Sáng nay 24/12, trong không khí người người chuẩn bị cho mùa Giáng sinh an lành, Đài dự báo khí tượng- Thủy văn Thừa Thiên-Huế phát đi thông báo về tình hình thời tiết trên địa bàn trong ngày với nhiệt độ trung bình 28 độ C, ngày nắng nhẹ, khả năng mưa chỉ 40%.
Thông thường các năm, khoảng thời gian cuối tháng 12 Dương lịch, thời tiết ở Huế thường mưa kéo dài, do ảnh hưởng của các đợt gió mùa Đông bắc ùa về, nhiệt độ giảm cho người ta cái cảm giác se se lạnh.
Tuy nhiên, năm nay, dù đã bước sang mùa đông nhưng tiết trời nơi đây vẫn là những cơn nắng kéo dài. Không còn cảm giác se lạnh hay những cơn mưa rỉ rả, dầm dề, mùa Giáng sinh ở Huế năm nay diễn ra trong tiết trời nắng vàng hanh hao, bầu trời trong xanh.
“Mùa đông Huế năm nay thật lạ lùng!”, đó là nhận xét của nhiều người dân sống lâu năm ở thành phố cổ kính này.
...rải vàng khắp mọi nơi.
Thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, năm 2019, lượng mưa ở địa phương này thấp hơn trung bình nhiều năm chỉ đạt từ 60-70%, các hồ chứa lớn trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn do lưu lượng về hồ thấp, không đủ nước để tích.
Trong những ngày đầu tháng 12 vừa qua, mực nước các thủy điện và hồ thủy lợi biến động không nhiều, tổng dung tích hữu ích của các hồ thủy lợi và thủy điện đạt 572,948/1154,551 triệu m3, đạt 49,63%.
Do lượng mưa ít, nên nguồn nước từ các khe suối giảm đã ảnh hưởng đến các Nhà máy cấp nước sinh hoạt tự chảy cho 9.000hộ/30.000 khẩu sử dụng nước từ các nhà máy cấp nước thuộc các huyện: Phú Lộc, Nam Đông, A Lưới và thị xã Hương Trà.
Dù đã sang mùa đông nhưng thời tiết ở Huế đưa lại cho người ta cảm giác như đang còn mùa hè.
Ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại tỉnh Thừa Thiên-Huế cho hay, trước tình hình thời tiết diễn biến như vậy, ngày 08/11, UBND tỉnh đã có chỉ thị về việc tăng cường các giải pháp thủy lợi, phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2019-2020.
Theo đó, yêu cầu các địa phương trong tỉnh, xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn với các kịch bản về nguồn nước có khả năng xảy ra để kịp thời triển khai các giải pháp phù hợp, giảm đến mức tối thiểu thiệt hại, ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân trên địa bàn.
Thường xuyên kiểm kê nguồn nước trong công trình thủy lợi, thực hiện tiết kiệm nước ngay từ đầu mùa khô, có kế hoạch phân phối nước hợp lý để đảm bảo cung cấp đầy đủ cho các nhu cầu thiết yếu (sinh hoạt, chăn nuôi, cây trồng lâu năm,..) và sản xuất nông nghiệp cho cả mùa khô năm 2019-2020.
Kiểm kê nguồn nước trong công trình thủy lợi, cân đối để bố trí cơ cấu sản xuất, mùa vụ, thời điểm xuống giống lúa phù hợp, bảo đảm hạn chế tác động của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến năng suất cây trồng; chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với những diện tích thiếu nước; tăng cường sử dụng các giống cây trồng thích ứng với điều kiện hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Tận dụng tối đa nguồn nước tự nhiên còn lại sau mùa mưa từ ao, hồ, sông suối, kênh rạch để cung cấp cho sản xuất vụ Đông Xuân, tiết kiệm nguồn nước từ các hồ chứa thủy lợi, thủy điện để dành cung cấp cho các vụ sản xuất sau.
Tăng cường thực hiện việc nạo vét, khơi thông, vớt bèo để thông thoáng dòng chảy các sông, hói, kênh mương nội đồng để tích trữ nước. Chủ động lực lượng, thiết bị, bổ sung các loại máy bơm nước, bơm chuyền khi cần thiết…
Trần Vang - Trọng Tùng