Mù mờ trách nhiệm phòng ngừa người tâm thần gây án

Mù mờ trách nhiệm phòng ngừa người tâm thần gây án

Thứ 5, 27/12/2012 23:44

Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) đã có văn bản gửi công an các địa phương tăng cường phối hợp để quản lý, ngăn chặn nguy cơ tiềm ẩn từ việc người tâm thần gây án. Tuy nhiên, vẫn có những lỗ hổng đáng quan ngại về mặt pháp lý.

Xung quanh vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với Đại tá Nguyễn Viết Hòa - trưởng phòng Cảnh sát Hình sự (Công an tỉnh Nghệ An).

Thưa ông, dưới góc độ pháp lý, ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề người tâm thần gây trọng án?

Thời gian qua, vấn đề người tâm thần gây ra nhiều vụ án mạng đau lòng mà nạn nhân chủ yếu lại chính là những người thân của họ, đã khiến dư luận không khỏi xót xa. Ngay trên địa bàn tỉnh Nghệ An, trước đây có năm trung bình khoảng từ 5-6 vụ người tâm thần gây trọng án.

Trong năm 2011, Phòng Cảnh sát Hình sự (Công an tỉnh Nghệ An) thụ lý ba vụ án mạng do người mắc bệnh tâm thần gây ra. Vụ thứ nhất xảy ra vào tháng 3/2011, tại xã Thanh Phong, huyện Thanh Chương, thủ phạm là Bùi Đức Khánh giết vợ là Nguyễn Thị L. Tiếp đó, ngày 4/11/2011, tại xã Nghi Phú, TP.Vinh, đối tượng Hồ Văn Dũng lên cơn thần kinh, sát hại bà nội là Hồ Thị L.

Cũng trong khoảng thời gian này, Nguyễn Văn Bình là người có tiền sử bệnh tâm thần, trú tại huyện Yên Thành, đã ra tay giết anh ruột mình vốn là một đại tá quân đội nghỉ hưu. Cho đến khi bị đưa về trụ sở cơ quan điều tra, Bình vẫn luôn miệng nói rằng: "Đó là kẻ thù, phải giết!". Sau khi có kết luận giám định tâm thần thì cả ba trường hợp trên đều không phải chịu trách nhiệm hình sự và phải thi hành biện pháp chữa bệnh bắt buộc.

Pháp luật - Mù mờ trách nhiệm phòng ngừa người tâm thần gây án

Đại tá Nguyễn Viết Hòa.

Về phía Cơ quan điều tra, sau khi thu thập đầy đủ các tài liệu cho thấy người gây án có dấu hiệu tâm thần thì phải trưng cầu giám định tâm thần. Nếu kết luận, bệnh tâm thần đó không phải chịu trách nhiệm hình sự thì Viện kiểm sát sẽ ra quyết định không truy tố, đồng thời kèm theo quyết định đi chữa bệnh bắt buộc. Khi đó, cơ quan điều tra sẽ đưa họ đi chữa trị cho đến khi ổn định, rồi giao cho gia đình và địa phương.

Mặt khác, các bị can sau khi được cơ quan điều tra đưa đi chữa bệnh bắt buộc nhưng khi chữa trị trở về, hầu như những người thân trong gia đình họ lại không tin tưởng bệnh có thể chữa trị được ổn định, mà vẫn lo sợ bệnh tâm thần sẽ tái phát và giết thêm người thân nên một số người trong họ hàng tỏ ra xa lánh người bệnh.

Hoặc nhiều gia đình neo đơn, không có người đứng ra đảm nhận việc chăm sóc người tâm thần được trở về, cơ quan điều tra đành giao cho chính quyền địa phương. Nói là địa phương quản lý, chăm sóc người tâm thần, nhưng đó cũng chỉ là hình thức, người ta không thể quan tâm tận tình đến người bệnh được. Xã hội cần tính toán, hỗ trợ kinh phí cho người bệnh gặp khó khăn, tăng cường cơ sở vật chất cho các bệnh viện tâm thần.

Bởi lẽ, nếu để xảy ra hậu quả như những vụ trọng án mà tôi dẫn chứng ở trên, nó rất nặng nề. Ví dụ chồng bị tâm thần giết vợ, mà vợ lại là lao động chính trong gia đình thì con cái sẽ nheo nhóc, thiếu đi sự chăm sóc dạy dỗ của người lớn sau này.

Theo quy định, cơ quan điều tra phải căn cứ vào kết quả giám định tâm thần để xử lý trước pháp luật, xem xét người đó phải chịu trách nhiệm hình sự một phần hay chịu trách nhiệm 1/2 hình phạt. Có những người mắc bệnh tâm thần nhưng khi anh ta gây án vẫn nhận thức được thì phải truy tố. Với những trường hợp này, sau khi chữa bệnh bắt buộc xong thì mới xử lý hình sự.

Ngoài việc bắt buộc chữa bệnh khi người tâm thần đã gây án, theo ông cần phải làm gì để ngăn ngừa những vụ án đau lòng tương tự?

