Thống kê sơ bộ điểm thi THPT quốc gia năm 2017, điểm 10 đã có ở tất cả các môn thi với số lượng khá nhiều. Trong đó, có những địa phương có tới hàng trăm điểm 10 như Hà Nội, TP.HCM, Nghệ An, Đà Nẵng... Với “cơn mưa” điểm 10 cũng như tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao đã dấy lên luồng ý kiến, việc giao cho sở GD&ĐT chủ trì điểm thi không thật sự nghiêm túc, thiên về thành tích.
Xung quanh vấn đề này, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT- Chủ tịch hiệp hội các trường cao đẳng, đại học Việt Nam cho rằng: “Việc có chuyện "mưa” điểm 10 không thể quy chụp là kỳ thi thiếu nghiêm túc. Thực tế cho thấy, kỳ thi vừa qua, việc giao cho các sở GD&ĐT chủ trì điểm thi được dư luận đánh giá cao”.
PGS.TS.Trần Xuân Nhĩ cũng cho rằng, bộ GD&ĐT chủ trương giao cho địa phương chủ trì các điểm thi là đúng đắn. Bởi, địa phương là nơi chỉ đạo, giám sát các trường sát sao nhất. Sở chủ trì điểm thi, phối hợp với các trường đại học còn bộ GD&ĐT giám sát là phù hợp với thực tế.
Nhận định về việc điểm thi tốt nghiệp cao, nhiều điểm 10, nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT đặt vấn đề: “Điểm thi tốt nghiệp cao, nhiều điểm 10 là điều đáng mừng. Nếu học sinh giỏi thực sự thì chuyện có nhiều điểm 10 thì cũng không có gì đáng bàn. Tuy nhiên, khi thay đổi phương thức thi, điểm số cao sẽ có nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều điểm cao cũng khiến dư luận đặt câu hỏi người chỉ đạo ra đề thi có hướng đến "bệnh" thành tích, ra đề thi dễ hơn so với trình độ của học sinh và thí sinh dễ “ăn” điểm”.
Theo PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ, điểm thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2017 cao, nhiều điểm 10 thì chúng ta cần xem xét đề thi có phù hợp với trình độ của học sinh hay không? Số điểm có phản ánh đúng trình độ của học sinh hay không. “Thay đổi hình thức thi cũng là một yếu tố khiến điểm thi cao hơn bởi thực tế có nhiều em học sinh chọn phương án theo kiểu tù mù”, PGS.TS. Nhĩ nói.
“Kỳ thi nghiêm túc hay không phụ thuộc vào nhiều khâu: Từ khâu ra đề thi, tổ chức thi, giám thị... Theo tôi, điểm cốt lõi ở đây cần xem lại việc ra đề, ba- rem chấm điểm, chấm thi có nghiêm túc không chứ không phải là việc chủ trì, tổ chức thi của địa phương”, PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ nêu quan điểm.
Bàn về câu chuyện đề thi có thực sự đánh giá chất lượng của thí sinh và có dễ dàng đạt điểm 10, trước thềm kỳ thi, trao đổi với báo chí, Thứ trưởng bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga khẳng định: “Với ma trận đề thi năm nay, sẽ có những thí sinh đạt điểm cao nhưng số đạt điểm tuyệt đối không nhiều, không còn “mưa" điểm 10 như trước đây. Do đó, các trường vẫn dễ dàng trong việc sử dụng kết quả để xét tuyển đại học”.
Tại thời điểm đó, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng cho hay, theo quy trình làm đề thi năm nay, các câu hỏi sau khi được chuẩn hóa được sắp xếp thành các nhóm dễ, trung bình, khó và rất khó. Sau đó hội đồng ra đề thi mới bốc câu hỏi trong từng nhóm đó ra để làm đề thi. Trong mỗi đề thi, 60% là kiến thức cơ bản phục vụ tốt nghiệp, 40% còn lại là phần nâng cao, phục vụ cho việc phân hóa. Với phần nâng cao này, không phải tất cả các thí sinh đều làm được.
Sẽ có nhóm làm được 25%, nhóm làm được 30% tùy theo trình độ của các em. Chỉ cần làm được thêm 1 câu mức điểm sẽ khác đi, chứ không phải tất cả các em đều làm một mức như nhau. Không phải tất cả cùng được 8 điểm hay 9 điểm.
“Với cách lập ma trận đề thi như vậy, sẽ có những câu rất khó mà chỉ những em thật giỏi mới có thể làm được”, Thứ trưởng Ga nhấn mạnh.
Tuy nhiên thực tế “ma trận” đó đã bị phá vỡ khi đến thời điểm này đã có hàng nghìn điểm 10 ở tất cả các môn.
Lan Thơm