Đâu là lý do thực sự khiến Google bất ngờ đưa ra quyết định mua lại Motorola Mobility?
Vào thời điểm này cách đây 1 năm, mọi lý do đều đổ dồn vào việc Google thâu tóm Motorola do muốn sở hữu số bằng sáng chế mà Motorola đang có. Nguyên nhân sâu xa là do lúc đó cuộc chiến pháp lý giữa Android (Samsung) và Apple đang nổ ra gay gắt hơn lúc nào hết. Không chỉ Google tức tưởi đi thu gom bằng sáng chế, Mirosoft, Samsung, HTC, Oracle cũng làm điều tương tự.
Tuy nhiên, bỏ ra tận 12 tỷ USD chỉ để nhằm vào chỗ bằng sáng chế của Motorola đang sở hữu thì đúng là “chơi” quá. Google trước nay luôn được biết đến là nhà cung cấp dịch vụ hàng đầu, riêng trong ngành dịch vụ thôi họ cũng đã có quá nhiều thứ để quản lý, phát triển và giờ họ lại “ôm đồn” thêm cả mảng sản xuất phần cứng nữa. Có thể vì mơ ước đến những sản phẩm khép kín tương tự mô hình của Apple, cũng có vẻ hợp lý vì Google đã có một hệ điều hành riêng, một hệ sinh thái đa dạng và giờ cần có thêm một bộ phận phần cứng đủ mạnh. Nhưng bù lại, họ cũng sở hữu những thứ mà Apple không có: search, youtube...
Google thừa hiểu sẽ khó mà có hai mô hình giống y hệt nhau cùng tồn tại, hơn nữa họ cũng đủ sáng suốt và sáng tạo để tạo ra những hướng đi riêng biệt phù hợp với nền tảng sẵn có của mình. Vậy sao Google lại thâu tóm Motorola và xao nhãng cả năm trời? Theo lời giải thích của Google, đó là khoảng thời gian đợi cho “tàn dư” cũ của Motorola phai nhòa. Và đúng là trong một năm vừa rồi Google chỉ “đợi”, Motorola vẫn tiến hành hoạt động, triển khai dự án độc lập.
Google có những đối tác phần cứng đáng tin cậy và lâu năm. Mối quan hệ này vẫn rất nồng ấm trong thời điểm hiện tại và sẽ là cả trong tương lai gần. Theo một số chuyên gia, Google mua Motorola là để làm kế hoạch B, đề phòng các đối tác phần cứng hiện tại quay lưng và tạo ra một dòng sản phẩm thuần Google. Điều này rất đáng được lưu tâm khi Samsung đã hơn một lần cố gắng thoát khỏi sự lệ thuộc vào Android với Bada trước kia và gần đây nhất là tizen và đều… không thành công. Nhưng nhìn lại thì ta thấy Google không hề bị động trong việc phụ thuộc vào đối tác phần cứng, ngược lại họ làm cho các đối tác phần cứng thèm muốn được hợp tác với mình. Google cực kì thông minh và khéo léo trong việc tạo quan hệ và liên kết với các hãng sản xuất, thực tế cho thấi Google hợp tác với hầu hết các hãng sản xuất phần cứng tên tuổi, chứ không chỉ riêng Samsung hai HTC.
Google quá điêu luyện trong việc tìm, lựa chọn và chiếm trọn tình cảm của đối tác. Google cũng đã tạo được dòng sản phẩm phần cứng hoàn hảo của riêng mình: Nexus. Cho dù là nhà sản xuất nào đứng ra gia công dòng sản phẩm này cho Google đi nữa thì đó vẫn luôn là Nexus, vẫn chạy mượt mà nhất trong dòng họ Android và giá vẫn rất rẻ. Dù trước đây là Samsung, HTC hay bây giờ là LG và Asus thì vẫn chẳng có gì để phàn nàn. Cái chính là ý tưởng và thiết kế của Google là quá tốt, việc lựa chọn đối tác sản xuất là không khó vì hầu hết các hãng gia công ngày nay đều có đủ “trình” để gia công bất cứ thiết kế nào.
Google còn có thể tự tạo ra cả Google Glass, thì việc nói họ thâu tóm Motorola để phát triển các sản phẩm phần cứng là hơi ngây ngô. Có thể vì nhờ gia công nên đôi lúc, Google không được hoàn toàn chủ động trong việc sản xuất (việc Google và LG đổ lỗi cho nhau trong việc Nexus 4 khan hàng là một ví dụ), nhưng tổng hòa thì mối hợp tác kiểu này vẫn hoàn toàn tốt đẹp và chẳng có lý gì chỉ vì những lúc như thế mà giờ Google phải lấn sân sang một lĩnh vực hoàn toàn mới với giá không hề rẻ chưa kể đến những rủi do. Giờ đây, các hãng vẫn đang “giành nhau” để được hợp tác với Google. Và sẽ khó có chuyện tất cả các hãng đều quay lưng với sản phẩm free như Android.
