> Giải thưởng lớn cho cuộc thi ảnh Việt Nam Xanh
Theo chân người đặt bẫy
Chiều đầu hạ, tôi theo chân một nhóm thanh niên làng Dei Go, xã IaMơ Nông (Chư Păh - Gia Lai) men theo con sông Sê San từ thượng nguồn Nhà máy Thủy điện Yaly vào rừng. Một thanh niên tên Ksor Cúc thành thật nói: “Làm nghề này cực lắm, bỏ mạng vì chính bẫy mình đặt như chơi ấy!”. Tuy nhiên, điều đó cũng không ngăn được những người thợ rừng mò mẫm vào tận rừng sâu đặt bẫy. Cứ vào cuối mùa khô, nhiều người dân không chỉ ở làng Dei Go mà còn ở các làng lân cận như Díp, Dóc cũng tự chế bẫy rồi kéo nhau vào rừng săn thú. Có người một ngày bẫy được hai, ba con thú, có người cả tuần trăng mới được một con, nhưng họ vẫn vào rừng.
Trong căn nhà đỏ lửa của Siu Tơ, người được dân làng Dei Go kính nể về khả năng săn thú với hơn 20 năm kinh nghiệm, đêm trước khi băng rừng, khi đưa tôi ly rượu, Siu Tơ nói: “Uống vài ly cho đỡ lạnh. Thời tiết miền núi khắc nghiệt lắm! Vài ngày mới có rượu uống lại đấy!”. Nói đoạn, Siu Tơ hú vài tiếng, 6 người khác đã tề tựu đông đủ ở cây xoan đầu làng với nhùng nhằng bẫy, dao quắm, đèn pin đội đầu, lưới, bao tải, bao lưới, dây thừng, dây phanh xe... và một đàn chó tinh nhuệ cùng tụ tập để sẵn sàng lên đường.
Sáng sớm, khi sương núi vẫn còn bao phủ, chúng tôi men theo đường rừng, vượt qua sông Sê San để đi tới cánh rừng nằm giữa sông và Quốc lộ 14C, tìm những nơi đã đặt bẫy từ trước. Lũ chó gần chục con sục sạo, sủa ầm ĩ cả một góc rừng. Vừa đi Siu Tơ vừa chỉ dẫn cho tôi về các loại bẫy. Bẫy dây thắt cổ nằm ngang được làm từ sợi dây phanh xe đạp, “chuyên trị” các loại thú nhỏ như chồn, cáo, trút; bẫy dây thắt nằm ngang dùng bẫy các động vật ăn cỏ như nai, mang, hoẵng...; bẫy tôi được đan từ các đoạn thép 6, dài chừng 10cm, có một đầu nhọn sắc bén, buộc vào một sợi dây cáp, tựa cái lờ đơm cá, chuyên dùng để bắt lợn rừng; bẫy nho được làm từ nhựa một loại cây rừng, có tính kết dính rất tốt, dùng cho các loài lông vũ như chim chóc hay gà rừng...
Với các loại bẫy này, ngay cả các con thú khỏe mạnh như bò rừng, heo, nai cũng không thoát khỏi. Bớt nguy hiểm với người hơn là các loại bẫy thòng lọng, bẫy này thì con gì đi qua cũng dính, từ chuột, cheo cheo, chồn… Siu Tơ cho biết, với các loại bẫy, nhất là các loại đú, có thể bắt sạch từ rắn, cá, kỳ đà cho tới các loài thú nhỏ.
Nhóm thợ của Siu Tơ mỗi người một việc, người “thăm” những bẫy đã đặt trước, người bổ sung bẫy mới ở những nơi còn thưa. Thoáng cái, mặt trời đã đứng bóng. “Đã hết nửa số bẫy mà chả hòm hèm gì cả, chưa tới chục con. Anh em tăng cường đặt thêm nhiều bẫy vào, ngang dọc thế nào chúng chả mắc!”, một người lên tiếng. Qua một lèn đá, có dấu chân nhỏ mà mọi người cho là dấu chân hoẵng, Siu Tơ lên tiếng: “Chúng nó khôn thật, còn biết tránh cả bẫy, anh em đặt vùng này thật dày, mai thế nào chả dính!”.
Bãy cặp là sát tinh của của các loài thú rừng.
Vừa đi thăm bẫy, Siu Tơ vừa cho biết, trong những loại bẫy thì bẫy cạp là mạnh và nguy hiểm nhất. Loại bẫy này được thợ rèn chế tác từ 2 miếng thép có một hàm răng lược đan vào nhau, cùng với 2 lò xo cực mạnh nhằm giữ chặt chân con thú khi bẫy sập xuống. Đây là loại bẫy chuyên để săn các loài thú lớn và thường được cài theo lối mòn nơi các con thú đi qua hoặc để ở bìa rừng, nơi các con thú thường ra phá hoại mùa màng. Chiếc bẫy được nối với một sợi dây cáp và buộc chặt vào một gốc cây to gần kề. Khi cài bẫy, những sát thủ thường ngụy trang rất khéo bằng cách phủ lên trên một lớp lá khô để tránh phát hiện của con mồi và nhân viên kiểm lâm.
