Mùa cưới đã đến. Đi dự đám cưới mới thấy được cái không đẹp trong khâu tổ chức.
Đám cưới là gì? Là ngày trọng đại mà đôi lứa yêu nhau quyết định về chung một nhà xây dựng mái ấm. Là ngày họ mời người thân, bạn bè đến chứng kiến, chia vui, chúc phúc cho tình yêu của họ.
Ngày mà cô dâu, chú rể muốn công bố với tất thảy gia đình, bạn bè rằng: "Đây là người mà tôi đã chọn làm vợ/làm chồng. Người sẽ dành tình yêu thương và đi cùng tôi đến suốt cuộc đời".
Tóm lại, đã gọi là đám cưới tức là nhân vật chính của ngày hôm đó, không ai khác chính là cô dâu và chú rể. Họ sẽ là tâm điểm của sự chú ý.
Ấy vậy mà đi dự đám cưới lại thấy thực tế hoàn toàn đảo ngược. Cô dâu chú rể của nhiều đám cưới mà tôi từng dự chỉ giống như 2 bình hoa di động, như 2 vật trang trí, còn sự kiện tâm điểm của đám cưới hóa ra không phải là lúc cô dâu tiến vào lễ đường, cũng chẳng phải lúc chú rể trao nhẫn cưới cho cô dâu hay khi họ trao nhau nụ hôn ngại ngùng trước sự chứng kiến của hàng trăm quan khách. Mà là ăn và uống!
Đi lấy chồng, cô dâu nào chả muốn có một đám cưới đẹp như trong mơ, cô dâu nào chả muốn được xinh đẹp lộng lẫy, được nổi bật, được nhiều người chú ý! Ấy vậy mà thực tế quá phũ phàng. Người phát biểu cứ phát biểu, người trao nhẫn cứ trao nhẫn còn người ăn cứ ăn.
Thế là đám cưới những tưởng ngày đại hỷ lại thành ra ngày đại hành xác, tra tấn cả về thể xác lẫn tinh thần. Chưa kể đến, ông chồng về đến nhà thì người bã ra vì ngấm rượu, hơi thở phè phè toàn mùi men nồng nặc! Ám ảnh kinh hồn!
Tôi có cô bạn thân quê ở Thái Nguyên, bạn kể: "Đám cưới ở quê tớ phải tổ chức mấy ngày mới xong. Mà đã gọi là đám cưới thì phải ăn uống linh đình. Giờ người ta tổ chức 100 - 150 mâm là rút gọn đi nhiều rồi. Chứ trước kia phải vài trăm mâm. Càng nhiều mâm càng oách! Anh tớ tổ chức đám cưới xong mà cả nhà lăn quay ra ốm. Ai cũng sút mất mấy cân. Đám cưới tổ chức xong cô dâu chổng mông rửa bát từ chiều đến đêm mới hết".
Tôi nghe bạn tả mà toát hết mồ hôi hột! Rõ ràng người ta thấy khổ nhưng lại cứ lao vào con đường mòn người trước đã đi! Kém một mâm cỗ cũng thấy ấm ức không bằng người. Nhà nào có đám thì y như rằng cả xã đều biết, cứ gặp nhau, câu cửa miệng người ta sẽ hỏi là: "Cỗ to không? bao nhiêu mâm?". Số mâm càng lớn tức là cỗ càng to.
Thậm chí, có những gia đình nghèo rớt mùng tơi cũng phải cố vay mượn để làm cho đủ trăm mâm cỗ. Làm xong cái đám cưới, vợ chồng con cái nai lưng ra trả nợ. Nợ chưa trả hết đã bỏ nhau. Thế mới thấy, bệnh chuộng hình thức đã ăn sâu vào máu nhiều người dân Việt. Số tiền vay mượn kia chi bằng để cưới nhau về lấy vốn làm ăn chắc đã không đến nỗi nào.
Cái bên ngoài, vốn dĩ chỉ là thứ yếu, đừng quan trọng hóa quá. Hãy sống một cuộc sống như mình mong muốn. Niềm vui và hạnh phúc thực sự của đôi trẻ mới là cái cốt lõi của cuộc hôn nhân này. Đám cưới to hay bé, nhiều mâm hay ít mâm vốn dĩ cũng chẳng thể cứu vãn mối quan hệ đã đứng bên bờ sụp đổ, hay cũng chẳng thể khiến người ta ở bên nhau lâu hơn. Nghèo thì cưới kiểu nghèo. Giàu thì cưới kiểu giàu. Cớ sao phải để ý đến việc thiên hạ nói gì? Sống cho mình cớ sao phải đi làm hài lòng những kẻ khác?
Thay vì cứ vật vã ăn, vật vã uống, vật vã chúc phúc bằng những chén rượu nồng nặc hơi men, chúng ta hãy dành khoảng thời gian ấy cho những câu chuyện, những lời thăm hỏi ân cần của những người bạn đã quá lâu mới có dịp gặp gỡ nhau. Cùng nhau nghe những bản nhạc hay, cùng hát hò, cùng nhảy múa, khiêu vũ, chụp ảnh kỷ niệm... vừa tăng tính kết nối giữa những khách mời còn chưa quen mặt, vừa để lại những ấn tượng đẹp đẽ chứng tỏ rằng đám cưới là một ngày vui chứ không phải là ngày trả nợ.
Tổ chức đám cưới như vậy sẽ vừa tiết kiệm, vừa văn minh. Như vậy chẳng tốt hơn sao?
Lê Thanh Ngân