Thêm vào đó, khi mua lại Motorola, việc làm các đối tác phần cứng hiện tại “phật lòng”. Đó quả thực là một điều Google không hề mong muốn. Acer đã hậm hực với Microsoft ra mặt khi Microsoft phát triển Surface là một minh chứng cho việc này. Đến thời điểm này, chúng ta đều có thể cảm nhận được sự NGAO NGÁN của Google với Motorola.
Các nhà sản xuất Smartphone ngày nay cạnh tranh cực kỳ khốc liệt, việc Motorola hụt hơi trong cuộc cạnh tranh chứng tỏ họ không thực sự mạnh và có vấn đề. Thế mà khi mua lại Motorola cho đến giờ, Google thậm chí còn chẳng buồn mảy may có một hoạt động tái cơ cấu, hai chí ít là một kế hoạch trên sổ sách, cơ cấu của Motorola vẫn thế, từ nhân sự đến tài chính...
Ngay đến chính HTC cũng đang chật vật tái cơ cấu, nên nhớ HTC có bề dày lịch sử gia công phần cứng cho các hãng từ rất lâu. Và liệu Google, một “gà mờ” trong lĩnh vực phần cứng có thể giải quyết các vấn đề của Motorola và tham vọng thu lợi nhuận từ đó? Câu trả lời nếu là có thì đó quả là sự mạo hiểm của Google. Google trước nay luôn rất táo bạo và cực kỳ sáng tạo nhưng họ chưa bao giờ và sẽ không bao giờ mạo hiểm, đặc biệt với một khoảng đầu tư là 12 tỷ USD thì lại càng không. Trong khi Google đã đủ bận bịu thì chả có lý gì để ôm thêm một “cục nợ” theo đúng nghĩa đen trừ khi có một lý do đủ mạnh.
Lý do thực sự ở đây chính là “Trung Quốc”.
“Trung Quốc đang mua cả thế giới”. Nhận định này cực kỳ rõ ràng nếu nhìn vào thống kê những thương vụ M&A lớn nhất trong những năm qua: Hôm 29/5, một thương vụ thâu tóm lớn nhất của công ty Trung Quốc đối với một công ty Mỹ đã được công bố. Theo đó, công ty chế biến thịt lợn Shuanghui International của Trung Quốc có trụ sở ở Hong Kong đã mua SMithfield Foods Inc - công ty chế biến và kinh doanh thịt lợn lớn nhất thế giới của Mỹ với giá 4,7 tỷ USD. Chỉ cách đó 2 tuần, Tổng công ty lưới điện lớn nhất của Trung Quốc (State Grid Corporation of China - SGCC) đã chi tới 824 triệu USD để mua 19,99% cổ phần của công tỷ điện lực SP AusNET ở Australia.
Chủ sở hữu mới của tập đoàn kinh doanh chuỗi rạp chiếu phim Mỹ, Wanda cũng là người Trung Quốc. Một nhóm công ty Trung Quốc cũng vừa mua lại gần như toàn bộ cổ phần của Công ty cho thuê máy bay International Lease Finance thuộc Công tỷ bảo hiểm quốc tế Mỹ AIG để qua đó có quyền tiếp cận với mạng lưới hơn 200 hãng hàng không của 80 quốc gia. Cho đến nay, vụ thâu tóm lớn nhất của Trung Quốc ở nước ngoài là thỏa thuận Tập đoàn Dầu khí quốc gia CNOOC mua lại công ty Nexen Ltd của Canada với giá 17,7 tỷ USD năm 2012.
Hay việc Tập đoàn Lenovo mua lại bộ phận máy tính cá nhân của IBM, cũng như việc tập đoàn này sử dụng tên thương hiệu IBM trong 5 năm, nhằm khiến Lenovo ‘đồng nghĩa’ với một thương hiệu toàn cầu nổi tiếng về chất lượng, là một ví dụ nổi bật nhất về điều này. Lý do mà Trung Quốc muốn làm điều này thì quá đơn giản: Kinh tế có vai trò quyết định, cốt lõi của kinh tế lại chính là sản phẩm, có thể điều phối sản phẩm đồng nghĩa có thể chi phối kinh tế. Từ đó tạo nên sự ảnh hưởng chính trị to lớn. Và đương nhiên, Mỹ và phương Tây nhận ra điều này.
