Với những tiêu cực tại bệnh viện Tâm thần kinh Hải Dương phản ánh trong các bài đã đăng, quan điểm xử lý của lãnh đạo sở y tế Hải Dương như thế nào, thưa ông?
Ngay sau khi đọc bài điều tra việc mua bán bệnh án tại bệnh viện Tâm thần kinh Hải Dương (16/1), tôi lập tức làm công văn yêu cầu giám đốc bệnh viện Tâm thần kinh Hải Dương giải trình và báo cáo xử lý sai phạm theo phản ánh của báo, gửi Sở trước ngày 22/1.
Công văn yêu cầu làm rõ nội dung Tiền Phong phản ánh của Sở Y tế Hải Dương
Quan điểm của chúng tôi là ai vi phạm sẽ bị xử lý, tuyệt đối không bao che. Trên cơ sở bài báo nêu, rõ ràng tôi thấy có sai phạm.
Chúng tôi đã yêu cầu báo cáo giải trình ngay, không thể chậm trễ. Chúng tôi sẽ xử lý nghiêm, bởi đây cũng là cơ hội để chúng tôi tuyên truyền, giáo dục đối với toàn bộ cán bộ, bác sĩ, y tá trong ngành.
Qua việc bài viết phản ánh, trước hết chúng tôi xin cảm ơn báo đã hỗ trợ phát hiện tiêu cực của ngành. Điều này cũng giúp chúng tôi quản lý, điều hành công việc tốt hơn trong ngành của mình.
Theo dư luận phản ánh, những dấu hiệu tiêu cực xảy ra ở bệnh viện Tâm thần kinh Hải Dương đã xảy ra từ lâu, nhưng vì sao các cơ quan chức năng ở tỉnh lại không phát hiện ra sớm để ngăn chặn?
Đúng là ở đây có những người đã lợi dụng những chính sách tốt đẹp của Nhà nước để làm lợi cho mình. Tại các cuộc họp giao ban, hội nghị, chúng tôi luôn nhắc nhở họ. Thế nhưng sự việc mà báo chí phát hiện ra khiến chúng tôi rất bất ngờ. Nếu chúng tôi mà phát hiện sớm thì chắc chắn không để những việc đó xảy ra.
Bệnh viện Tâm thần kinh Hải Dương, nơi diễn ra cảnh mua bán bệnh án tâm thần
Tại nhiều xã của Hải Dương có số bệnh nhân tâm thần, động kinh nhiều một cách bất thường, sắp tới Sở có rà soát lại, xem xét những bệnh án “có vấn đề” như báo nêu?
Chúng tôi sẽ rà soát lại, đặc biệt là những đối tượng được phép sinh con thứ ba mà có chứng nhận tâm thần cho một người con nào đó, những đối tượng ở các xã có nhiều bệnh nhân tâm thần.
Nếu chúng tôi phát hiện ra sai phạm sẽ xử lý ngay. Hiện cả tỉnh có hơn 6.600 bệnh nhân, tôi cho rằng con số này so với khoảng 1,7 triệu dân của tỉnh chưa phải là cao.
Ý kiến của ông như thế nào về việc một người không nằm bệnh viện điều trị một ngày nào mà vẫn có bệnh án?
Để xác định một người bị tâm thần thì phải có cả một hội đồng giám định y khoa, do giám đốc sở y tế làm chủ tịch hội đồng. Còn nếu như anh nói và báo nêu, thì những bệnh án mà các bác sĩ ở bệnh viện đã làm là bệnh án “khống”. Như vậy ở đây là anh đã lợi dụng vị trí của mình để làm những việc sai trái.
Ông nghĩ sao khi mà một em bé đang bình thường khỏe mạnh lại được các bác sĩ ở bệnh viện Tâm thần kinh Hải Dương chứng nhận là tâm thần?
Việc một thầy thuốc không khám bệnh hoặc khám bệnh sơ sài mà đã kết luận là vi phạm quy chế người thầy thuốc, vi phạm đạo đức người thầy thuốc. Điều này chúng tôi không bao giờ ủng hộ. Ở đây còn là vấn đề lương tâm nghề nghiệp nữa. Đúng là việc làm của họ đã làm tôi giật mình, nếu ông không khám bệnh thì không phải là thầy thuốc.
Cảm ơn ông!
85 đảng viên, cán bộ sinh con thứ ba Hôm qua, trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Sai, chi cục trưởng chi cục dân số- kế hoạch hóa gia đình tỉnh Hải Dương cho biết, trong năm 2012 toàn tỉnh có số trường hợp vi phạm sinh con thứ ba tăng mạnh so với những năm trước, hơn 3.400 trường hợp. Trong đó, số đảng viên, cán bộ công chức, viên chức vi phạm sinh con thứ ba cũng tăng mạnh, 185 trường hợp. Ông Sai cho rằng, nguyên nhân cơ bản là tâm lý muốn có đông con và phải có con trai nối dõi vẫn còn tồn tại ở một bộ phận nhân dân dẫn đến tỉ lệ sinh con thứ ba có xu hướng tăng. “Vẫn còn đảng viên, cán bộ công chức, viên chức không gương mẫu trong việc thực hiện chính sách dân số, đã tác động xấu đến công tác vận động nhân dân thực hiện. Trong khi đó, văn bản hướng dẫn xử lý kỷ luật đối với những cán bộ đảng viên vi phạm có phần nhẹ hơn”- ông Sai nói. |
Theo Tiền Phong