Nhưng kinh hoàng nhất vẫn là bẫy đú. Đây là loại bẫy có tính hủy diệt cao vì nó có thể bắt được tất cả các loài cá, bò sát, lưỡng cư và các loài thú nhỏ. Khi đã chui vào đú thì hiếm có con nào có cơ hội thoát thân vì những “ma trận” dài đến hàng chục mét với vài chục các nút thắt. Nhìn những chiếc bẫy thú được đặt la liệt trong rừng, tôi thoáng chạnh lòng khi biết giờ này các loài thú đã chui ra khỏi nơi ẩn nấp để bắt đầu một cuộc mưu sinh đầy bất trắc. Chúng không chỉ đối mặt với các loài ăn thịt trong rừng, cạnh tranh nguồn thức ăn mà còn luôn gặp hiểm nguy đến từ những chiếc bẫy do con người tạo ra…
Ăn của rừng rưng rưng nước mắt
Sau chuyến săn thú mệt nhoài, chúng tôi tề tựu tại nhà Siu Tơ trong lúc anh ta đi bán số thú dính bẫy cho các đầu nậu. Đêm núi rừng Tây Nguyên huyền diệu, ai nấy chếnh choáng trong hơi men của rượu rừng và khí núi. Mấy đứa con Siu Tơ cố thức để nghe chúng tôi kể chuyện. Vợ chồng Siu Tơ đãi cả nhóm bằng món rau rừng và cà pháo mọc ở bên bờ con nước đầu làng, cùng một mớ ốc suối, cộng với số thịt thú dính bẫy đã chết, vài lít rượu gạo. “Hôm nay may mà còn có cái nhậu, có hôm không có gì, đành về không!”, vợ Siu Tơ nói.
Heo rừng dính bẫy.
Người đi đặt bẫy là những người dân quanh năm lam lũ với rẫy, với rừng. Cứ đến mùa mưa là họ kéo nhau vào rừng bẫy thú để cải thiện bữa ăn và kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống gia đình. Họ cũng biết việc mình làm là góp phần hủy hoại thiên nhiên, môi trường sống và vi phạm pháp luật, nhưng ai cũng biện minh rằng, không đi bẫy thú thì chẳng còn việc gì mà làm.
“Hồi trước thú rừng nhiều vô kể, ngày nào cũng có thịt thú rừng để ăn và bán lại cho các đầu nậu, nhưng giá thịt thú rừng lúc đó cũng rẻ, không như bây giờ. Tóm lại cũng chỉ làm giàu cho bọn thương lái và lò mổ thôi, chứ anh em đi rừng thì có gì đâu, miếng tôn mỏng che mái nhà còn chưa mua được, huống hồ nghĩ tới chuyện giàu có!”, già làng Ksor Tươi giãi bày.
Rồi già kể, nhiều trường hợp đi săn thú rừng bị rắn cắn phải bỏ mạng, hoặc leo rừng leo dốc ngã gãy chân, gãy tay. Nhưng ở cái nơi ít đất nhiều đá này, bà con không biết làm nghề gì ngoài vào rừng khai thác sản vật của tự nhiên. Trong những chuyện đó, có những cuộc đi săn ly kỳ và cả những lần tai ương vạ gió. Đó là chuyện của Ksor Tinh, một thợ săn của làng giờ chỉ biết ngồi nhà, còn ruộng vườn phó mặc cho vợ con và trời đất. Dân bản bảo, chỉ nhờ có thần thánh mà Ksor Tinh thoát chết trong gang tấc. “Khắp khu rừng đó, không chỗ nào là không có bẫy thú, chưa chỗ nào mà chân Ksor Tinh chưa đến. Theo dấu chân con heo rừng, con sơn dương… riết thành quen, nhưng bây giờ, Ksor Tinh trở nên yếu ớt như con thú non bị dính bẫy, chỉ ngồi ở bậu cửa mà nhìn ra đồi núi. Sở dĩ có chuyện đó là do trong một lần gài bẫy, bị kẹp mà ra thế đó, đúng là nghề gì nghiệp nấy!”, Siu Tơ góp chuyện.
Siu Tơ buồn bã nói về bạn săn rồi kể rằng, làm thợ săn thì rắn độc cũng không sợ, ăn dầm ở dề trong rừng, mỗi lần theo dấu thú rừng phải ăn cả lá cây mà sống. Nhưng quyết tâm bắt cho bằng được vì thương vợ thương con ở nhà chờ mang cơm gạo về. Còn bây giờ…! Siu Tơ bỏ lửng câu nói, vì ngay cả bản thân anh cũng sợ có một ngày ăn lộc của rừng sẽ phải trả giá...
Với tình trạng “bẫy nhiều hơn thú” như hiện nay thì động vật hoang dã trong rừng bị tận diệt là điều dễ hiểu. Nhìn những vết máu loang lổ của những con thú không may nào đó phải tự cắn bỏ một phần cơ thể của mình để thoát khỏi cạm bẫy mới rõ hơn chuyện động vật hoang dã đang bị tận diệt từng ngày.
Tôi rời cánh rừng bên dòng Sê San khi mặt trời khuất dần, chốc chốc nghe vang lên một vài tiếng kêu của bầy hoẵng dáo dác gọi nhau hoặc tiếng vượn hú nỉ non. Trong hoang hoải hoàng hôn, tôi lại nhớ tới lời thảng thốt của già làng Ksor Tươi: “Xưa kia rừng còn giàu mà mình vẫn nghèo như thế, huống chi rừng bây giờ cũng nghèo rồi thì mình giàu chi nổi!”…
Theo Kinh tế nông thôn