Chưa có cơ sở pháp lý để xử phạt
Theo ông, căn cứ vào đâu Ủy ban ATGT quốc gia lại đưa ra quy định này?
Tôi rất bất ngờ khi báo chí đồng loạt đưa tin về quy định trên. Đến giờ phút này, tôi và hầu hết các chuyên gia giao thông đều chưa hiểu dựa vào cơ sở pháp lý nào mà Ủy ban ATGT lại đưa ý tưởng đó thành quy định. Có rất nhiều điểm bất hợp lý mà ai cũng có thể phân tích được.
Thứ nhất, khi người dân đội mũ đi trên đường, cơ quan chức năng dựa vào đâu khẳng định họ đang sử dụng MBH giả để yêu cầu dừng xe kiểm tra? Việc này sẽ tốn rất nhiều thời gian. Thứ hai, khi phát hiện ra dân đội mũ giả, người thực thi luật cũng không biết được người đang cố tình vi phạm luật hay họ là nạn nhân của các cửa hàng kinh doanh mũ kém chất lượng.
Theo tôi, đa số người dân đều có ý định mua mũ tốt, chất lượng để sử dụng. Tuy nhiên, chính cơ quan quản lý thị trường đã không làm tốt việc của mình khiến họ mua phải mũ giả. Trong quy định này có thể nói, xét về tình và lý đều không rõ ràng.
TS. Nguyễn Xuân Thủy.
Muốn giải quyết cái gốc của vấn đề MBH giả tràn lan trên thị trường, chúng ta phải làm từ đâu, thưa ông?
Tôi và nhiều chuyên gia về giao thông vận tải đều có chung ý kiến, trong vấn đề giải quyết mũ giả, kém chất lượng trên thị trường, Nhà nước cần phải thực hiện có lộ trình. Đầu tiên phải làm nghiêm ngặt từ các cơ quan quản lý Nhà nước. Cục Đăng kiểm Việt Nam là cơ quan được bộ GTVT giao kiểm tra mũ thật giả và Cục Quản lý thị trường (bộ Công thương) phải kiểm soát tốt các cơ sở từ khâu sản xuất và kinh doanh mũ. Sau khi làm tốt công tác này thì cơ quan quản lý mới kiểm tra trên thị trường. Theo tôi, từ trước đến nay, cái gốc của vấn đề là nơi sản xuất, kinh doanh mũ giả, chúng ta vẫn chưa kiểm soát được. Chính vì thế, quy định trên chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đềì.
Đừng đổ lỗi cho người dân
Với quy định trên, dường như cơ quan chức năng đang đổ trách nhiệm cho dân, thưa ông?
Đúng là như vậy! Việc phát hiện, xử lý tận gốc MBH giả, kém chất lượng là của Cục Quản lý thị trường và Cục Đăng kiểm Việt Nam. Tuy nhiên, những năm qua, họ không làm tốt công tác này. Ra ngoài đường, mũ không tem, không nhãn mác vẫn bày bán tràn lan. Tôi được biết, vấn đề MBH giả đã được báo chí nói rất nhiều và cơ quan chức năng cũng đã từng ra quân xử lý. Tuy nhiên, đến nay, mọi chuyện vẫn giậm chân tại chỗ. Những cửa hàng kinh doanh MBH giòn như... "bánh đa" vẫn mọc lên như nấm. Để người dân mua phải những sản phẩm như vậy là do cơ quan chức năng làm chưa nghiêm, chưa hiệu quả. Chính vì vậy, việc ra quy định phạt người dân đội MBH giả là vô lý, đẩy trách nhiệm về phía người dân.
Theo ông, trách nhiệm của cơ quan quản lý thị trường như thế nào khi để 70% mũ giả bày bán tràn lan trên thị trường?
Khi nghe cơ quan báo chí đưa tin, số mũ giả hiện nay 70% là giả, tôi và người dân đều giật mình và cảm thấy hết sức lo lắng. Để giải thích cho thực trạng này, có người đã nói rằng, do người dân ham rẻ nên mũ giả, kém chất lượng mới có "đất sống". Tuy nhiên, ai cũng biết, khuyết điểm là của cơ quan quản lý thị trường chứ không phải người mua. Theo tôi, Cục Quản lý thị trường cần nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm. Họ cần sát sao trong việc kiểm tra và có chế tài xử phạt nặng hơn nữa. Đối với những cơ sở sản xuất, nhập lậu mũ giả, nếu tái diễn có thể xử phạt hình sự thay vì hành chính. Bởi vì, khi đội mũ giả, gặp tai nạn, nhiều người có thể tử vong do chấn thương sọ não hoặc tổn thương suốt đời. Chính vì thế, để đảm bảo an toàn cho người dân, cơ quan quản lý cần quyết liệt hơn. Việc phạt mấy trăm nghìn đồng hay một vài triệu chắc chắn sẽ không giải quyết được vấn đề.
Nhiều ý kiến cho rằng, quy định sẽ rất khó khả thi bởi nó vấp phải sự phản đối của dư luận. Không ít người nói rằng, với quy định này, nhiều người dân sẽ bị phạt oan, ông nghĩ sao về nhận định này?
Rõ ràng là như vậy. Tôi cũng khẳng định rằng có tình huống người dân vì muốn chống đối công an giao thông nên đội MBH kém chất lượng chỉ với giá 20-30.000 đồng. Tuy nhiên, đó chỉ là thiểu số. Thực tế cho thấy, nhiều người bỏ ra hàng trăm nghìn, thậm chí là hàng triệu đồng mua mũ "xịn" để tự bảo vệ mình nhưng bị các cửa hàng kinh doanh lừa đảo. Chẳng lẽ, khi cơ quan chức năng kiểm tra, những nạn nhân mua phải mũ giả cũng bị phạt?. Lúc đó, người dân không những là nạn nhân của việc kinh doanh hàng giả mà còn bị coi là người phạm luật. Đó là điểm không hợp lý. Với quy định này, người dân phải chịu phạt thay cho cơ quan quản lý thị trường.
Xin cám ơn ông!
"Chuyên gia còn nhầm nói gì đến dân" TS. Nguyễn Xuân Thủy khẳng định, hiện nay, bất cứ thứ hàng hóa nào cũng có thể bị làm giả. Người ta thiết kế MBH kém chất lượng giống thật đến nỗi nhiều người có chuyên môn còn không phát hiện được, nói gì đến người dân. Hơn nữa, cơ quan quản lý thị thường tuyên truyền người dân phải mua hàng chính hãng, có tem, nhãn mác đầy đủ. Tuy nhiên hiện nay, tem, nhãn mác bán tràn lan trên thị trường. Việc người dân không "sập bẫy" mua phải hàng giả mới bị coi là chuyện lạ. |
Văn Chương - Phạm Hạnh