Hưởng ứng lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, đã có rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước đã đăng ký và ủng hộ thông qua Ban Vận động Cứu trợ Trung ương.
Tính đến 17h ngày 12/9/2024, số tiền các tổ chức, cá nhân đã chuyển về tài khoản của Ban Vận động cứu trợ Trung ương là 527,8 tỷ đồng.
Theo Sài Gòn Giải Phóng, MTTQ cũng vừa công khai thống kê số tiền ủng hộ qua số tài khoản Vietcombank 0011001932418 từ ngày 1/9/2024 đến ngày 10/9/2024, với trên 12.000 trang trên Fanpage của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Cụ thể, danh sách này gồm 12.028 trang và sẽ liên tục được cập nhật. Trong danh sách này, thống kê chi tiết ngày, số tiền cũng như nội dung giao dịch của người dân. Từ những giao dịch vài nghìn đồng đến hàng trăm triệu đồng, tất cả đều là tấm lòng của nhân dân cả nước để ủng hộ đến những đồng bào chịu ảnh hưởng do bão số 3.
"12.000 trang. Đỉnh thật sự, mà máy mình không load nổi để xem được hết. Mọi người vào trang drive này trên máy tính, ấn Ctrl+F rồi nhập dòng chữ số sau Ref ở trong tin nhắn ngân hàng gửi, là sẽ tự tìm thấy chính mình", tài khoản Đinh Tuấn Nghĩa hướng dẫn mọi người tra cứu ủng hộ của mình trên Fanpage của MTTQ.
Việc công khai sao kê này được người dân ủng hộ, nhằm minh bạch các khoản ủng hộ đồng bào. Nhiều ý kiến đều bày tỏ mong muốn rằng tất cả số tiền ủng hộ này sẽ sớm đến được với đồng bào, để sửa sang lại cầu, đường, trường, trạm, để khắc phục phần nào những mất mát về vật chất và tinh thần, đặc biệt là với những bà con bị mất người thân, bị sập nhà, bị mất trắng mùa màng…
Tài khoản Đỗ Thị Mai Chi để lại bình luận trên Fanpage của MTTQ: "Tự dưng cái tên nhỏ bé của chính mình được có trong danh sách, thấy may mắn, tự hào vô cùng khi được là công dân Việt Nam, được chung đồng lòng cùng nhân dân cả nước hướng về đồng bào".
Bạn Hùng Việt nêu ý kiến: "Hay quá, MTTQ bây giờ có sẵn sao kê, mai mốt có thêm sao kê chi tiêu nữa là dân an tâm mà gởi niềm tin vào MTTQ". Sau lần công khai sao kê này, số tiền gửi về MTTQVN có thể sẽ tăng vọt so với mọi cuộc vận động trước đây.
Nhiều ý kiến cũng mong muốn MTTQ sẽ tiếp tục công khai các khoản chi từ nguồn ủng hộ để nhân dân cả nước giám sát việc sử dụng nguồn ủng hộ này. Có công khai, minh bạch mới biết tiền đi đâu, về đâu, đang ở chỗ nào để toàn dân giám sát.
Đáng chú ý, từ đêm 13/9 qua đến nay, cộng đồng mạng đặc biệt quan tâm đến danh sách sao kê tiền ủng hộ mà MTTQ đã công bố với việc có nhiều khoản ủng hộ mang tính chất "vô lý".
Sao kê cho thấy số tiền ủng hộ của một số tập thể chỉ là 2.000, 10.000. 20.000 đồng, từ đó cộng đồng mạng nghi vấn: liệu có hay không việc "ăn chặn" tiền ủng hộ trước khi chuyển khoản đến tài khoản của MTTQ?
Một số cộng đồng mạng còn chỉ ra không ít trường hợp người nổi tiếng công khai trên trang cá nhân ủng hộ đồng bào nhiều tiền, nhưng trên sao kê thì chỉ là số tiền rất ít ỏi.
Theo Dân Việt, một ví dụ điển hình là P.N.P (còn được biết đến là L.P) - một cựu vận động viên thể thao đã chuyển khoản món tiền (bị che) kèm nội dung "đóng góp và khắc phục hậu quả bão số 3 Yagi". Người này sau đó chụp màn hình giao dịch chuyển tiền, dùng các ký tự che đi các con số cụ thể, chỉ để lộ ra một phần rất nhỏ trên đỉnh đầu.
Những người theo dõi tài khoản Facebook của cô đếm có tới 8 vị trí bị che, tương ứng với 8 con số (do mỗi biểu tượng đều để lộ một phần chi tiết thể hiện có ký tự số tại vị trí bị che), đồng nghĩa số tiền đã chuyển được hiểu là hàng chục triệu đồng.
