Phát biểu tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch hội Liên hiệp Phụ nữ TP.Hà Nội nhấn mạnh: “Ở Việt Nam tội phạm mua, bán người tiếp tục có diễn biến phức tạp. Quy mô, thủ đoạn, hoạt động của loại tội phạm này ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức chặt chẽ, xuyên quốc gia. Từ năm 2016, Chính phủ quyết định lấy ngày 30/7 là Ngày Phòng, chống mua bán người đã góp phần vào việc đấu tranh, phòng chống, trừng trị tội phạm mua bán người.
Hiện nay, Thủ đô Hà Nội được xác định là địa bàn trung chuyển của tội phạm mua bán người tập trung vào 6 tuyến giao thông trọng điểm từ Hà Nội đi các tỉnh. Chính vì thế, với vai trò của mình, hội Liên hiệp phụ nữ TP.Hà Nội đã thường xuyên có các hoạt động thông tin đến chị em phụ nữ các thủ đoạn tinh vi của loại tội phạm này. Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ, trong thời gian tới, hội Liên hiệp phụ nữ TP.Hà Nội sẽ tiếp tục tổ chức triển khai tới quận, huyện, xã phường các hoạt động phòng chống mua bán người”.
Tại buổi lễ, Công an huyện Gia Lâm cũng đã chia sẻ những thủ đoạn mà các đối tượng mua bán người sử dụng để đạt được mục đích. Ông Giang Nguyên Ngọ, Đội phó đội Cảnh sát hình sự, công an huyện Gia Lâm cho biết: “Đã xuất hiện các phương thức, thủ đoạn mới của loại tội phạm này. Theo thống kê của công an huyện Gia Lâm, từ năm 2014-2016, trên địa bàn huyện phát hiện một vụ buôn người qua biên giới”.
Các đối tượng mua bán người lập các trung tâm trá hình xuất khẩu lao động, môi giới hôn nhân, du lịch nước ngoài để lừa gạt trẻ em, phụ nữ ra nước ngoài bán dâm hoặc đưa các đối tượng đàn ông ra nước ngoài để bóc lột sức lao động…
Cũng theo đại diện công an huyện Gia Lâm chia sẻ, một số đối tượng bị hại sau đó lại trở thành đối tượng buôn bán người. Chính vì thế, việc cần làm cho những nạn nhân của các đường dây buôn bán người là tạo công ăn việc làm, tránh sự kỳ thị để họ có thể ổn định cuộc sống.
Đỗ Thơm