày không cao quá năm phân, có quai hậu, không được mang dép lê, không được trang điểm, nhổ lông mày… Các cô giám thị đầu giờ đứng ngay cổng trường đón nữ sinh, săm soi từng em, khiến cho việc chuẩn bị đi học, riêng cái hình thức thôi, cũng đã phức tạp. Phải làm sao qua được mắt các cô giám thị, lách được nội qui nhà trường, mà không “y khuôn” tầm thường tẻ nhạt.

Tới hồi già, tôi thấy đời phức tạp quá, chỉ mong sống giản dị. Mới thấy khó làm sao! Nghe nói: sông núi dễ dời, bản tánh người ta khó sửa. Tôi nghiệm rằng thói quen là thứ người ta tích lũy theo năm tháng, có thể thay đổi, chỉ có điều càng lớn tuổi, thói quen trở nên thâm căn cố đế, nhặp nhằng với “bản tính” và người ta không muốn sửa mình nữa.

Pháp luật - Một trăm cách để đời vui hơn

Những thói quen rườm rà khiến cuộc sống phức tạp, cuộc sống phức tạp triệt tiêu hạnh phúc. Nhưng nhiều người tưởng rằng phải phức tạp mới phù hợp với đời sống hiện đại, mới ra tầng lớp trung lưu, thượng lưu. Chỉ có ông đồ nghèo (mạt) ngày xưa mới dùng một tấm vải cho mọi việc: bận làm quần, khoác làm áo, đắp làm chăn, cuộn lại kê đầu làm gối, trải ra làm chiếu nằm, gói đồ cột góc chéo lại thành tay nải đeo vai. Thử vô buồng tắm nhà trung lưu hiện đại coi: trung bình có năm thứ khăn: cạnh chậu rửa mặt và rửa tay có khăn lau tay và khăn lau mặt riêng. Cạnh bồn tắm có khăn lông to để lau mình, khăn lông vừa để trùm tóc, khăn vuông để nhúng nước lau mình. Ấy là chỉ mới nói về khăn.

Chưa nói tới các loại xà bông, dầu kem tắm gội, các thứ nước hoa…, mỗi thứ có từ nửa tá đến một chục loại, để lủ khủ, vừa trang trí vừa đáp ứng những nhu cầu khác nhau của chủ nhân. Một số những thứ đó được mua khi đi shopping, gặp lúc khuyến mãi, có khi được tặng. Người hiện đại nghĩ mình thuộc đẳng cấp cao thì phải dùng hàng cao cấp. Xây một ngôi nhà nguy nga thì phải có nội thất sang trọng, không thể thiếu cái bar chẳng hạn. Mà có cái bar thì phải có kho rượu. Tất nhiên phải có người uống rượu. Do đó phải có bạn bè hợp gu, phải mở tiệc tùng, phải lựa chọn khách mời, phải cân nhắc các quan hệ giao tế xã hội, phải … Trời, không thể nào kể hết những phức tạp cuộc đời một khi đã dấn vào. Thoát ra bằng cách nào?

May mà tôi chưa đạt tới “đẳng cấp” đó.

Cuộc sống cũng đã hơi hơi phức tạp. Cho nên bây giờ tôi tập sống giản dị vì lợi ích sức khỏe tinh thần lẫn thể chất. Chẳng hạn ngừng đi đến phòng tập thể dục, khỏi hít thở mùi mồ hôi của những người cùng tập. Thời giờ đó tôi xách giỏ đi chợ mỗi ngày, vận động còn khỏe hơn tập thể dục trên máy, lại được ăn rau trái tươi, mua mới ăn liền, khỏi để tủ lạnh. Dẹp bỏ được cái tủ lạnh, chẳng những đỡ tốn điện mà còn đỡ tốn tiền mua đồ ăn quá nhiều, rồi phải ăn đồ cũ đồ đông lạnh chẳng ngon lành gì cả. Bỏ được cả thói quen bước vào bếp là mở tủ lạnh lấy lon bia hay lon nước ngọt. Uống nước trà hay nước chín để nguội dần dần thấy ngon hơn các thứ nước pha đường, hương liệu và màu nhân tạo, nhưng quan trọng là giảm được nguy cơ mắc bệnh ung thư!

Pháp luật - Một trăm cách để đời vui hơn (Hình 2).Ảnh minh họa

Hồi trước mỗi lần đi đám cưới một đứa bạn là tôi sắm một bộ đồ mới, vì e là những người đã gặp mình trong đám cưới của đứa bạn khác sẽ nhận ra bộ cánh mình đã mặc lần trước. Nhưng lý do tôi viện ra thường là áo cũ mặc không vừa nữa. Chẳng bao lâu, áo quần đầy một tủ, rồi hai, ba tủ. Nhà cửa đâm chật chội, vì đâu phải chỉ riêng tủ áo phình lên, nhân đôi nhân ba. Cái gì cũng ít nhất vài ba kiểu, ví, giày, nón, kiếng mát… khiến mỗi lần đi đâu lại mất thì giờ cân nhắc đắn đo lựa chọn.

Đồ đạc linh tinh lủ khủ đầy nhà khiến tôi nảy lòng mong muốn có một ngôi nhà lớn hơn, có chỗ trưng bày những thứ đồ lưu niệm mình đã kỳ công tha về từ những chuyến đi du lịch, hành hương, công tác. Muốn có nhà lớn thì đầu óc suy nghĩ tính toán cách kiếm tiền, thân đã nhọc, tâm bất an, suýt đột quỵ.

Bây giờ tôi đã dọn nhà, nhưng căn nhà bây giờ nhỏ hơn, buộc lòng tôi phải bỏ đi nhiều thứ không thể tìm được chỗ để. Tôi quyết định mỗi ngày dứt khoát bỏ đi một thứ gì đó. Một thứ, một món, một vật thôi, dù nhỏ. Hóa ra, một “thứ” gì đó thường gắn với một thói quen nào đó. Vứt cây son chẳng hạn, là bỏ thói quen tô môi mỗi khi ra đường, ban đầu hơi mất tự tin, nghĩ môi mình nhợt nhạt như miếng thịt bò tái trong tô phở, nhưng rồi thoải mái dần, ăn uống nói năng thoải mái, và thấy gương mặt không trang điểm của mình vẫn tươi tắn tự nhiên.

Tôi nhận ra đời vui hơn khi mình sống giản dị. Và có cả trăm cách làm cho cuộc đời này bớt phức tạp đi. Bắt đầu bằng cách vứt bỏ một cái gì đó.

Nhà văn Lý Lan

Cảm nhận cuộc sống cùng Người đưa tin blog

Độc giả có những cảm nhận về cuộc sống cần chia sẻ cùng bạn bè, người thân, hãy viết cảm xúc đó, và vui lòng gửi về chúng tôi theo địa chỉ email: blog@nguoiduatin.vn. Bài viết có tính chất phi thương mại nên không tính nhuận bút. Trân trọng!


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.