Trước thực tế có nhiều vụ án đau lòng do người tâm thần gây ra, Cục Cảnh sát Hình sự đã có văn bản gửi công an các địa phương phối hợp với cấp chính quyền tăng cường quản lý, phòng ngừa, đề xuất biện pháp đưa những người có dấu hiệu tâm thần vào các trại tập trung chữa bệnh, không để ngoài xã hội, vì họ có thể gây ra hành vi nguy hiểm cho những người xung quanh. Sau khi nhận được kế hoạch đó, công an các tỉnh đã triển khai xuống từng cơ sở để làm thế nào hạn chế tốt nhất người tâm thần gây án.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây, ai sẽ là người cầm chịch trong việc đưa người tâm thần đi chữa bệnh, ngành nào sẽ đứng ra chịu trách nhiệm cái đó? Cơ quan công an chỉ đứng ra làm công tác phòng ngừa, yêu cầu gia đình bệnh nhân đưa người bệnh vào các trung tâm chữa trị, nhưng nếu họ không có tiền hay vì một lý do nào đó mà không đưa người bệnh đi chữa trị thì cũng không thể xử lý được.

Hơn nữa, bệnh tâm thần có đặc điểm khác biệt so với các bệnh khác là không phải chữa trị ngày một ngày hai sẽ khỏi mà kéo dài hàng tháng trời, thậm chí hàng năm ròng, gây tốn kém cho gia đình bệnh nhân. Ngoài ra, những bệnh nhân này thường gây khó khăn cho bệnh viện, người ta phải nhốt lại, nếu không cẩn thận thì họ còn đập phá, trốn, có khi lại gây án trong bệnh viện.

Pháp luật - Mù mờ trách nhiệm phòng ngừa người tâm thần gây án (Hình 2).

Ra đến tòa, bị cáo Dũng vẫn còn nguyên biểu hiện của một bệnh nhân tâm thần.

Trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành trong việc đưa người tâm thần đi chữa bệnh đến đâu?

Hiện nay, chưa có văn bản pháp luật nào quy định ai, cơ quan nào có trách nhiệm đưa người mắc bệnh tâm thần đến cơ sở khám chữa bệnh điều trị khi người bệnh chưa phạm tội. Việc chữa bệnh bắt buộc chỉ được áp dụng từ giai đoạn điều tra theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, tức là khi đã có hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật hình sự.

Còn rất nhiều người khác bị mắc bệnh tâm thần thì vẫn trôi nổi ngoài xã hội, chẳng có ai quản lý, chỉ có gia đình quan tâm chữa trị thôi. Mà nếu gia đình họ có điều kiện thì còn đỡ, còn không có điều kiện kinh tế thì họ cứ chữa trị bập bõm, khi nào bệnh nặng quá thì gom góp được chút tiền đưa người nhà đi chữa trị, còn nếu hết tiền thì thôi, tự đưa nhau về nhà chăm sóc.

Hiện nay, đa phần những trường hợp mắc bệnh tâm thần ngoài xã hội thì nhà nào biết nhà đó thôi, còn các tổ chức xã hội chỉ thỉnh thoảng quan tâm đôi chút, chứ cũng không thể theo họ mãi được.

Theo tôi, Nhà nước nên xem xét xây dựng kinh phí hỗ trợ đưa người tâm thần đi chữa bệnh.

Cảm ơn đại tá!

Gây án xong, ra tòa mới chợt tỉnh!

Một cán bộ thuộc lực lượng hỗ trợ tư pháp (Công an TP.Hà Nội) cho biết, anh đã từng dẫn giải một số người có tiền sử về bệnh tâm thần ra tòa, vì trước đó họ vi phạm pháp luật. Có trường hợp bị tâm thần hoang tưởng, cứ nghĩ người thân của mình là kẻ thù phải giết nên đã ra tay sát hại chính em ruột của mình. Cho đến khi ổn định lại trạng thái thần kinh, chị này luôn dày vò tâm can, tự trách mình đã gây lên tội ác tày trời và cảm thấy có lỗi với những người thân. Khi ra trước vành móng ngựa, bị cáo trên đã khóc từ đầu đến cuối phiên tòa và xin được xử tử hình để mong phần nào đền tội với em trai. Ngoài ra, có những trường hợp khác bị mắc bệnh tâm thần gây trọng án, sau khi được đưa đi chữa bệnh bắt buộc và ổn định tâm thần một thời gian thì lại có biểu hiện tái phát. Khi ra tòa, hội đồng xét xử hỏi một đằng, bị cáo trả lời một nẻo. Cuối cùng hội đồng xét xử phải tuyên hoãn phiên tòa và yêu cầu tiếp tục áp dụng biện pháp chữa bệnh bắt buộc cho tới khi người bệnh ổn định và giám định tâm thần lại.

Chí Công (Thực hiện)

(Còn nữa)


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.