Những ngày này, thông tin về mùa giải Euro 2024 tràn ngập trên các trang báo và mạng xã hội. Dù tôi là một người ít quan tâm đến, cũng không thể không lướt qua đôi dòng tin.
Việt Nam là một đất nước yêu thể thao, điều đó thể hiện qua những hoạt động và phong trào rất rầm rộ. Đặc biệt là bóng đá. Từ bao nhiêu lâu nay, cứ mỗi lần các mùa giải Asean, Euro, hay World Cup đến, là phương tiện thông tin báo chí đều nóng hẳn lên. Nhiều lúc tôi cứ nghĩ, nhà nhà người người đều xem bóng đá.
Tuy nhiên, không hẳn ai cũng yêu bóng đá, dù có thể họ yêu thể thao hoặc không. Như ông anh tôi quen biết, từ hồi giờ rất ít xem bóng đá. Và có thể nhiều người không tin, nhưng đây là sự thật: Tôi là một người không xem bóng đá gần 20 năm nay.
Nhiều người cổ xúy cho việc không xem bóng đá là không yêu nước, bởi họ lý luận rằng: Yêu nước thì phải xem bóng đá chứ? Đội Việt Nam đá, sao không xem?
Thực tình, tôi cũng thừa nhận sự thiếu sót của bản thân, khi không xem bóng đá, đặc biệt là khi đội tuyển Việt Nam đá. Nhưng nhiều người đánh đồng việc không xem bóng đá với tình yêu nước, thì thật sai lầm.
Tình yêu nước là một tình cảm thiêng liêng, mà mọi người dân của quốc gia đó đều có. Biểu hiện của tình yêu nước, không chỉ là việc phô trương ra với thiên hạ, mà đôi khi là những việc làm âm thầm trong lặng lẽ.
Việc một người không bao giờ xem bóng đá, nhưng người đó ra sức phủ kín đồi trọc để bảo vệ ngọn núi, bảo vệ quê hương, thì không thể nói rằng người đó không yêu nước.
Hoặc những người lao công, ngày đêm tham gia dọn dẹp đường phố sạch sẽ, ngoài tiền công họ nhận được, thì với tình yêu nghề, họ đóng góp vào việc giữ gìn môi trường xanh sạch cho con người. Dù họ không xem bóng đá, thì không thể nói rằng họ là người không yêu nước.
Và tôi, một người yêu văn chương nghệ thuật, như người anh kia, rất ít khi xem bóng đá, nhưng không thể nói rằng chúng tôi không yêu nước.
Nhiều người hô hào xem bóng đá là yêu nước, yêu nước đâu không thấy, nhưng tôi cứ để ý, rằng mỗi mùa bóng đá về, nhiều người thân của họ lo lắng lắm. Bởi đằng sau những trận đá bóng đó, có biết bao vấn đề phát sinh, và rất nhiều trong số họ tham gia cá độ, đua xe.
Tôi còn nhớ trong ký ức xa xăm của mình, giải World Cup 2006, khi đang là sinh viên năm hai đại học. Trong và sau mùa giải đó, nhiều phòng trọ của sinh viên bị mất trộm, nhiều dàn vi tính mới mua bị ăn cắp, nhiều khi sự ăn cắp đó còn diễn ra trắng trợn, như kiểu đột nhập vào phòng trọ rồi trấn lột. Đương nhiên, điều này chỉ xảy ra ở những khu trọ không đảm bảo an ninh trật tự.
Hàng chục vụ xảy ra trên khắp thành phố, đó là những thông tin tôi nghe được, còn thực tế có thể nhiều hơn. Người thuê trọ đành ngậm đắng nuốt cay, chủ trọ cũng yêu cầu lên công an, nhưng những sự vụ dân sự đó xảy ra như cơm bữa, ai mà xử lý cho hết.
Những sự vụ trộm cắp đó, chỉ xảy ra trong thời điểm nóng (mùa Worrld Cup) đó thôi, còn bình thường thì ít khi có. Và hiển nhiên, mất đồ chỉ là một phần trong câu chuyện mùa bóng đá, bên cạnh còn có nhiều vụ tự tử, nhảy cầu, nhảy lầu.
Năm đó, trong giới sinh viên chúng tôi, có một sinh viên trong ký túc xá nhảy từ tầng năm xuống đất và ra đi mãi mãi. Điều tra nguyên nhân, là do thua độ bóng đá. Tiền bạc mất sạch, vi tính và đồ đạc có giá trị đều bán hết, ngoài ra còn nợ nần xã hội đen nữa.
Quê tôi thì mùa bóng đá nào cũng vậy, nhiều bạn trẻ bị thua cá độ đến mức bố mẹ phải bán đất trả nợ giùm cho, nhiều cặp vợ chồng trẻ ly hôn. Tôi không hiểu vì sao nhiều người đã một lần sai lầm rồi, nhưng lại còn mắc lại lần hai, lần ba? Nhiều người biện hộ, rằng mùa này thua, mùa sau gỡ lại. Nhưng sự đời đâu như là mơ!
Có người dành dụm bao nhiêu tiền công lao động, để mong trả nợ cho mùa giải trước, nhưng đến mùa giải sau thì nợ trước chưa kịp trả đã chồng thêm nợ sau. Rồi khi con người rơi vào thế đường cùng, nghĩ quẩn, lại sinh ra những hành động vi phạm pháp luật.
Chưa nói, sau những mùa giải, nhất là khi có đội bóng Việt Nam đá, và thành công, thì nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra, nhiều vụ vi phạm giao thông, và lô nhố những thông tin chẳng mấy hay ho về đời sống an ninh trật tự. Đôi khi, tôi nghĩ, cái tư tưởng hùa theo đám đông, rất nguy hiểm vậy.
Bản thân tinh thần yêu thể thao là tốt, yêu bóng đá cũng vậy. Nó giống như tôi yêu văn chương nghệ thuật, như những người lao công yêu lao động, như người trồng cây yêu môi trường. Ta không thể đồng nhất việc nọ với việc kia, bởi bản thân khái niệm yêu nước mang nội hàm rất rộng và sâu, đa chiều.
Yêu nước phải là những hành động cụ thể, đóng góp cụ thể cho sự xây dựng quê hương, đất nước, để đất nước ngày càng phát triển. Không phải cứ xem bóng đá là yêu nước. Tuy nhiên, nếu xem bóng đá nhưng không cá độ gì cả, không gây những phiền toái cho gia đình, không làm ảnh hưởng đến cộng đồng, xã hội, thì nhìn ở một góc độ nào đó, xem như là yêu nước rồi!...
Và mùa Euro này lại đến, dù kịch bản không hay kia xảy ra không biết bao nhiêu lần, nhưng đâu đó vẫn có những người vợ, người mẹ lo lắng không yên, vì những chàng trai mê bóng đá! Tệ nhất là khi những người đó lại hô hào, yêu nước là phải xem bóng đá!...
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả