Sau gần 10 năm được hưởng bảo hiểm nhân thọ Manulife (sản phẩm hỗn hợp có chia lãi) với mệnh giá hợp đồng là 17.300.000 đồng do mẹ mua, cháu Nguyễn Hoàng Linh không may mắc bệnh hiểm nghèo và đã tử vong vào ngày 25.6.2013.
Bà Trần Thị Phương (mẹ cháu Nguyễn Hoàng Linh cũng là người đứng tên trong hợp đồng bảo hiểm) đến Chi nhánh Bảo hiểm Manulife tại Hà Nội để làm các thủ tục nhận bảo hiểm rủi ro cho con trai mình. Tuy nhiên, nhân viên phụ trách dịch vụ khách hàng Hà Nội cho biết: Số tiền bảo hiểm tử vong mà gia đình cháu Nguyễn Hoàng Linh được nhận rất ít – chưa đến 21.000.000 đồng (bao gồm mệnh giá cộng lãi và bảo tức cho đến ngày mất) thấp hơn so với số tiền đáo hạn sau 10 năm là 21.154.000 đồng vào ngày 23.9.2013).
Mua bảo hiểm Manulife như gửi tiết kiệm ngân hàng, mẹ cháu Linh cho biết. Ảnh minh hoạ từ VnExpress.net
Cháu Nguyễn Hoàng Linh được hưởng bảo hiểm nhân thọ Manulife 10 năm và tử vong vào năm thứ 10 nhưng lại không được đền bù rủi ro khi tử vong mà chỉ được hưởng quyền lợi như người không tử vong.
"Quyền lợi bảo hiểm như trên chẳng khác gì gửi tiết kiệm ngân hàng", mẹ cháu Linh ngao ngán.
Theo trình bày của bà Phương, bà người đứng tên trong hợp đồng mua bảo hiểm cho con trai Nguyễn Hoàng Linh, nhưng khi cháu Linh tử vong, Manulife lại yêu cầu bà Phương phải đi công chứng tờ khai nhân di sản thừa kế; Giấy ủy quyền người đại diện nhận quyền lợi bảo hiểm, Giấy cam kết nhận quyền lợi bảo hiểm.
Tuy nhiên, trớ trêu là UBND phường và các văn phòng công chứng nơi bà lui tới đều trả lời do bà Phương đứng tên mua bảo hiểm thì sẽ được hưởng mọi quyền lợi trên, không phải làm bất cứ loại giấy tờ nào.
Cũng theo bà Phương, khi hỏi việc này, nhân viên phụ trách dịch vụ khách hàng của Manulife Nguyễn Thị Nga cho rằng: Nếu khách hàng mua Bảo hiểm Manulife tử vong vào những năm đầu thì sẽ được đền bù mệnh giá bảo hiểm cộng lãi và bảo tức. Tuy nhiên do cháu Linh tử vong vào năm cuối cùng của hợp đồng nên chỉ được hưởng mệnh giá cộng lãi và bảo tức.
"Như vậy, Manulife khuyên khách hàng muốn được hưởng quyền lợi rủi ro thì phải tử vong vào những năm đầu khi mua bảo hiểm. Như vậy có gọi là bảo hiểm nhân thọ hay không?", người mua bảo hiểm đặt câu hỏi.
"Chi phí ở bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, mai táng cho con tôi mất hơn 300 triệu, nhưng khi cháu mất chúng tôi không được bồi thường đồng nào. Chính từ những yêu cầu phiền hà, vô lý trên cộng với số tiền bảo hiểm tử vong thấp hơn đáo hạn hợp đồng nên tôi đã làm đơn rút quyền lợi tử vong cho cháu Nguyễn Hoàng Linh và đợi đến khi đáo hạn hợp đồng sẽ nhận tiền đáo hạn", bà Phương cho hay.
Nam Dương