Sau khi có sao kê từ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cộng đồng mạng nhanh chóng truy ra giao dịch với thông tin trùng khớp, tuy nhiên số tiền thực tế là 500.000 đồng. Từ việc trên khiến không ít cộng đồng mạng bức xúc, tố cô gái này "làm màu, phông bạt" và lợi dụng việc ủng hộ đồng bào đang gặp thiên tai để "đánh bóng tên tuổi".
Một trường hợp khác cũng bị tố giác nhanh chóng là nhân vật tên T.D.A - hoạt động trong lĩnh vực "đầu tư tiền điện tử" đăng lời kêu gọi những người trong cộng đồng và bạn bè cùng ủng hộ người dân vùng chịu thiên tai. Kèm với lời kêu gọi kết thúc bằng câu nói "Cho đi là còn mãi", anh đính kèm ảnh chụp màn hình chuyển khoản tới Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam khoản tiền 100 triệu đồng.
Điều đáng nói dân mạng đã kiểm tra lại thông tin ngày giờ giao dịch để kiểm chứng lại thì phát hiện ra số tiền chuyển thực tế chỉ 10.000 đồng. Nhiều người sau khi biết sự thật đã tỏ ra thất vọng với hành động cũng như suy nghĩ của các cá nhân này.
"Việc mọi người ủng hộ dù một đồng cũng đáng quý nên có nhất thiết phải làm như vậy không", một cư dân mạng bày tỏ thất vọng.
Ngay sau khi bị dân mạng phát hiện ra sự gian dối của mình, những người đăng tải "khoe" khoản tiền ủng hộ đã vội khóa tài khoản mạng xã hội. Không ít người cho rằng, nếu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công bố bản sao kê chậm thêm ít ngày sẽ còn phát hiện thêm nhiều trường hợp lợi dụng từ thiện và hoàn cảnh khó khăn của người khác để khoe mẽ bản thân trên mạng.
Trao đổi với Dân Việt, bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội Khoá XIII cho rằng, trong lúc thiên tai, dịch hoạ luôn cần sự chung tay, chia ngọt sẻ bùi của dân tộc Việt Nam, đặc biệt trong lúc này sự chia sẻ quan trọng hơn bất kỳ khi nào hết.
"Các cụ xưa có câu một miếng khi đói bằng một gói khi no. Chính vì vậy tất cả sự chung tay ủng hộ của nhân dân thì phải đến tay những người dân cần được trợ giúp. Phải đến tay tận nơi một cách cụ thể, công khai, minh bạch. Việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công khai minh bạch từ thiện rõ ràng làm tăng niềm tin trong nhân dân", bà An chia sẻ.
Nói thêm về hiện tượng "lên mạng sống ảo" hiện nay, bà An cho hay: "Đề phòng có sự nhầm lẫn gì đó nên tôi đề nghị công khai tài khoản đóng góp, công khai số tiền thực ủng hộ. Còn đúng hay sai người dân đối chứng từ số giao dịch ngân hàng, thời gian sẽ rõ ràng ngay thôi".
Trong khi đó, TS.LS Đặng Văn Cường (Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội) cho rằng, tấm lòng với bà con vùng lũ ít hay nhiều phụ thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện của mỗi người, không ai chê trách từ thiện nhiều hay ít miễn là từ tâm. Nếu sửa biên lai chuyển tiền, photoshop biên lai để thể hiện tăng số tiền từ thiện thì không chỉ là hành vi vi phạm đạo đức xã hội mà còn là hành vi vi phạm pháp luật.
Phân tích về hiện tượng "lên mạng sống ảo" hiện nay, một chuyên gia về mạng xã hội cho rằng điều này rất phổ biến hiện nay và có một bộ phận không nhỏ người dùng sẵn sàng làm mọi cách để thu hút sự chú ý, có được nhiều "Like" từ các nội dung của mình.
"Họ thích thú khi thấy bài đăng được nhiều tương tác, thích được khoe giàu có, hào phóng dù đó chỉ là thứ hư ảo trên mạng xã hội. Chúng ta đã nghe nhiều về câu chuyện các bạn trẻ đôi mươi khoe "phá" của bố mẹ hàng nghìn tỉ, tay trắng rồi nhờ làm việc này việc kia mà trả hết nợ, mua được nhà, xe sang, hay chuyện kiếm mỗi tháng vài trăm triệu đồng. Những điều đó chỉ có trên mạng xã hội, còn người làm được thật thì họ không có đủ thời gian lên mạng để khoe", vị chuyên gia chia sẻ với báo Thanh Niên.
Minh Hoa (t/h)