"Mắt "cún" buồn, phải hầu cô Bơ"
Đang ngồi trong quán cà phê quen thuộc, chúng tôi bỗng thấy ồn ào. Chúng tôi ngó sang bàn bên, một người phụ nữ nhỏ thó, tóc tém, môi ăn trầu đỏ choét đang ngồi lọt thỏm giữa một đám quý bà cùng với tiếng nhạc lên đồng được phát ra từ chiếc điện thoại của "cô".
"Cô" có giọng nói líu lo, người đu đưa theo tiếng nhạc và sau mỗi câu phán thường tự thưởng cho mình những tràng cười khanh khách như trẻ nhỏ. Trước một quý bà có dáng bà chủ chuyên cho vay nặng lãi, ăn chơi khét tiếng, "cô" phán: "Em mình năm nay có nhiều chuyện buồn, dù tấn tài tấn lộc nhưng tình duyên thì mệt nhọc lắm. Mà em mình mới thế này chứ có đến 70 (tuổi) vẫn cứ mệt nhọc vậy. Em mình cần sắm lễ để đặng được nhẹ nhàng". Nói rồi "cô" bảo ghi lại lễ lạt và những điều cần tránh với lời hứa chắc như đinh đóng cột "đã biết đến cô thì mọi tai ách đều qua, vui vẻ mà sống, tài lộc khỏi phải nghĩ".
Một chị sồn sồn cho biết, theo thường lệ, lễ sắm sửa tùy tâm, chi phí bao nhiêu cũng... tùy gia chủ. Tuy nhiên, nếu cứ nghe thầy phán thế nào thì làm theo như thế nên lễ giải hạn, tính sơ sơ cũng không thể dưới con số 40 triệu đồng.
Một thầy bói đang "hành nghề".
Tôi nghe cô bạn đồng nghiệp đồn về một thầy xem tướng số bằng kinh dịch, coi tử vi khoa học và chính xác lắm. Giữa trưa một ngày đầu tháng 12, chúng tôi lặn lội tìm tới nhà thầy coi tương lai, hậu vận của mình sau này ra sao. Sau tấm rèm khép hờ, ý chừng thầy đang đông khách, chúng tôi thấy một không khí im ắng, kính cẩn bất giác cũng thấy... lạnh cả người.
Yên tâm vì đã được hẹn trước, bạn tôi lò dò vào thẽ thọt cắt ngang lời thầy: "Thầy ơi, em và bạn H.D, đã có đăng ký trước với thầy 1h chiều nay. Giờ chúng em đợi thầy hay thế nào ạ". Có lẽ vì đang tập trung "nhả lời vàng ngọc", khuyên nhủ "tín đồ", lại bị kẻ phàm tục cắt lời giữa chừng nên "thầy" giận dữ mắng té tát: "Hẹn hò gì mà hẹn, ai tên là H.D ở đây. Chiều nay có việc đi rồi, không ở nhà, thế nhé!". "Ô, sao thầy lại mắng chúng em?", vừa nói cô bạn vừa kéo tay tôi định quay ra cửa! Nghĩ tiếc công đi, tôi bấm tay cô bạn, ý bảo nên nín nhịn.
Sau một chầu cà phê, chém gió, buôn chuyện trên trời dưới biển với hàng xóm của nhà "thầy", đợi đúng giờ, chúng tôi lẳng lặng vào chỗ dành cho khách ngồi. Được cái, tuy "thầy" vừa mắng chúng tôi té tát là vậy nhưng sau chắc thấy chúng tôi "có vẻ thành tâm" nên khi bắt đầu xem, "thầy" đổi thái độ, dịu dàng hơn. "Thầy" đưa lá số lên màn hình, nói một cô trong số chúng tôi "phải có bồ thì mới cứu được gia đình khỏi chông chênh". Một cô khác thì "thầy" phán "có sức hút hấp dẫn với xe cộ". Đến lượt tôi, không hiểu thế nào, "thầy" lại phán: "Số cô dâm...". Vừa nghe xong, mặt tôi đỏ bừng, tức lắm nhưng không tiện... cãi lời "thầy". Một lúc sau, nghe "thầy" giảng giải, tôi mới vỡ lẽ "thầy" nói chữ "dâm" đó là lận đận, đa đoan... Bởi thế, muốn khỏi "dâm" thì lấy đi lấy... chồng!?
