MSD hội thảo về thúc đẩy minh bạch và trách nhiệm giải trình

MSD hội thảo về thúc đẩy minh bạch và trách nhiệm giải trình

Thứ 5, 29/08/2013 16:11

Để thúc đẩy các tổ chức xã hội trong việc thực hành ‘minh bạch và trách nhiệm giải trình’, Trung tâm nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững (MSD) đã thực hiện dự án ‘Thúc đẩy hiệu quả phát triển về minh bạch và trách nhiệm giải trình cho các tổ chức xã hội Việt Nam’.

Trong bối cảnh hiện nay, minh bạch gắn với trách nhiệm giải trình không chỉ là một yêu cầu cấp thiết để thực hành dân chủ, bảo đảm quyền của dân trong tham gia quản lý đất nước và xã hội, mà quan trọng hơn nữa, chính là một giải pháp hữu hiệu nhằm phòng, chống tệ nạn tham nhũng. ‘Minh bạch và trách nhiệm giải trình ( MB&TNGT)’ cũng là công cụ xây dựng tổ chức vững mạnh, phát triển bền vững, đang là xu thế, và đòi hỏi cấp bách của cả các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và TCXH phải thực hiện. Đặc biệt đối với các tổ chức xã hội, việc thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình vốn là một vấn đề thuộc về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của tổ chức xã hội, như là cốt lõi xuyên suốt bốn ‘tự’ đã từng nêu ra (tự nguyện, tự quản, tự chủ về tài chính và tự chịu trách nhiệm), là lẽ sống tự thân của các tổ chức xã hội.

Chính vì thế, để thúc đẩy các tổ chức xã hội trong việc thực hành MB&TNGT, trung tâm nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững (MSD) đã thực hiện dự án ‘Thúc đẩy hiệu quả phát triển về minh bạch và trách nhiệm giải trình cho các tổ chức xã hội Việt Nam’ – dự án do cơ quan viện trợ phát triển Ai-len (Irish Aid) tài trợ. Trong khuôn khổ dự án này, để truyền cảm hứng cho các tổ chức xã hội và các bên liên quan hỗ trợ các tổ chức xã hội thúc đẩy thực hành MB&TNGT, trung tâm nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững (MSD) tổ chức hội thảo ‘Sáng kiến của các tổ chức xã hội trong việc thúc đẩy minh bạch và trách nhiệm giải trình’ vào ngày 27/8/2013 tại Hà Nội.

Mục đích của hội thảo nhằm thúc đẩy học tập và chia sẻ sáng kiến giữa các bên liên quan trong việc thúc đẩy minh bạch và trách nhiệm giải trình; Giới thiệu mạng lưới quốc gia các tổ chức tham gia các sáng kiến CSOs về minh bạch và trách nhiệm giải trình (gọi tắt là CSO-TAI);Giới thiệu sáng kiến của MSD và các đối tác trong việc xây dựng bộ nguyên tắc về minh bạch và trách nhiệm giải trình (Code on T&A), Hệ thống giám sát và chứng nhận CSOs thực hành tốt quản trị minh bạch và giải trình (TAG) và giải thưởng NGO về thực hành tốt minh bạch và giải trình.

Cần biết - MSD hội thảo về thúc đẩy minh bạch và trách nhiệm giải trình MSD tổ chức hội thảo thúc đẩy minh bạch & trách nhiệm giải trình 

Tham dự hội thảo có gần 100 đại biểu, đại diện cho một số cơ quan nhà nước (bộ nội vụ, bộ kế hoạch và đầu tư, văn phòng Quốc hội, hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội..), nhà tài trợ (Irish Aid, USAID, CIDA, TAF, PARAFF…), các tổ chức xã hội Việt Nam và quốc tế, các chuyên gia nghiên cứu và các cơ quan truyền thông, v.v…

Hội thảo có 2 phiên thảo luận. Phiên thứ nhất tập trung vào sự ủng hộ của nhà nước và các bên liên quan trong việc thúc đẩy sự tham gia và các sáng kiến của CSOs thực hành MB&TNGT.

Các đại biểu đến từ các cơ quan nhà nước khẳng định: Việc thực hiện minh bạch và trách nhiệm giải trình đã được qui định rõ trong luật pháp của Việt Nam, đặc biệt trong luật Phòng chống tham nhũng (PCTN). Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật PCTN đã quy định khá cụ thể về các nội dung, lĩnh vực, phương thức để công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của mỗi tổ chức, cá nhân. Điều đó khuyến khích, thu hút CSOs cũng như các tổ chức phi chính phủ (NGOs) tham gia, tạo sự đồng thuận trong tuyên truyền, nâng cao nhận thức về PCTN hiệu quả hơn trong bối cảnh hiện nay. MB&TNGT còn được qui định rõ trong văn kiện quan hệ đối tác Việt Nam (VPD), trong đó, chính phủ cam kết cải tiến chính sách và thể chế để tăng cường MB&GT, tăng cường PCTN bằng hành động cụ thể như công khai hóa thông tin về ODA.

