Chính phủ vừa ban hành Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai, thay thế Nghị định 102/2014. Dưới đây là những điểm mới của Nghị định 91/2019.
Mua bán đất không có Sổ đỏ sẽ bị phạt nặng
Khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013 quy định, người sử dụng đất được chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất khi có đủ các điều kiện sau:
- Có Giấy chứng nhận
- Đất không có tranh chấp
- Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
- Trong thời hạn sử dụng đất
Theo khoản 3 Điều 18 Nghị định 91/2019, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp bằng quyền sử dụng đất khi không đủ điều kiện bị phạt tiền với mức như sau:
- Chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, cho thuê lại, góp vốn bằng quyền sử dụng đất không đủ một trong các điều kiện.
+ Khu vực nông thôn: Từ 3 đến 5 triệu đồng.
+ Khu vực đô thị: Từ 5 đến 10 triệu đồng.
- Chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, cho thuê lại, góp vốn bằng quyền sử dụng đất không đủ từ hai điều kiện trở lên.
+ Khu vực nông thôn: Từ 5 đến 10 triệu đồng.
+ Khu vực đô thị: Từ 10 đến 20 triệu đồng.
Lưu ý, mức phạt này áp dụng đối với cá nhân, mức phạt đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (tối đa là 40 triệu đồng).
Không sang tên Sổ đỏ bị phạt tới 20 triệu đồng
Sang tên Sổ đỏ theo là cách thường gọi của người dân để chỉ thủ tục đăng ký biến động khi chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất.
Khoản 4 Điều 95 Luật Đất đai 2013 quy định: Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện các quyền chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất phải đăng ký biến động trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày xảy ra biến động (thường sẽ là ngày hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho có hiệu lực).
Theo khoản 2, 3 Điều 17 Nghị định 91/2019, trường hợp không thực hiện đăng ký biến động đất đai theo quy định bị phạt tiền như sau:
Đối với khu vực nông thôn thì trong thời gian 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn bị phạt tiền từ 1 đến 3 triệu đồng. Quá thời hạn 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn bị phạt tiền từ 2 đến 5 triệu đồng.
Tại khu vực đô thị mức xử phạt bằng 2 lần mức xử phạt đối với từng trường hợp tương ứng theo quy định với khu vực nông thôn.
Mức phạt trên áp dụng đối với cá nhân, mức phạt đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (tối đa là 20 triệu đồng).
Cách tính thời hiệu xử phạt
Theo đó, thời hiệu xử phạt VPHC trong lĩnh vực đất đai vẫn là 2 năm, tuy nhiên Nghị định này dành riêng Điều 4 để quy định chi tiết thời điểm tính thời hiệu thay vì quy định riêng lẻ tại Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.
Cụ thể, đối với hành vi vi phạm đã kết thúc quy định tại Khoản 3 Điều 4 Nghị định 91 thì thời hiệu tính từ thời điểm chấm dứt hành vi.
Đối với hành vi vi phạm đang thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm người có thẩm quyền thi hành công vụ phát hiện hành vi.
Trường hợp xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân do người có thẩm quyền lập biên bản chuyển đến thì thời hiệu xử phạt là 2 năm và hành vi vi phạm đã kết thúc hoặc đang thực hiện được tính đến thời điểm ra quyết định xử phạt.
Hoàng Mai