Rời nhà "thầy", chúng tôi tìm đến nhà một "cậu" khác ở phố Thi Sách (Hà Nội). Mới đầu giờ chiều nhưng đã có chừng 10 người ngồi đợi tới lượt mình. Cứ 2 người một lần xem, mẹ "cậu" nhắc các con nhang, đệ tử - mỗi người đặt 100 ngàn đồng để mẹ "cậu" khấn hộ. Tất nhiên, khi khấn con nhang phải đọc rõ họ tên, tuổi, địa chỉ, chồng con (nếu có). Mãi rồi cũng tới lượt mình, "cậu" nói rất nhiều về địa chỉ nhà tôi rất tài, ngõ ngách đủ cả (hồi sau tỉnh táo lại mới nhớ, lúc nãy đã vanh vách đọc số nhà mình có hẻm). "Cậu" nhẹ nhàng cầm tay rồi xem rất... điệu và duyên dáng (ai mà chìa tay quá nhanh, quá mạnh là "cậu" lườm... "Gớm, sỗ sàng!"). Nhưng có lẽ vì thấy tôi đặt lễ "chu đáo", lại có dáng vẻ nhẹ nhàng, thành tâm lắng nghe nên hỏi gì "cậu" cũng nói "tốt, tốt lắm" nhưng cụ thể "tốt" thế nào thì "cậu" không cho biết!
Đang "phán" dở cho tôi thì một cô gái khoảng 25 tuổi xin vào hỏi "cậu" một câu, đó là cắt tiền duyên ngày nào, cắt rồi là yên tâm chứ? "Cậu" đầy tự tin bảo: "Tất nhiên là tốt rồi!". Dù sao, giống như bất cứ con nhang, đệ tử nào cứ nghe "thầy" phán "tốt, tốt", tôi cũng thấy hoan hỉ trong lòng...
Thầy tiếp theo mà chúng tôi tới ở trên phố Hàng Quạt (Hà Nội). Thầy tự xưng là "mẹ", khoảng chừng 50 tuổi, gọi chúng tôi là "cún". Bạn tôi khen "mẹ" độ này xinh ra, lúc sau "mẹ" gia lộc mỗi "cún" 10 ngàn đồng. Sau khi hỏi tuổi, "mẹ" đọc rành rẽ vận hạn của từng người, khuyên nhủ cẩn thận điều gì đáng làm, điều gì cần tránh, nhưng nhìn chung cũng khá tốt, học hành tốt, tình duyên tốt, tài lộc nhiều. Tuy nhiên, "mẹ" chốt lại với tôi: "Mắt "con cún" này buồn lắm, phải hầu cô Bơ". Ôi, đôi mắt của tôi từ ngày mẹ sinh ra vẫn vậy. Đôi mắt buồn mênh mang khiến nhiều người lầm tưởng tôi là người theo đạo. Chẳng lẽ, đôi mắt buồn do tạo hóa cũng là... tội lỗi?. Mà tôi nghe đâu mỗi lễ hầu này phải mất vài chục triệu đồng. Ai căn cao số nặng phải hầu nhiều lần, số tiền lên tới cả trăm triệu. Gặp "mẹ" xong, tôi cũng thấy... rước lo vào người!?