Bên cạnh đó, các đại diện các nhà tài trợ đã giới thiệu các chương trình hỗ trợ tài chính và kỹ thuật để CSOs có thể tham gia thực hành và thúc đẩy các bên liên quan thực hành MB&TNGT và sự tham gia của người dân vào tiến trình phát triển xã hội. Một số chương trình nổi bật hiện nay có thể kể đến như chương trình sáng kiến phòng chống tham nhũng (VACI) của ngân hàng thế giới phối hợp với thanh tra chính phủ, dự án minh bạch Việt Nam do ngân hàng thế giới chủ trì, hay chương trình của quỹ thúc đẩy sự tham gia của người dân và Trách nhiệm giải trình (PARAFF) do cơ quan hỗ trợ phát triển quốc tế Đan Mạch (DANIDA) & bộ phát triển quốc tế vương quốc Anh (DFID) tài trợ.

Phiên thứ 2, hội thảo tập trung vào các sáng kiến và thực hành của CSOs để thúc đẩy MB&TNGT. Trong phiên hội thảo này, các đối tác của dự án đã có cơ hội để báo cáo về các sáng kiến của tổ chức trong việc thúc đẩy MB&TNGT trong nội bộ tổ chức và các bên liên quan. Trung tâm Tương Lai với sáng kiến minh bạch hoá nội bộ tổ chức đã xây dựng mới chiến lược phát triển tổ chức, hoàn thiện toàn bộ các quy trình quản lý tổ chức theo hướng công khai minh bạch. Chiến lược và các quy trình quản lý mới đang được áp dụng và tỏ ra rất có hiệu quả.

‘Trung tâm có định hướng và thêm nhiều hoạt động để trở nên minh bạch và chủ động giải trình với các bên liên quan hơn. Trung tâm đã hoàn thành được bản chiến lược, chính sách nhân sự, chính sách tài chính với sự hỗ trợ của MSD. Từ đó, trung tâm cũng ngày càng minh bạch và thuận lợi hơn trong việc giải trình với các bên liên quan’ (Tương Lai).

Với trung tâm Lin, việc minh bạch giải trình không chỉ còn nằm trong nội bộ tổ chức mà Lin đang lấy chính mình làm một mô hình thực hành tốt MB&TNGT để truyền cảm hứng cho 12 tổ chức đối tác mà Lin đang hỗ trợ tại khu vực thành phố Hồ Chí Minh và các vùng lân cận. Việc thực hành tốt MB&TNGT giúp Lin tạo được sự tin tưởng gắn kết với các đối tác, thực hiện hiệu quả các công việc, và thu hút được rất nhiều các nguồn tài trợ và tình nguyện từ các tổ chức, các doanh nghiệp và các cá nhân trong nước và quốc tế.

Trong phiên hội thảo này, thu hút nhất chính là phần trình bày và thảo luận về sáng kiến mới – chiến lược sắp tới của MSD và đối tác trong việc thúc đẩy MB&TNGT cho CSOs. Sau quá trình nghiên cứu và cân nhắc, MSD và các đối tác quyết định thực hiện chương trình ‘Sáng kiến của CSOs trong việc thúc đẩy MB&TNGT’ (gọi tắt là CSO-TAI). CSO-TAI là mạng lưới tập hợp các tổ chức tự nguyện và cam kết với việc thúc đẩy và thực hành Mb&TNGT trong tổ chức như một nguyên tắc thiết yếu để phát triển bền vững và hiệu quả.

CSO-TAI hoạt động trên cơ sở tự nguyện, tự quản, tự trang trải kinh phí và do CSOs là người xây dựng và làm chủ. Các thành tố cơ bản của CSO –TAI bao gồm: Các chương trình hoạt động nâng cao năng lực cho CSOs và các bên liên quan về MB&TNGT; Cơ sở dữ liệu thông tin, sáng kiến và các tài liệu hỗ trợ việc thúc đẩy MB&TNGT cho CSOs; Bộ nguyên tắc và hướng dẫn thực hành MB&TNGT (Code on T&A) do CSOs xây dựng và cam kết; Hệ thống tự đánh giá và cấp chứng nhận MB&TNGT cho các tổ chức có thực hành tốt về MB&TNGT cùng cơ sở dữ liệu các tổ chức đáp ứng và được cấp chứng nhận (TAG certificates); Chương trình hỗ trợ, trao thưởng hàng năm cho các tổ chức thực hành tốt MB&TNGT (NGO Awards).

Kế hoạch thực hiện các sáng kiến này sẽ bắt đầu được triển khai từ tháng 9.2013 với sự tham gia của đông đảo các CSOs và cả các chuyên gia đến từ quốc tế, viện nghiên cứu của nhà nước và đại diện tham vấn của các nhà tài trợ. CSO-TAI hy vọng có thể xây dựng được một hệ thống tổng hợp để nâng cao năng lực, truyền cảm hứng thúc đẩy thực hành MB&TNGT của CSOs và các bên liên quan, góp phần xây dựng một xã hội Việt Nam minh bạch và giải trình.

Thông tin và tài liệu hội thảo có tại trang tin chính thức của CSO-TAI: www.tai.org.vn

H.N 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.