Chuyện cò mồi, mua bán nội tạng thành đường dây, thậm chí có sự tiếp tay của đội ngũ y bác sỹ. Điều này đòi hỏi ngành y tế phải lưu tâm, có biện pháp xử lý. Đó là chia sẻ của ĐBQH Nguyễn Thị Khá, Ủy viên Các vấn đề xã hội của Quốc hội bên lề phiên họp với PV báo điện tử Người đưa tin.
Quy trách nhiệm người đứng đầu
- Thưa bà, luật Hiến, lấy, ghép mô và các bộ phận cơ thể người được triển khai trong 5 năm, đó là cơ sở pháp lý cho khoa học ghép tạng nhưng có những người đã lách luật "hiến tặng" bằng chuyện mua bán. Và thực tế đã xuất hiện đường dây mua bán nội tạng ở trong nước, bà nghĩ sao về thực tế này?
Luật quy định việc hiến, tặng mô, tạng và các bộ phận cơ thể người vì mục đích nhân đạo, chống nguy cơ thương mại hoá. Vì vậy, mọi người phải thực hiện theo luật, tất cả hành vi mua bán, chạy theo thương mại hoá là vi phạm pháp luật. Nhưng thực tế xã hội muôn màu, nhu cầu của người bệnh thì có nhiều, người ta cũng vì sức khoẻ, và có tiền nên sẵn sàng tìm nguồn mua bán và được lách luật bằng cách gọi là "bồi dưỡng".
ĐBQH Nguyễn Thị Khá.
- Nhưng thực tế, các y bác sỹ đôi khi cũng không để tâm nhiều đến nguồn nội tạng được cung cấp như thế nào, đó là hiến tặng của người cùng huyết thống, hay mua bán. Miễn sao có người cho thì ca phẫu thuật được thực hiện, thậm chí là có chuyện móc ngoặc, bắt tay của chính đội ngũ y, bác sỹ?
Thực tế, cán bộ, y, bác sỹ nhiều khi cũng chỉ thuần tuý làm chuyên môn, còn xuất hiện chuỵện mua bán, vi phạm pháp luật thì lại thuộc trách nhiệm của ngành công an. Trong trường hợp này, tôi nghĩ là các cơ quan của bộ y tế phải có sự quản lý sát sao đặc biệt là quy trách nhiệm của người đứng đầu nếu không rất khó giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, thanh tra Bộ còn quá mỏng nên không thể kiểm soát hết được, cho nên văn bản hướng dẫn của ngành phải có sự rõ ràng để làm sao kiểm soát được việc hiến tặng mô tạng, các bộ phận cơ thể người là thật chứ không phải là mua bán.
Hậu quả khôn lường
- Thưa bà, việc mua bán nội tạng còn ảnh hưởng tới phạm trù đạo đức, thương mại hoá có thể dẫn tới những hệ lụy gây mất an ninh trật tự xã hội?
Tôi nghĩ đặt ra những tình huống như vậy thì cũng khó lường lắm. Điều này đã là thực tế nhãn tiền với nhiều quốc gia mà buôn bán nội tạng thành vấn đề nhức nhối. Vì vậy, trước mắt cơ quan của bộ Y tế phải làm rõ theo dõi cho sát rồi nếu có dư luận thì phải đi kiểm tra xác minh làm rõ.
- Có thể coi đường dây mua bán nội tạng là loại hình tội phạm mới không, thưa bà?
Loại hình tội phạm này rất là tinh vi, khó phát hiện, nếu mà chúng ta không có cách quản lý từng khâu, đặc biệt từ dưới cơ sở lên thì rất khó ngăn chặn.
- Đối tượng phải bán đi một phần cơ thể mình chủ yếu là những người nghèo. Do vậy, nếu có khiếu kiện thì cũng dễ bị... "chìm xuồng". Bà nghĩ sao về việc này?
Tôi nghĩ rằng muốn quản lý chặt thì các cơ quan chức năng phải vào cuộc chứ không cách nào khác. Vì khi người ta vì đồng tiền, vì quá thiếu thốn chẳng hạn, người ta cũng có những quyết định mù quáng, mình cũng không hiểu hết được. Vì vậy, trong trường hợp có khiếu nại tố cáo thì các cơ quan chức năng phải vào cuộc phải làm rõ và truy cứu trách nhiệm. Mà mục đích của mỗi người cũng khác nhau người có tiền mắc bệnh nặng thì mua sự sống, người khoẻ mạnh lại thiếu tiền trang trải cho cuộc sống nên túng quẫn mà bán đi quả thận hay các bộ phận khác. Điều này, các y, bác sỹ phải đề cao vấn đề y đức để ngăn chặn. Nghĩa là mình phải nâng cao y đức của bác sỹ, nếu bác sỹ thực hiện đúng cái tâm của mình thì việc lách luật sẽ không còn. Đó là việc làm đúng, song chưa đủ, lẽ ra các cơ quan có chức năng khác như công an cũng phải vào cuộc, xử lý thì mới có tác dụng răn đe cao.
- Thưa bà, có chuyện mua bán nội tạng phải chăng do luật còn chưa kín kẽ?
Luật quy định rõ hiến tặng mô, tạng, các bộ phận cơ thể người là vì mục đích nhân đạo, cứu người, không vì mục đích thương mại và cũng không vì mục đích lợi nhuận. Còn chuyện triển khai trong thực tế thì cái gì nó cũng có những sai sót, kẽ hở nhất định. Vấn đề là mình phải hạn chế, ngăn chặn được.
- Xin cảm ơn bà!
Minh Khánh (thực hiện)