Những ngày cuối tháng Tám, trung tâm Chống độc, bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận trường hợp bệnh nhân Lê Văn T. (SN 1954, quê xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) bị ngộ độc methanol rất nặng.
Thông tin về trường hợp bệnh nhân này, BS. Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách trung tâm Chống độc cho biết: Do nghiện rượu nên anh T. mua cồn ở hiệu thuốc về uống thay. Đó là cồn sát trùng loại 500ml.
Khi bệnh nhân nhập viện đã trong tình trạng hôn mê, tụt huyết áp, dấu hiệu nhiễm toan nặng, rất điển hình của ngộ độc methanol.
Kết quả chụp phim cho thấy: Bệnh nhân bị phù não, căng cả 2 bên. Dấu hiệu gợi ý nhu mô não tổn thương nặng và lan rộng cả 2 bên. Nồng độ methanol trong máu là 210mg/dL (gấp nhiều lần so với nồng độ gây tử vong, khoảng 40–50 mg/dL đã là rất nặng).
Bệnh nhân được cấp cứu, hồi sức, lọc máu thải độc, dùng các thuốc giải độc nhưng do đến muộn và não tổn thương quá nặng, tử vong cận kề nên gia đình xin về để mất tại nhà.
Bên cạnh việc uống cồn sát trùng dẫn tới các ca ngộ độc cồn công nghiệp methanol nặng và tử vong, BS. Nguyễn Trung Nguyên cũng cho biết, trong các cơ sở thông tin về methanol không đề cập công dụng sát trùng của loại hóa chất này. Trung tâm Chống độc, bệnh viện Bạch Mai đã từng có các bệnh nhân bị ngộ độc methanol mang lọ cồn sát trùng tới và xét nghiệm thấy toàn bộ hóa chất trong dung dịch cồn là methanol, không thấy có ethanol, không thể đạt tiêu chuẩn là cồn ethanol 70 độ hay 90 độ.
Như vậy, công dụng sát trùng của các loại cồn có methanol là thật sự nghi ngại. Một khi hiệu quả sát trùng không đảm bảo dễ dẫn tới nhiễm trùng các vết mổ, bệnh nhân có vết thương sẽ không được bảo vệ…
Vấn đề này có tầm ảnh hưởng rất lớn, các bác sỹ cho rằng rất cần có sự đánh giá, rà soát lại và quản lý chặt chẽ thành phần của các loại cồn sát trùng hiện nay trên thị trường.
Để phòng tránh ngộ độc methanol trong cồn sát trùng, các tai nạn do nhầm lẫn chai lọ và đảm bảo hiệu quả sát trùng của cồn y tế, ngày 12/7/2017, bệnh viện Bạch Mai đã có công văn số 746/CV-BVBM gửi cục Quản lý Dược, cục Quản lý Khám chữa bệnh (bộ Y tế) để báo cáo và đưa ra một số kiến nghị trong việc quản lý cũng như sử dụng hiệu quả, an toàn các sản phẩm cồn sát trùng; kiểm tra lại các sản phẩm sát trùng có methanol, đưa ra các biện pháp kiểm soát thành phần này trong cồn sát trùng.
Yêu cầu ghi rõ trên nhãn mác các chai, lọ cồn sát trùng thông tin: Hàm lượng ethanol, hàm lượng methanol. Trường hợp có thành phần methanol thì cần phải ghi rõ “chứa cồn công nghiệp methanol – không được uống”.
Về hình thức các sản phẩm cồn: Nên đóng chai lọ cồn sát trùng và nhãn mác khác hoàn toàn so với chai lọ nước cất, nước rửa mắt, mũi để tránh nhầm lẫn (đã từng có bệnh nhân dùng nhầm chai cồn rửa mắt dẫn tới bị bỏng).
Kiến nghị bộ Công Thương khẩn trương thực hiện các bước để đưa thêm chất chỉ thị màu vào cồn công nghiệp (tránh việc một số nhà sản xuất cồn sát trùng mua cồn công nghiệp về sơ chế hoặc đóng chai thành cồn sát trùng hoặc kẻ xấu pha cồn công nghiệp thành rượu lậu để bán).
Bộ Y tế nên thêm chất chỉ thị màu (khác với màu của cồn công nghiệp) vào chai, lọ cồn sát trùng để người dân không nhầm lẫn và biết nguy cơ phòng tránh ngộ độc.
Tuy đã được cảnh báo liên tục nhưng tình trạng ngộ độc rượu do cồn công nghiệp methanol vẫn chưa cải thiện và có chiều hướng tăng. BS. Nguyên cho biết thêm, nếu các cơ quan chức năng không có biện pháp can thiệp cụ thể, nhiều khả năng trong mùa đông và xuân sắp tới, tình trạng ngộ độc và tử vong do cồn công nghiệp methanol sẽ không thay đổi hoặc thậm chí có thể nặng nề hơn.
Nguyễn Huệ