Motorola có thể nói là biểu tượng cho ngành sản xuất điện thoại của Mỹ: Hãng đầu tiên trên thế giới sản xuất điện thoại di động. Còn xét trong giới công nghệ, Motorola vẫn là một ông trùm có “số má” , thương hiệu của Motorola có độ tin cậy và được biết đến trên toàn thế giới, đây chính là điều mà các hãng công nghệ “thừa lượng thiếu chất” ở Trung Quốc thèm muốn.
Khi thông tin Motorola suy yếu, rất nhiều công ty Trung Quốc đã nhăm nhe nuốt chửng thương hiệu này: Huawei, ZTE để đã bày tỏ ý định muốn mua lại Motorola. Đến lúc này, chính phủ Mỹ không thể cứ iên nhìn Trung Quốc tác oai tác quái trên chính sân nhà của mình được. Đầu tiên, bằng các công cụ hành chính, pháp lý, Mỹ đã gây rất nhiều cản trở cho phía các nhà sản xuất Trung Quốc ve vãn tiếp cận Motorola.
Tiếp theo, chính phủ Mỹ phải tìm cách “thuyết phục” một công ty của Mỹ mua lại Motorola. Đương nhiên là các hãng công nghệ được nhắm đến. Xét tổng thể, công ty công nghệ nào của Mỹ đủ mạnh để có thể gánh vác trách nhiệm lớn lao này? IBM khi mà họ đã phải bán 1 phần cho Lenovo, Apple mua lại Motorola không để làm gì, Microsoft khi doanh số Windows ngài một sụt giảm tệ hại, Oracle với một tiềm lực chưa tương xứng hai Facebook vẫn loay hoay đi tim lợi nhuận? Chỉ có thể là Google đủ sức gánh vác trọng trách này.
Và thế là Google “phải mua”. Bù lại đương nhiên Google “được” Motorola và sự ưu ái của chính phủ Mỹ. Điển hình trong thời gian vừa rồi, khi mà một loạt các công ty công nghệ của Mỹ dính bê bối thuế quan, Apple - một biểu tượng khác của Mỹ cũng bị “đuổi cùng giết tận”, truy cứu đến cùng. Nhưng cùng một rắc rối ấy với Google gần đây thì mọi việc lại rất đơn giản và nhẹ nhàng, chưa đầy 3 ngày sau khi phát hiện Google thất thu thuế, các báo đã chẳng còn gì để viết về chủ đề này nữa. Hay các bạn có để ý diễn biến các vụ kiện gần đây giữa Samsung và Apple, hai biểu tượng của Mỹ và Hàn Quốc.
Trước đây, kiện trên đất Mỹ, Samsung phải bồi thường cho Apple cả tỷ USD vì dám “động” đến con cưng của Mỹ. Nhưng sang năm nay, quá bất ngờ, iPhone 4 và iPad 2 nhận lệnh cấm bán. Samsung sung sướng tột độ, lý do gì mà Mỹ lại đi “bênh” công ty của Hàn Quốc, vì quan hệ Đồng minh lâu đời? Không, đó là vì Samsung là nhà sản xuất điện thoại Android lớn nhất, mà Android là “con” ai thì ai cũng biết. Bỏ ra 12 tỷ USD vì “quốc gia” thì việc có chút ưu đãi cỏn con là tất yếu (đương nhiên không đời nào iPhone 5, iPad Mini bị cấm bán).
Một khi sự kết hợp có phần “gượng ép” thì sao mà có sự quan tâm được. Gần đây, Google có vẻ như đang dần có tình cảm Motorola khi chuẩn bị tung ra sản phẩm Motorola X đầy tính tương tác và một chiến lược truyền thông khủng. Nhưng xét cho cùng, dựa trên các hình ảnh về chiếc điện thoại này đã rò rỉ từ chính Eric SMith thì đây là chiếc Nexus thế hệ tiếp theo thì đúng hơn. So với bộ ba Droid mới ra mắt hai hôm trước thì Motorola X không có một chút gì liên quan tới Motorola trừ logo.
Sản phẩm có thể tuyệt, Motorola đương nhiên có thể gia công tốt. Nhưng sản phẩm hầu như chỉ có hình bóng của Google, không đau đớn cho Motorola sao được. Gần đây, còn có thông tin Motorola độc lập tuyển dụng đội ngũ thiết kế mới cho thấy phần nào sự bất mãn với việc Google chỉ biết “nghĩ đến mình” trong liên minh này. Nói một cách hóm hỉnh thì Google đã miiễn cưỡng sở hữu Motorola, nhưng chắc họ chỉ có được phần xác chứ không có được phần hồn của Motorola. Cảm giác như Google đang thả trôi chiếc thuyền Motorola treo cờ hiệu Google theo dòng nước.
Thu Hằng