"Canh... giờ hành sự"
Mỗi lần nhờ cậy đến thầy, số tiền được gọi là tùy tâm nhưng với số tiền khiêm tốn thầy chỉ nói rất nhanh, cụt lủn rồi đuổi khéo vì hết giờ mà thực chất là vì thấy quá ít tiền. Muốn thầy "chỉ giáo" thêm, các chị, em phải biết ý chồng thêm tiền. Một chiêu móc túi khôn ngoan của các thầy, bình thường 10 người đến xem thì đến 7, 8 người thầy phán là có "hạn" cần phải "giải".
Trong chuyến đi "xem tương lai" ấy, tôi có gặp chị Thu Hằng (Ba Đình - Hà Nội). Chị lấy chồng, nhà chồng ba đời độc đinh. Chị Hằng cũng đã sinh một bé gái nên chuẩn bị sinh con thứ hai để đáp ứng "khát vọng" có người nối dõi của nhà chồng. Chị Hằng chẳng tiếc tiền của đặt lễ hậu, thầy xem tuổi vợ chồng chị rồi phán phải "hành sự"... đúng giờ... thì mới mong có quý tử.
Nhưng thông thường vì quá căng thẳng "canh" giờ đẹp nên dù có "phấn đấu" thế nào vợ chồng chị Hằng cũng đành... bó tay. Cầu kỳ hơn, mẹ chồng chị Hằng còn mời thầy tới nhà, bên ngoài thầy làm lễ, bên trong vợ chồng chị răm rắp làm theo lời thầy... chỉ giáo. Tuy nhiên, kết cục bi hài đó lại tiếp tục là một công chúa mà không phải quý tử như gia đình kỳ vọng... Những lễ riêng tại gia như thế thường ngốn mất của gia chủ từ vài triệu đồng thậm chí vài chục triệu đồng. Tiền "bo" cho thầy tỷ lệ thuận theo mức độ cao tay và tiếng tăm của thầy, trung bình khoảng 1 - 2 triệu đồng một lần làm lễ.
Một cô bạn của tôi vừa ở nước Anh về, dù bạn bè đã tay bồng tay bế từ lâu, nhưng nàng thì vẫn chưa thấy duyên tới. Bà dì sốt ruột lôi cháu đi... cắt tiền duyên. "Mẹ" nói, yên tâm, cuối năm là cưới. Giá chung của "mẹ" là 1,5 triệu đồng, nhưng vì nàng sống ở Tây nên giá phải khác, gấp lần 3 là 4,5 triệu đồng. Tuy nhiên, tới nay dù đã sang năm thứ hai, nàng vẫn chưa thấy duyên đâu...
Nhìn nhận hiện tượng này, trong lần đến thăm Thiền viện Trúc Lâm (Vĩnh Phúc), chúng tôi diện kiến Thượng tọa Thích Kiến Nguyệt và được nghe ông kiến giải: "Hiện nay các cô đồng, cậu mẫu đang thể hiện sự tham, sân, trong khi đức Phật dậy mình từ bi hỉ xả. Nếu ai cũng cầu lộc, cầu phúc, cầu tài được thì đã giàu hết rồi. Không những thế, mỗi lần cầu mở phủ phải mất tiền tỷ, đổi tiền thật lấy tiền giả để đốt bỏ đi. Hơn nữa, tiền là tín dụng, tiền nước nào do ngân hàng Nhà nước phát hành, mà chúng ta lại dùng tiền đô la giả, ông bà mình nhận tiền đó liệu biết xài với ai...".
Mới hay ở đời, ít có ai tự bằng lòng với những gì mình có và lòng tham dẫn người ta đến... cửa nhà thầy!
"Cao thủ" cũng có "mẫu số chung” Một vòng bái kiến các "cao thủ" bói toán Hà thành, tôi rút ra được một "mẫu số" chung. Thông thường, người đi xem bói với những người trẻ, với những bạn gái chưa có người yêu, thầy thúc giục làm lễ cắt tiền duyên để mong có anh cao to, nghề nghiệp đàng hoàng để mắt đến. Chị, em nào đã yên bề gia thất thì được thầy xui làm lễ để sinh con trai, chồng thăng chức. |
Uyên Na